PNO - PN - Hiện nay, tại TP.HCM có khoảng hơn 400 trung tâm ngoại ngữ (TTNN). Nhiều khu vực, chỉ khoảng 50-70m là có một TTNN. Để có học viên, các TTNN phải nghĩ ra nhiều “chiêu trò” nhằm tạo sự hấp dẫn. Nếu không tỉnh táo, “khách hàng”...
Nhiều trung tâm ngoại ngữ ồ ạt tung các chương trình khuyến mãi, quà tặng... mà không chú ý đến việc nâng cao chất lượng dạy - học.
“Giam tiền”
Đầu tháng 12/2012, chị H. đăng ký cho đứa con sáu tuổi vào học tiếng Anh tại một TTNN trên đường Nguyễn Trọng Tuyển (Q.Tân Bình) theo chương trình khuyến mãi đặc biệt: “đăng ký học một, được học kèm thêm một”. Vì không có người để “kèm” chị H. xin đổi thành “đóng tiền một khóa được học hai khóa” và TT đồng ý. Sau khi đóng sáu triệu đồng học phí, nhân viên của TT hẹn chị đến sau Noel sẽ mở lớp. Sau Noel, TT lại hẹn đến sau Tết dương lịch. Và, sau Tết dương lịch, họ lại hẹn đến sau Tết Nguyên đán. “Thấy không ổn vì phải chờ quá lâu và không biết còn chờ đến bao giờ, nên tôi đã xin rút tiền lại”, chị H. kể. Lúc này, nhân viên của TT đã “chuyển” chị qua lại nhiều lần cho nhiều người “làm việc” nhưng vẫn không giải quyết yêu cầu của chị “Vào mùng Chín Tết, tôi đến TT đề nghị được rút tiền lại nhưng không gặp được người quản lý. Nhân viên của TT thì cứ nói vì đây là chương trình khuyến mãi nên không thể rút lại tiền và đề nghị tiếp tục chờ hoặc tìm lớp khác. Tôi đã tranh luận với họ: Thứ nhất, bé mới đi học tiếng Anh, làm gì có lớp nào phù hợp để chuyển; thứ hai, đằng sau biên lai thu tiền có ghi rõ: sau 60 ngày nếu không mở được lớp sẽ hoàn lại học phí nhưng họ vẫn không chấp thuận”, chị H. bức xúc. Đến ngày 1/3, gần ba tháng sau khi đóng tiền và chuốc lấy bao nhọc nhằn, chị H. mới được TTNN này chấp nhận hoàn trả lại sáu triệu đồng.
Trường hợp của chị Phúc lại khác. Vào đầu tháng Giêng năm 2013, bé X.T., con chị Phúc, đang học lớp 4 tại một trường tiểu học ở Q.9 khoe với mẹ cháu được nhận học bổng (HB) trị giá 1,5 triệu đồng. Chưa kịp tìm hiểu sự việc thì chị Phúc liên tục nhận được điện thoại của nhân viên TTNN L. (có cơ sở tại Thủ Đức) - nơi cấp HB cho con chị - hối thúc đưa cháu đến kiểm tra xếp lớp. Dù rất bận nhưng chị Phúc cũng tranh thủ đưa con ra kiểm tra xem sao. Sau cuộc trò chuyện của cháu X.T. với một thầy “da trắng tóc vàng”, cô nhân viên khen bé X.T. nói tiếng Anh rất tốt và cho biết nhà trường sẽ chuyển bé lên học lớp Teen, đồng thời hứa hẹn sẽ bố trí giáo viên kèm cặp thêm cho bé nếu bé không theo kịp. Thấy chị Phúc có vẻ xuôi tai, cô nhân viên liền đưa ra một tập hồ sơ bảo chị điền vào. Khi đọc đến điều khoản “TT không hoàn lại học phí với bất cứ lý do gì”, chị Phúc mới chợt nhớ là phải hỏi học phí của khóa học và được trả lời: “Học phí của khóa học hai tháng rưỡi là sáu triệu đồng. Trừ 1,5 triệu giá trị HB, chị chỉ phải đóng 4,5 triệu đồng”. Để trì hoãn việc “ký kết”, chị Phúc yêu cầu cho xem giáo trình lớp Teen. Lúc ấy, chị mới biết nội dung giáo trình lớp Teen là không phù hợp với con mình.
Những ngày sau đó, nhân viên marketing của TT này liên tục điện thoại khen ngợi con chị, đồng thời thuyết phục chị Phúc cho con đến học để được hưởng các ưu đãi.
Anh văn Hội Việt Mỹ là một địa chỉ dạy tiếng Anh được nhiều người biết đến nhờ chất lượng giảng dạy rất ổn định.
Đủ chiêu “câu” học viên
“Họ tung hô HB bạc, HB vàng, HB kim cương nhưng thực chất không có gì mang tính chất HB cả, vì những ai không nhận HB thì được giảm học phí, mức giảm từ 20-25%, cũng tương đương HB. Điều quan trọng hơn, nhân viên của họ chỉ biết bán được hàng bằng mọi giá mà không cần quan tâm đến những quyền lợi của khách hàng. Ví dụ như khách hàng đang học tiếng Anh ở đâu? Chất lượng dạy học có tốt không? Nếu đăng ký học tại TT họ thì có bị lỡ khóa học nào không? TT có lớp học nào tương ứng với trình độ?...”, chị Phúc bày tỏ sự không hài lòng với kiểu tuyển sinh “chụp giựt” nói trên. Còn chị H. thì bực bội với kiểu thông tin lập lờ: “Họ không chắc mở được lớp nhưng cứ tỏ ra là đang có nhiều học viên để thu tiền của tôi. Khi tôi đòi lại tiền thì đùn đẩy trách nhiệm khiến tôi mất thời gian và công sức”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong thị trường dạy học tiếng Anh hiện nay, có rất nhiều “chiêu” bán hàng. Tại ngã tư Điện Biên Phủ-Hai Bà Trưng, TT Anh ngữ Y. treo quảng cáo: “Lì xì đầu năm, ưu đãi từ 20-100% học phí”. Tại ngã tư Phú Nhuận, TT Anh ngữ S. quảng cáo: “Đóng tiền học đầu năm, giảm ngay 30% học phí”. Cách đó 40m, trên đường Hoàng Văn Thụ, TT Đ. treo bảng quảng cáo: “Quà tặng đầu năm”, nhưng khi hỏi thì chương trình này không còn nữa. Ngoài ra, không ít TTNN còn áp dụng chiêu “đóng tiền trước được giảm giá” với mức giảm rất khủng, có khi lên đến 70% học phí nếu đóng trước ba năm.
Ông Phạm Anh Ba - Trưởng phòng Giáo dục thường xuyên - Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết: toàn thành phố hiện có hơn 600 TT văn hóa ngoài giờ, trong đó có hơn 400 TT dạy ngoại ngữ. Tốc độ phát triển các TT này luôn ở mức 10- 15%/năm trong suốt nhiều năm qua, dẫn đến tình trạng phải giành giật học viên giữa các TT. Khảo sát trên đường Hoàng Diệu 2 (Q.Thủ Đức), đoạn đường chưa đầy một km nhưng có đến chín TTNN hiện diện, trong khi trước đó ba năm khu vực này chỉ có bốn TT.
Cảnh giác “treo đầu dê, bán thịt chó”
Một chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm trong quản lý lĩnh vực này cho biết: “Chuyện chèo kéo, giành giật học viên giữa các TT ngoại ngữ là có thật, bởi số TTNN mở ra thì quá nhiều trên cùng một địa bàn dân cư. Gần đây, nhiều TTNN đã ồ ạt tung nhân viên đi “bán hàng” (marketing), họ được hưởng hoa hồng trên số lượng hợp đồng bán được, nên đã chèo kéo, giành giật khách hàng bằng mọi giá”.
Trước một thị trường dạy tiếng Anh quá đỗi “phong phú” về cả số lượng, chất lượng và cách thức quảng bá thì làm sao có thể chọn được một địa chỉ thực sự tốt để học, ông Phạm Bá Thịnh, quản lý của Trường Ngoại ngữ Đông Nam Á, Q.9 nói: “Các TTNN có thể giảm đến 70% học phí cho những học viên đăng ký nộp tiền học trước ba năm nhưng người học chớ ham rẻ, bởi: Thứ nhất, bạn có chắc là bạn có thể theo đuổi việc học trong suốt ba năm; thứ hai, một khi việc dạy học của TT không làm bạn hài lòng, bạn sẽ bỏ; thứ ba, vì nhiều lý do, các TT sẽ chuyển đổi chỗ dạy/học (đôi khi rất xa nơi ở của bạn), bạn có theo học được không? Khi gặp phải những tình huống này bạn sẽ không thể, hoặc rất khó, lấy tiền lại, vì bao giờ các TT luôn giữ đằng cán, còn bạn giữ đằng lưỡi”.
Nhiều thầy cô giáo dạy tiếng Anh cũng khuyên người đi học chớ thấy các TTNN bề thế, tọa lạc ở những vị trí đắc địa, liên tục quảng bá... mà “nhào vô”, vì những địa chỉ này học phí thường phải cao mới đủ chi phí thuê mặt bằng. Hơn nữa, theo cô Trần Thị Minh - một giáo viên từng dạy tiếng Anh tại nhiều TT lớn, thì rất nhiều TTNN nhìn bề ngoài rất bề thế nhưng cơ sở vật chất lại xập xệ. Họ quảng cáo có giáo viên nước ngoài, nhưng thực chất các vị này chỉ là “người nước ngoài” chứ không phải giáo viên nên không có phương pháp giảng dạy.