"Bẫy giá rẻ" khiến nhiều người mua phải hàng giả, hàng nhái qua mạng

24/07/2024 - 06:07

PNO - Trong nửa đầu năm nay, hàng giả, hàng nhái không giảm, thậm chí có xu hướng gia tăng do các loại hàng này đánh vào tâm lý giá rẻ, nhiều mẫu mã. Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM đã có những chia sẻ xung quanh nội dung này.

* Thưa ông, gần đây thị trường xuất hiện thông tin người tiêu dùng phản ánh việc mua phải hàng giả mạo nhãn hiệu như quần áo, thực phẩm... Xin ông đánh giá tình hình buôn bán hàng giả trên địa bàn TPHCM hiện diễn ra như thế nào?

Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Cục trưởng Cục QLTT TPHCM

- Ông Nguyễn Quang Huy: Đánh giá chung của chúng tôi là hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng cấm; sản xuất kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không giảm mà lại có xu hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay.

Về nguyên nhân, do bối cảnh chung là kinh tế xã hội gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong khi đó hàng hóa vi phạm (hàng giả, hàng nhái) lại đáp ứng nhu cầu của người dân là có giá rẻ, nhiều mẫu mã.

Nhìn chung, hàng giả, hàng lậu, hàng kém chất lượng xuất hiện ở bất kỳ nơi đâu, kênh bán hàng nào - miễn sao bán được hàng hóa vi phạm đến người tiêu dùng để thu được lợi nhuận bất chính. Tuy nhiên internet (mạng xã hội) đang là một mặt trận mới, có thể nói là rất nóng trong công tác chống hàng giả. Bởi lẽ không gian mạng là nơi người bán và người mua có thể trao đổi thông tin, hàng hóa dễ dàng mà không cần phải gặp mặt trực tiếp, nên đồng thời, chất lượng hàng hóa khi được giao tới người tiêu dùng không có sự kiểm tra, kiểm soát về chất lượng của các cơ quan chức năng.

* Vậy ở TPHCM trong 6 tháng qua lực lượng QLTT đã bắt giữ bao nhiêu vụ việc liên quan đến hàng giả, thưa ông?

- Trong 6 tháng đầu năm 2024 chúng tôi đã kiểm tra, xử lý 668 vụ liên quan đến hàng giả, hàng kém chất lượng và tạm giữ 84.169 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 7,7 tỉ đồng. Chúng tôi cũng đã xử phạt các vụ việc với số tiền hơn 20,3 tỉ đồng.

Riêng về hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, các đội QLTT đã kiểm tra, xử lý khoảng 1.110 vụ, tạm giữ 876.192 đơn vị sản phẩm hàng hóa vi phạm với tổng trị giá hơn 45,9 tỉ đồng. Số tiền hơn 20,3 tỉ đồng.

Các hàng hóa vi phạm chủ yếu là hàng thời trang, giày dép, vải, thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc lá điện tử, vàng…

QLTT TPHCM thực hiện tiêu hủy hàng giả mạo nhãn hiệu.
QLTT TPHCM thực hiện tiêu hủy hàng giả mạo nhãn hiệu.

* Theo ông, vì sao lực lượng chức năng ra quân liên tục nhưng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra phổ biến? Hướng xử lý của Cục QLTT TPHCM trong thời gian tới?

- Hiện nay việc kinh doanh, buôn bán hàng giả của các đối tượng ngày càng tinh vi và hoạt động có tổ chức nên rất khó phát hiện. Các đối tượng đã lợi dụng sàn giao dịch thương mại điện tử và việc thuận tiện trong mua - bán online trên mạng xã hội (facebook, zalo...) để kinh doanh hàng cấm, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Do vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, Cục QLTT TPHCM sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là những sai phạm có tính phổ biến trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Trong đó, tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như: rau củ quả, gạo, thịt heo, thuốc lá, đường cát...

Chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các lực lượng chức năng, đặc biệt là Công an TP trong công tác đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại mà tập trung là trên môi trường thương mại điện tử.

Tuy nhiên, do địa bàn TPHCM rộng, tập trung nhiều kho hàng, bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa và dân cư tập trung đông nên các đối tượng thường lợi dụng để kinh doanh hàng hóa hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ,… nên việc đẩy lùi hàng giả, hàng nhái nếu chỉ mình QLTT làm sẽ khó mà cần sự phối hợp giữa nhiều bên.

Trong đó, các doanh nghiệp cần thực hiện đúng các quy định của pháp luật đối với người kinh doanh hàng hóa; minh bạch về sản phẩm hàng hóa và dịch vụ bằng cách cung cấp thông tin chi tiết - chính xác về sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm giá cả, chính sách đổi/trả hàng; tránh quảng cáo đánh lừa và đảm bảo rằng mọi thông tin quảng cáo đều chính xác và không gây hiểu lầm cho người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp cũng cần nhanh chóng phản hồi cơ quan quản lý nhà nước đối với việc xác định hàng hóa có dấu hiệu giả mạo hay không để kịp thời làm căn cứ xử lý vi phạm hành chính. Riêng người bán hàng cần có ý thức không tiếp tay mua bán hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, lừa dối người tiêu dùng.

* Xin cảm ơn ông!

Mai Ca (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI