Bẫy chồng

14/06/2014 - 11:42

PNO - PN - Chị Hạnh Dung mến! Vợ chồng tôi lấy nhau 14 năm, đã có hai con, trai gái đầy đủ, kinh tế tạm ổn.

edf40wrjww2tblPage:Content

Suốt thời gian hôn nhân, tôi luôn có cảm giác bị lừa dối. Tôi đã tìm nhiều cách kiểm tra, nhưng chồng tôi giấu rất kỹ nên không tìm ra chứng cớ. Anh ấy đi về thất thường, nhiều hôm về rất trễ, điện thoại cài mã khóa, gọi điện đến công ty thì không có mặt… Hỏi thì anh ấy giải thích phải gặp đối tác, quan hệ giao dịch. Tôi nghe lời chị bạn thân, mua một sim điện thoại khác để gài bẫy chồng. Tôi dùng số điện thoại lạ đó nhắn vào máy chồng tôi, lời lẽ ỡm ờ mời mọc. Đúng như tôi nghi ngờ, anh trả lời cũng ỡm ờ như thế, dù không biết ai là người nhắn cho mình! Tôi dấn thêm bước nữa, nhắn hẹn anh đến nhà nghỉ. Sau một lúc, anh nhắn: “Loại như em chỉ đáng giá 50.000đ thôi!”. Tôi dù biết mình đang đóng giả, nhưng vẫn đau. Chẳng lẽ chồng tôi là người tạp ăn, trả giá rẻ mạt thế sao? Hay anh ấy biết tôi đang gài bẫy, nên mới tạt nước lạnh vô mặt tôi để dạy tôi một bài học? Tôi thật không biết xử sự ra sao trong hoàn cảnh này, có nên nói huỵch toẹt ra hết mọi chuyện, cho thấy cái bản mặt trơ trẽn của anh ta?

Thái Thị Minh (TP.HCM)

Bay chong

Chị Minh thân mến,

Đã “gài bẫy” người ta, thì mình phải có gan, có sức để trải qua hết tất cả các công đoạn: chế bẫy, gài bẫy và gỡ bẫy bắt mồi. Chưa gỡ được bẫy, chưa bắt được mồi mà đã bối rối, chứng tỏ mình chưa đủ lực, hoặc mình chưa chuẩn bị kỹ càng. Nói cách khác là mình “thiếu chuyên nghiệp”. Hạnh Dung mừng cho chị vì chỗ “thiếu chuyên nghiệp” đó, vì chứng tỏ chị không quá lạnh lùng, tàn nhẫn, vẫn còn trái tim nồng ấm của người đàn bà, vì yêu nên ghen, vì ghen nên ngờ vực. Thôi cũng coi như thử một lần gài bẫy cho biết, chứ theo Hạnh Dung đây là việc không nên làm. Đàn ông ngó vậy mà cũng dễ dính bẫy lắm! Đôi khi biết tỏng tòng tong đó là bẫy, mà họ vẫn cứ đạp vào, chơi cho vui vậy thôi, chọc tức vậy thôi và có chút ỷ lại, coi thường nữa: ba cái bẫy lèng mèng của các bà, họ chỉ vùng vẫy một phát là tan! Chính vì vậy, Hạnh Dung chúc mừng chị đã không bắt được con mồi từ chiếc bẫy do mình giăng ra. Thử hình dung bắt được rồi thì mình cũng chẳng biết làm gì tiếp theo cho yên cửa yên nhà…

Việc cần làm bây giờ là… im lặng! Im lặng một cách tỉnh táo, vui vẻ, chứ không phải im lặng trong sự nặng nề, bực dọc. Chị nên hủy ngay cái sim điện thoại kia và tất cả các dấu vết liên quan, xóa sạch toàn bộ dữ liệu về “bẫy” trong điện thoại cũng như trong đầu mình. Đừng bao giờ phân tích ngược xuôi kiểu “anh ta biết hay không biết”, vì kết quả của những phân tích kiểu này chỉ làm mệt mỏi mình thêm chứ không có giá trị gì. Muốn biết anh đi đâu với ai, chị nên hỏi thẳng. Muốn kiểm tra sát sao, chị cần tham gia nhiều hơn vào các công việc, sinh hoạt của chồng. Muốn níu giữ, chị nên thắt chặt thêm mối dây tình cảm gia đình, cha con, chồng vợ, chăm sóc chồng, chăm sóc mình, tìm cơ hội cả nhà cùng nhau đi làm, đi chơi, đi học. Đó cũng là cách xây dựng lại niềm tin, tránh xa bóng ma ghen tuông ngờ vực. Ngồi một chỗ mà nghi ngờ thì héo mòn đi mất. Nên tìm thêm việc gì để làm, để ra ngoài, mở rộng giao tiếp; nên tạo điều kiện để chồng chị cũng phải chú tâm lo lắng cho vợ, cho con.

Với chị bạn đã bày cách “bẫy chồng”, chị đừng kể lể kết quả hay than vãn. Các bà hay có màn tăng nặng, bẫy lui bẫy tới, tinh vi hơn cho tới khi con mồi dính bẫy mới thôi. Có bà còn dùng luôn cả người thật để bẫy! Hậu quả thường rất nặng nề, vấn đề không được giải quyết mà còn tệ hại hơn. Lần này coi như mình đã trả xong học phí, nhất định phải dừng khóa học này thôi, chị ạ.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

Tư vấn trực tiếp tại tòa soạn từ 8g đến 17g các ngày thứ Hai, ba, Tư, năm, Sáu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI