Bầu cử tổng thống Mỹ: Nỗi lòng kẻ chiến bại

04/11/2020 - 06:00

PNO - Chỉ còn vài giờ nữa thì ẩn số cho chiếc ghế tổng thống Mỹ sẽ được lộ diện. Và chắc chắn sẽ có một người thua cuộc với những nỗi niềm riêng.

Dân chúng "xứ cờ hoa" phải chờ thêm thời gian ngắn nữa thì mới biết ông Donald Trump hay ông Joe Biden sẽ là vị tổng thống tiếp theo của mình. Và người thắng cuộc sẽ được tận hưởng dư vị tuyệt vời sau chuỗi ngày tranh đua đầy cam go bằng những tiếng hò reo, tiếng vỗ tay, nụ cười, những cái ôm, và cả những chai sâm-panh sủi bọt. Tất cả những điều tốt đẹp đó đều dành cho vị tổng thống kế nhiệm.

Những lúc ấy, có ai chợt nghĩ đến nỗi niềm của người chiến bại?

Chưa biết ai sẽ là chủ nhân của chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực bên trong Nhà Trắng năm 2020 - Ảnh: Jim Watson/Mandel Ngan/AFP/Getty
Chưa biết ai sẽ là chủ nhân của chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực bên trong Nhà Trắng năm 2020 - Ảnh: Jim Watson/Mandel Ngan/AFP

Khoảnh khắc hụt hẫng tột cùng

Bại trận trong cuộc chạy đua vào chiếc ghế tổng thống đầy quyền lực là một sự thất bại nặng nề cho bất cứ ứng viên nào. Cảm giác hụt hẫng xuất hiện khi nghĩ đến hàng triệu người đã hết lòng ủng hộ và đặt niềm tin vào mình, đóng góp quỹ, gom góp từng lá phiếu cho mình, và là những người luôn tin rằng mình sẽ chiến thắng. Để rồi thất vọng.

“Niềm đau chôn giấu” này có thể âm ỉ kéo dài theo cuộc sống của những “kẻ chiến bại” lâu hơn người ta tưởng. 12 năm sau khi bị ông Richard Nixon đánh bại trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1972, khi được hỏi mất bao lâu thì mới có thể vượt qua được nỗi buồn thua cuộc, ứng viên George McGovern nói “Tôi sẽ báo cho bạn biết ngay khi ngày ấy đến”.

Thượng nghị sĩ Sen. George McGovern trong một sự kiện tranh cử năm 1972 - Ảnh:
Thượng nghị sĩ George McGovern trong một sự kiện tranh cử năm 1972 - Ảnh: AP

Với thượng nghị sĩ John McCain thì phản ứng sau khi thua cuộc ở đợt bầu cử tổng thống năm 2008 là “chỉ ngủ được có 2 tiếng đồng hồ. Sau đó thức dậy và khóc. Và quy trình đó cứ thế lặp đi lặp lại suốt cả đêm cho đến khi trời sáng”.

Vào năm 2016, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton thức giấc lúc sáng sớm vào ngày bầu cử với niềm lạc quan khi các cuộc thăm dò đều cho thấy bà đang vượt xa lên phía trước so với đối thủ. Bà đã kê cao gối ngủ trở lại với giấc mơ trở thành nữ tổng thống Mỹ đầu tiên đang đến rất gần. Thế nhưng “30 chưa phải là Tết”. Một ngày trôi qua và sáng sớm hôm sau, bà đành phải cay đắng nhấc máy gọi cho đối thủ Donald Trump để xác nhận rằng mình đã thua cuộc.

“Đây không hề là kết quả mà chúng ta mong đợi”, bà Hillary Clinton nói với những người ủng hộ. “Tôi biết các bạn đang thất vọng đến nhường nào bởi chính tôi cũng đang gặm nhấm điều đó. Một điều đau lòng. Và cảm giác không hề dễ chịu này sẽ còn ở trong tôi rất lâu”.

Bà Hillary Clinton từng tưởng rằng mình sắp trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong cuộc bẩu cử năm 2016. Nhưng không phải vậy - Ảnh: Rick Wilking/Reuters
Bà Hillary Clinton từng ngỡ sắp trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ trong cuộc bầu cử năm 2016, nhưng không phải vậy - Ảnh: Rick Wilking/Reuters

Chấp nhận thất bại không hề là điều dễ dàng

Khi các ứng viên dồn hết mọi tâm sức để tham gia vào cuộc chạy đua tranh cử tổng thống thì thật không dễ dàng để họ chịu chấp nhận nhượng bộ nhau.

Vào những thời khắc đầu tiên của hôm bỏ phiếu diễn ra năm 2000, Phó tổng thống Al Gore thừa nhận thua cuộc trong cuộc gọi cho ứng viên đối thủ đảng Cộng hòa George W. Bush. Thế nhưng sau đó ông lại rút lại lời của chính mình bằng một cuộc gọi khác khi những diễn tiến của việc kiểm phiếu ở bang Florida đang cho thấy nhiều thay đổi khó lường. Mãi đến 36 ngày trôi qua thì kết quả mới ngã ngũ bằng chiến thắng của Tổng thống Bush đi kèm với phán quyết của Tòa án Tối cao.

Trong quyển sách xuất bản năm 2017 mang tên “Điều gì đã xảy ra”, bà Hillary Clinton nhắc lại rằng bà đã gọi cho ông Donald Trump để chúc mừng ông ấy thắng cử, cũng như bày tỏ sự sẵng sàng ủng hộ ông ông ấy trên vai trò tổng thống.

“Nói chung là như kiểu bạn gọi điện thoại cho nhà hàng xóm để từ chối không tham gia bữa tiệc barbecue của họ”, bà Hillary Clinton viết. “Nói thật nhanh để rồi cúp máy. Sau đó thì cảm thấy ớn lạnh và khó chịu trong người”.

Thượng nghị sĩ John F. Kennedy (Trái) và Phó Tổng thống Richard M. Nixon (Phải) - Ảnh: kansaspublicradio
Thượng nghị sĩ John F. Kennedy (trái) và Phó tổng thống Richard M. Nixon (phải) năm 1960 - Ảnh: Kansaspublicradio

Cuộc bầu cử tống thống năm 1960 giữa ông John F. Kennedy và Phó tổng thống đương nhiệm Richard M. Nixon cũng có nhiều điều thú vị. Ông Nixon cho biết ông được Tổng thống Dwight Eisenhower khuyên nên “quấy rối” bằng cách cáo buộc kết quả kiểm phiếu bị đảng Dân chủ gian lận. Thế nhưng ông Nixon đã từ chối làm điều đó bởi theo ông thì nó sẽ gây ra một “cuộc khủng hoảng hiến pháp” và “xé toạc đất nước ra làm nhiều mảnh”. Chính điều này đã khiến ông bị gọi là một “kẻ thua cuộc đau đớn”.

Thua cuộc chưa hẳn là mất tất cả

Có vài trường hợp những ứng viên thua cuộc trong bầu cử tổng thống nhưng vẫn có cơ hội vụt tỏa sáng ở những lĩnh vực khác nhau trên chính trường nước Mỹ.

Tổng thống Jimmy Carter, người bị đánh bại bởi ông Ronald Reagan khi tái tranh cử vào năm 1980, đã trở thành một nhà hoạt động nhân quyền quốc tế và được trao tặng giải Nobel Hòa Bình năm 2002. Phó tổng thống Gore thì trở thành một nhà hoạt động môi trường và cùng chia sẻ giải Nobel Hòa Bình năm 2007 cũng như được trao giải Oscar trong cùng năm cho bộ phim tài liệu liên quan đến chủ đề biến đổi khí hậu.

Ông Al Gore trượt vị trí tổng thống nhưng lại được vinh danh bằng giải Nobel Hòa Bình năm 2007 với những đóng góp trong lĩnh vực môi trường - Ảnh: John McConnico/AP
Ông Al Gore trượt vị trí tổng thống nhưng lại được vinh danh bằng giải Nobel Hòa Bình năm 2007 với những đóng góp trong lĩnh vực môi trường - Ảnh: John McConnico/AP

Ông John Kerry, người bị thua trước ứng viên Tổng thống George W. Bush vào năm 2004, sau đó đã trở thành Ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Obama. Ông Mitt Romney thì giờ đây đang làm việc tại Thượng viện Hoa Kỳ sau khi thua ông Obama trong đợt chạy đua vào Nhà Trắng năm 2012.

Vấn đề chuyển giao quyền lực

Thua cuộc là điều khó khăn để chấp nhận, thế nhưng bị “thất sủng” ngay khi đang đương nhiệm vai trò tổng thống như trường hợp của ông Carter và George H.W. Bush thì càng khó chịu hơn nhiều lần. Tuy nhiên, cả hai ông đều hiểu tầm quan trọng của việc chuyển giao quyền lực trong hòa bình.

Tổng thống Donald Trump thì liên tục khiến mọi người nghi ngờ về việc liệu ông có chấp nhận kết quả bầu cử, và sẽ chuyển giao quyền lực một cách hòa bình cho ông Biden nếu thua cuộc hay không.

Nhiều người đang lo lắng đến một viễn cảnh khủng hoảng hiến pháp đã từng suýt xảy ra với trường hợp của ông Nixon như đã kể ở trên.

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng ông không sẵng sàng rời Nhà Trắng nếu thua cuộc trong kỳ bầu cử năm nay - Ảnh: Getty Images
Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố rằng ông không sẵng sàng rời Nhà Trắng nếu thua cuộc trong kỳ bầu cử năm nay - Ảnh: Getty Images

Vào đầu năm 2020, ông Trump thêm một lần nữa bày tỏ sự không sẵn sàng rời khỏi Nhà Trắng. Phản ứng với thông tin này, ông Pete Buttigieg, vốn là ứng cử viên cho đề cử của đảng Dân chủ trong bầu cử tổng thống Hoa Kỳ 2020, đã nói đùa rằng, “nếu ông Trump không chịu rời đi, thì chúng ta có thể sắp xếp cho ông ấy làm một vài việc lặt vặt nào đó ở trong Nhà Trắng vậy”.

Nguyễn Thuận (theo The Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI