Bầu Đức bán 20.000 ha cao su cho Trung Quốc: Ép ngược Nhà nước?

22/09/2016 - 10:42

PNO - ''HAGL là doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực chất đây chưa phải là tư nhân thực sự, họ dùng các áp lực để Nhà nước phải hỗ trợ họ, tức cho tiền họ.''

Không thể làm khó

Liên quan đến tuyên bố của ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) về việc, Hoàng Anh Gia Lai Agrico có thể sẽ bán 20.000 ha cao su cho Trung Quốc nếu công ty mẹ không được cứu, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn cho rằng, HAGL đang muốn ép ngược Nhà nước.

Bau Duc ban 20.000 ha cao su cho Trung Quoc: Ep nguoc Nha nuoc?
Bầu Đức tính bán 20.000 ha cao su cho Trung Quốc

Giả thích vì sao HAGL lại dậm dọa bán đất cao su cho Trung Quốc, PGS.TS Lê Cao Đoàn phân tích: "Thứ nhất, trong kinh doanh được ăn lỗ chịu; doanh nghiệp kinh doanh kém, bị thua lỗ là việc của doanh nghiệp; vắng cô thì chợ vẫn đông. Thế nhưng ở đây có sự "kết duyên" giữa Nhà nước với doanh nghiệp nên doanh nghiệp mới dám làm mình làm mẩy với Nhà nước.

Thứ hai, Trung Quốc đã phát triển đến giai đoạn có thể mang vốn ra đầu tư ở nước ngoài và có các hợp tác với nước ngoài, không còn gói gọn trong nội địa nữa. Về mặt kinh tế, Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia phát triển khác đó là chuyện đơn thuần về kinh tế, do thị trường quyết định, làm ăn theo luật pháp.

Nhưng Trung Quốc thì khác, ngoài câu chuyện kinh tế đó còn là công cụ hữu hiệu để họ bành trướng. Chẳng hạn, Trung Quốc sử dụng ngân hàng AIIB, sáng kiến Nhất đới, nhất lộ, cho các nước vay tiền tưởng là rẻ nhưng hóa ra đắt, buộc nước khác phụ thuộc vào Trung Quốc và Trung Quốc trở thành kẻ bóp nặn người khác.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc mua đất, thậm chí ở cả những vị trí có tính chất chiến lược rồi đưa người sang.

HAGL là doanh nghiệp tư nhân được kỳ vọng rất nhiều nhưng thực chất đây chưa phải là tư nhân thực sự, họ dùng các áp lực để Nhà nước phải hỗ trợ họ, tức cho tiền họ.

HAGL tuyên bố bán đất cao su ở Lào cho Trung Quốc. Họ muốn bán cho ai thì bán, đấy là việc của họ nhưng ở Việt Nam, dư luận về việc cho người Trung Quốc trúng thầu hàng loạt, trúng thầu gần hết rất mạnh mẽ và không hề đơn giản. HAGL  đã biết lợi dụng điểm yếu này để gây sức ép với Nhà nước, trục lợi cho mình.

Nguyên nhân sâu xa của việc này xuất phát từ việc hệ thống kinh tế Nhà nước ở trong nền kinh tế Việt Nam quá lớn, làm cho tư nhân không trưởng thành lên thành những nhà tư bản tử tế như phương Tây được".

Từ những luận điểm trên, TS Đoàn khẳng định, không thể để xảy ra chuyện doanh nghiệp đi mặc cả với Nhà nước. Hơn nữa, việc dậm dọa này cũng không thể làm khó được Nhà nước.

Bình mới rượu cũ?

Về vấn đề tái cơ cấu nợ mà phía HAGL đề cập đến tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng cần hiểu cho đúng về khái niệm này:

"Nền kinh tế thị trường luôn luôn thay đổi, mà trước hết là thay đổi phương thức sản xuất, tạo ra năng suất. Các hoạt động chuyển động bên trong luôn cấu trúc lại cơ thể  nó và làm cho sức sản xuất ngày càng tăng lên.

Đến lúc nào đó, khi thị trường không đủ sức tự tái cấu trúc và có một số điểm yếu thì Nhà nước và xã hội có thể tác động thúc đẩy quá trình ấy. Quá trình này sẽ giúp hình thành một cơ thể mới khỏe mạnh hơn, đẹp đẽ hơn.

Còn trong trường hợp HAGL, họ dùng chữ tái cơ cấu cho đẹp còn trong lòng nó không thay đổi, chỉ là "đảo ngói" mà thôi".

Trả lời về việc, trong nền kinh tế thị trường, việc cứu doanh nghiệp này, để doanh nghiệp kia chết là chuyện hết sức bình thường, ví dụ trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Chính phủ Mỹ đã phải đưa ra quyết sách cứu ngân hàng, doanh nghiệp này mà bỏ ngân hàng, doanh nghiệp khác để vực dậy nền kinh tế Mỹ nói chung, PGS.TS Lê Cao Đoàn nêu rõ:

''Đây là hai câu chuyện khác nhau về bản chất. Rất nhiều người Mỹ đã không đồng ý, thậm chí phản đối quyết liệt việc dùng tiền thuế để cứu các ngân hàng, doanh nghiệp sắp chết.

Cái chết ấy là do tự các ngân hàng, doanh nghiệp gây ra khi trong quá trình hoạt động, họ làm hình thành nên các bong bóng bất động sản khổng lồ do cho vay dưới chuẩn, khi bong bóng ấy quá lớn, không chịu được nữa lập tức phát nổ. Mỹ đã cứu một số doanh nghiệp, ngân hàng, còn lại cho phá sản.

Nhưng có điều chắc chắn Mỹ khác Việt Nam ở chỗ: nếu họ chấn chỉnh lại, đưa vào một thể chế chặt chẽ, tái cấu trúc theo đúng nghĩa, lập tức các quá trình ấy hoạt động trơn tru trở lại và tạo ra lợi nhuận ngay bởi chúng đã có một nền móng rất tốt. Cũng chính vì thế, sau vài năm, nước Mỹ đã trở lại bình thường và đến năm 2014 quốc gia này đã tăng trưởng được 3%.

Còn ở Việt Nam, tái cấu trúc hay bơm tiền vào cũng không thể tạo ra lợi nhuận bởi hệ thống hoạt động quá kém hiệu quả, các điều kiện để có hiệu quả ở Việt Nam là không có. Cho nên mới có chuyện doanh nghiệp và ngân hàng bắt tay nhau để xin Chính phủ bơm tiền nhằm kiếm lợi.''

TS. Đoàn đặt ra nghi vấn, HAGL có thể đưa ra các cam kết để được cứu nhưng liệu họ có thực sự làm theo cam kết?

"HAGL phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của bản thân mình, chứ Nhà nước không thể ném tiền qua cửa sổ. Còn chuyện họ bán đất cho ai, vẫn còn có quy định của pháp luật điều chỉnh, không phải thích làm gì thì làm", PGS.TS Lê Cao Đoàn nhấn mạnh.

Trang Thu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI