Bầu gánh hát lừng danh Dạ Lý Hương qua đời

21/06/2019 - 11:31

PNO - Ông mất lúc 3g30 sáng 21/6, linh cữu quàn tại tư gia 20/2A đường Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình.

Ít người nhớ tên thật của ông bầu đoàn Dạ Lý Hương nổi tiếng là Diệp Lâm Thắng mà vẫn gọi ông bằng cái tên thân mật "cậu Ba Xuân".

Bầu Xuân sinh năm 1934 ở Bình Trị Đông (Phú Lâm), từng trải qua tuổi thơ khốn khó khi phải vừa đi học vừa bán bánh kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Khi gia đình làm ăn khấm khá, ông được gửi đi học ở Hong Kong.

Bau ganh hat lung danh Da Ly Huong qua doi
Bầu Xuân (thứ 2 từ trái qua)

Năm 24 tuổi (1958) Bầu Xuân trở về nước, được cha hướng theo con đường kinh doanh, ông lập Công ty xuất nhập cảnh Nam Hiệp Công Thương, đồng thời cũng là nhà thầu xây dựng và chủ nhân Hãng giấy Kiss Me.

Khi đoàn Hoa Thủy Tiên rã gánh, bầu Hiếu do quen biết cậu Ba Xuân nên xin cho nghệ sĩ, công nhân đoàn hát về tá túc ở khu đất xưởng của ông. Không chỉ cho ở tạm, cậu Ba Xuân còn cung cấp gạo, tiền nuôi gánh hát tạm thời.

Cũng thời gian này có người quen làm trong lĩnh vực cải lương rủ rê ông lập gánh hát để giúp các nghệ sĩ đang gặp khó khăn. Ông chủ Hãng giấy Kiss Me chính thức trở thành ông bầu cải lương vào năm 1962, mở gánh Hoa Mùa Xuân, khai trương bằng tuồng Tiếng chuông chùa Xá Lợi.

"Nghiệp" làm bầu của ông không mấy thành công, người làm trong hãng thầu phản ứng, yêu cầu bầu Xuân thôi hẳn công việc bầu gánh, nhưng ông vẫn không chịu dừng lại. Với quyết tâm đổi mới, bầu Xuân mời những tên tuổi nổi tiếng thời bấy giờ như Năm Châu, Bảy Nhiêu, Ba Vân, Thiếu Linh, Út Bạch Lan, Út Trà Ôn, Thành Được, Ngọc Giàu, Trang Bích Liễu… họp bàn, đi đến quyết định thành lập đoàn Dạ Lý Hương.

Cho đến ngày nay, khi nhắc về Dạ Lý Hương, giới cải lương vẫn khẳng định thập niên 1960 cải lương Sài Gòn chỉ có Dạ Lý Hương của bầu Xuân mới so sánh được với Thanh Minh - Thanh Nga. Từng có thời gian, Dạ Lý Hương không có đối thủ về số lượng tuồng tích. Ra tuồng nhiều, nhưng Dạ Lý Hương cũng chọn rất kỹ, nghệ sĩ tập luyện nghiêm túc, bài bản.

Dấu ấn của bầu Xuân và đoàn Dạ Lý Hương là sự kết hợp của “cặp sóng thần” Bạch Tuyết - Hùng Cường. Khi nghệ sĩ Hùng Cường về đoàn, kết hợp với cô đào Bạch Tuyết (vào khoảng năm 1966)- sự kết hợp được ví như “cơn sóng thần”, có sức hút đặc biệt với công chúng. Đây là giai đoạn được xem là đỉnh cao của Dạ Lý Hương. Các xuất hát không còn chỗ trống, thậm chí một ngày hát hai xuất, khán giả vẫn cứ nghẹt cứng. Nhiều nghệ sĩ kể, thời đó, bầu Xuân phải dùng cả bao bố để đựng tiền bán vé. Bạch Tuyết - Hùng Cường đã đưa Dạ Lý Hương thành đoàn hát không đối thủ ở Sài Gòn

Là người mạnh dạn có nhiều thay đổi khi làm bầu, bầu Xuân sống chan hòa, gần gũi mọi người, nhưng trong công việc, ông lại rất khắt khe. Tập tuồng không được đi trễ. Diễn cương, nói thêm lời ngoài kịch bản, bị khán giả phản ứng, sẽ phải bồi thường danh dự thương mại cho bảng hiệu. Ở Dạ Lý Hương, nghệ sĩ được tôn trọng đúng mức và không phải khúm núm đối với bầu. Tất cả thành viên đoàn hát đều ký hợp đồng với số tiền tùy theo tên tuổi và sự thỏa thuận của đôi bên. Khi hết hợp đồng được tặng luôn số tiền, còn bỏ đoàn ngang thì bồi thường đúng số tiền hợp đồng đã ký; bỏ ngang đêm hát phải bồi thường cả xuất hát.

Cuối thập niên 1960 cải lương khủng hoảng, nhiều đoàn hát rã gánh, Dạ Lý Hương của bầu Xuân cũng hoạt động cầm chừng. Tháng 10/1974, đoàn Dạ Lý Hương diễn suất hát cuối cùng.

Sau 1975, bầu Xuân một lần nữa lại lập gánh nhưng cũng chỉ hoạt động được ba năm Năm 1994, bầu Xuân về Chùa Nghệ sĩ phụ giúp NSND Phùng Há làm công tác quản trị tại chùa và vận động tài trợ cho nhiều chương trình từ thiện do NSND Phùng Há khởi xướng trước đó. Ông gắn với Chùa Nghệ sĩ cho đến ngày qua đời.

Ông mất lúc 3g30 sáng 21/6, linh cữu quàn tại tư gia 20/2A đường Bùi Thị Xuân, phường 3, quận Tân Bình.

P.V

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI