Bầu tư nhân ra tay mở thêm hai sân khấu mới

23/12/2019 - 07:51

PNO - Trong tuần qua, TPHCM vừa khai trương thêm hai sân khấu mới: sân khấu kịch ở khách sạn The Myst Đồng Khởi (số 6-8 Hồ Huấn Nghiệp - Q.1) và Nhà hát múa rối Nụ Cười ở Cung văn hóa Lao Động (Q.1).

Sân khấu xã hội hóa dành cho cả người lớn lẫn thiếu nhi đang ở giai đoạn đỉnh điểm của khó khăn, đến mức có lúc người làm nghề đã nghĩ đến viễn cảnh sẽ không còn sân khấu xã hội hóa. Nhưng thực tế, sân khấu dẫu khó vẫn chưa hết những đam mê và quyết tâm giữ cho nó mãi sáng đèn.

Sân khấu kịch của người “ngoại đạo”

Vé đêm diễn ra mắt sân khấu (SK) kịch ở khách sạn The Myst tối 19/12 đã hết từ trước ngày diễn. Khán phòng chỉ hơn 100 khán giả, nhưng hiệu ứng của vở Eugénie Grandet thành công ngoài mong đợi, tháo gỡ mọi âu lo của những người khởi xướng và thực hiện ý tưởng mở thêm SK kịch ở khách sạn.

Bau tu nhan ra tay mo them hai san khau moi
Eugénie Grandet vẫn đầy sức thuyết phục ở không gian ấm cúng của khách sạn The Myst

Ông Vũ Nam, Giám đốc SK The Myst, cho biết: “Chúng tôi có một không gian riêng dành cho các hoạt động văn hóa nghệ thuật ngay tại khách sạn. Khán phòng được đầu tư khá tốt về âm thanh, ánh sáng… và đã có nhiều hoạt động biểu diễn ở đây như các chương trình ca nhạc, ra mắt MV… Quan sát các hoạt động văn hóa nghệ thuật ở TP.HCM, tôi nhận ra kịch cũng là một thế mạnh mang nhiều dấu ấn văn hóa đặc trưng của Sài Gòn. Thêm một điểm diễn kịch, chúng tôi mong muốn có thêm một điểm đến văn hóa cho du khách, đồng thời giới thiệu loại hình nghệ thuật tiêu biểu của thành phố với khán giả trong nước và quốc tế”.  

Hướng đến đối tượng khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, nên các vở diễn ở The Myst đều sẽ có phụ đề tiếng Anh. Không làm khó mình bằng cách tự xây dựng vở diễn, The Myst sẽ chọn lọc những vở diễn hiện có ở SK thành phố để đưa về biểu diễn. Có nhiều lợi thế trong công tác tổ chức khán giả, do có “nguồn” từ khách lưu trú tại khách sạn, và các khách sạn ở khu vực lân cận, nhưng thách thức của SK mới này cũng không nhỏ.

Với không gian và khán phòng nhỏ, những vở diễn được chọn không chỉ yêu cầu có cảnh trí đơn giản, không quá nhiều diễn viên, mà còn đòi hỏi phải có dàn diễn viên nhiều nội lực, đủ sức chinh phục khán giả bằng tài năng của mình. 

Sau Eugénie Grandet, dự kiến một số vở diễn của SK kịch Hồng Hạc cũng sẽ được đưa về đây như I am đàn bà và Giờ của quỷ. Ông Vũ Nam cho biết sẽ tham khảo ý kiến của đạo diễn Việt Linh để chọn một số vở diễn phù hợp của các SK khác để đưa về The Myst. Dự kiến, thời gian đầu, sẽ diễn một suất/tuần. Vé xem kịch (kèm bữa tối) được bán trên websitse của khách sạn.

“Ông bầu” kiên trì với trẻ thơ

Sáng 21/12, Nhà hát múa rối Nụ Cười - nhà hát duy nhất của tư nhân dành cho thiếu nhi của khu vực miền Nam đã chính thức khánh thành. Suất diễn đầu tiên chật kín khán giả nhí. Có nghe các bé reo hò theo từng diễn biến của vở rối Nàng tiên cá, có được nhìn thấy những khuôn mặt trẻ thơ rạng rỡ khi được nắm tay các nhân vật rối để ba mẹ chụp hình cho, mới hiểu trẻ thơ đang khát các chương trình nghệ thuật dành cho mình biết chừng nào. 

Bau tu nhan ra tay mo them hai san khau moi
Nàng tiên cá một trong những vở rối cạn sẽ luân phiên biểu diễn ở Nhà hát múa rối Nụ Cười

Bắt đầu đến với SK dành cho thiếu nhi từ năm 1983, ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc công ty biểu diễn nghệ thuật Thái Dương - vẫn không thôi ấp ủ ước mơ có một nhà hát cho thiếu nhi. Và mãi đến hôm nay, ước mơ đó mới trở thành sự thật.

Nhà hát múa rối thiếu nhi Nụ Cười bao gồm hai cụm nhà hát: Rối nước ở Nhà hát Rồng Vàng và rối cạn ở Nhà hát Nón Lá - cả hai đều nằm trong khuôn viên Cung văn hóa Lao Động (Q.1). Được xây dựng để tổ chức các chương trình biểu diễn phục vụ khách du lịch quốc tế, nên cơ sở vật chất ở hai nhà hát đều được đầu tư khá tốt. 

Chương trình biểu diễn sáng thứ bảy hằng tuần sẽ gồm hai phần chính: rối cạn ở nhà hát Nón Lá với những câu chuyện cổ tích quen thuộc: Nàng tiên cá, Sơn Tinh - Thủy Tinh, Trần Quốc Toản ra quân, Cô bé Lọ Lem , Tề thiên đại thánh đại chiến Hồng Hài Nhi... Sau đó các bé sẽ di chuyển về Nhà hát Rồng Vàng để xem chương trình rối nước. Cùng phần biểu diễn tại hai nhà hát, còn có mini show diễu hành. 

Nếu rối nước là phần trích gọn từ bản dựng đang biểu diễn cho du khách quốc tế, thì phần rối cạn cũng được đầu tư khá mạnh từ kịch bản đến các con rối, phục trang, cảnh trí, ánh sáng SK và công tác dàn dựng. SK có nhiều lợi thế khi sở hữu hơn 32 vở diễn trong chương trình Ngày xửa, ngày xưa và loạt kịch lịch sử dành cho thiếu nhi. Nhiều ca khúc được đặt hàng nhạc sĩ viết riêng cho tác phẩm lớn đã được sử dụng lại khi dàn dựng các vở rối cạn cùng tên. Đây là một trong những yếu tố mang lại sức hấp dẫn đặc biệt cho những vở rối cạn vốn đã là những câu chuyện quen thuộc với thiếu nhi.

Bau tu nhan ra tay mo them hai san khau moi

Một điều khá bất ngờ, dù được đầu tư bài bản với chất lượng tốt, nhưng giá vé cho toàn bộ chương trình chỉ 80.000 đồng/vé. Ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ: “Một năm Nhà hát múa rối nước Rồng Vàng có thể thực hiện hơn 750 suất diễn cho khách du lịch - đa số là khách quốc tế, tại sao ở Việt Nam lại chưa có nhiều khán giả, nhất là thiếu nhi, hiểu và yêu thích nghệ thuật rối nước? Tôi chưa đặt nặng vấn đề doanh thu khi xây dựng chương trình ở Nhà hát múa rối Nụ Cười. Điều tôi mong muốn nhất là trẻ thơ có được một sân chơi cuối tuần để hiểu và yêu hơn nghệ thuật rối nước độc đáo của Việt Nam”.

Nhà hát múa rối Nụ Cười không chỉ dành riêng cho thiếu nhi Việt Nam mà còn hướng đến các đối tượng thiếu nhi là con em người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Sau tết Nguyên đán 2020, nhà hát sẽ tiếp tục giới thiệu các chương trình rối cạn theo từng chủ đề với phần chuyển ngữ gồm các ngôn ngữ Anh, Nhật và Hàn Quốc (chương trình chuyển ngữ giá vé dự kiến 150.000 đồng), luân phiên biểu diễn định kỳ vào sáng thứ Bảy hằng tuần. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI