Trung Quốc lo sợ nếu Hillary Clinton lên cầm quyền
Rất rành về chính sách đối ngoại, có kinh nghiệm đối phó với Bắc Kinh và lập trường cứng rắn về Biển Đông là những yếu tố khiến bà Clinton là cái gai trong mắt Trung Quốc.
Tờ Thời báo Hoàn cầu từng đăng xã luận cho rằng Clinton "không được chào đón ở Trung Quốc" vào đêm trước khi bà tới Bắc Kinh để tham dự một cuộc họp. Trong một bài báo đặc biệt viết về chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên của Clinton trong vai trò ngoại trưởng Mỹ, tờ Thời báo Hoàn cầu viết rằng, người dùng Internet Trung Quốc coi ứng viên đảng Dân chủ là chính trị gia Mỹ “đáng ghét nhất”.
Tờ China Daily, nhật báo nhà nước Trung Quốc, từng đả kích bà Clinton bằng cách viết: “Clinton luôn nói giọng cực đoan mà không bao giờ quan tâm tới câu trả lời bà nhận được”.
|
Bà Hillary Clinton được nhận định sẽ cứng rắn với Trung Quốc hơn cả Obama |
James Mann, tác giả của nhiều cuốn sách về chính sách đối ngoại Trung Quốc và Mỹ, nhận xét, Trung Quốc không ưa Clinton vì hành động theo thiên hướng của một luật sư, thể hiện qua các quy tắc, kinh nghiệm làm việc với Bắc Kinh suốt hàng thập kỷ cùng sự hiểu biết tường tận của bà về chính sách đối ngoại.
Tất cả điều này khiến cựu ngoại trưởng là thách thức đáng gờm hơn mọi ứng viên tổng thống Mỹ khác. “Hillary, bà ấy có cá tính và hiểu chuyện. Trung Quốc cảm thấy khó khăn khi phải đối diện với một luật sư”, CNN dẫn lời ông Mann nhận xét.
Các nhà phân tích nhận định rằng, nếu Hillary Clinton trở thành tổng thống Mỹ, Washington sẽ tỏ thái độ cương quyết hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.
Đương kim Tổng thống Mỹ Barack Obama muốn ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông trong 5 năm qua. Nhưng tình hình sẽ thế nào nếu cựu ngoại trưởng Hillary Clinton, người gần như chắc chắn trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, điều hành nước Mỹ?
Giới quan sát nhận định rằng, nếu Clinton chèo lái nước Mỹ, ít nhất bà sẽ mở rộng những chính sách từ người tiền nhiệm và thậm chí theo đuổi quan điểm cứng rắn hơn với ý đồ nuốt trọn Biển Đông của Trung Quốc, Forbes đưa tin.
“Một tổng thống như Hillary Clinton sẽ tiếp tục thực thi những chính sách của Obama đối với Biển Đông. Tôi nghĩ Bắc Kinh lo sợ trước viễn cảnh Clinton sẽ trở thành chủ nhân mới của Nhà Trắng”, ông Sean King, Phó chủ tịch hãng tư vấn Park Strategies ở thành phố New York, nhận định.
Sean King dự đoán rằng, nếu Clinton lãnh đạo nước Mỹ, Washington sẽ không phát động cuộc chiến để lấy dầu mỏ, khí đốt, cá hay bất kỳ đảo, bãi đá nào ở Biển Đông.
Thay vào đó, Nhà Trắng sẽ tiếp tục thực thi mục tiêu của Obama là duy trì quyền tự do hàng hải ở Biển Đông đối với tàu Mỹ và tiếp tục hợp tác quân sự với các chính phủ Đông Nam Á.
Rất có thể chính quyền Clinton sẽ tiến xa hơn nữa bằng cách phản đối Trung Quốc thông qua các tổ chức quốc tế mà hai nước tham gia hoặc hoặc hiệp định mà hai bên cùng ký.
“Quá trình hoạt động chính trị của Clinton cho thấy bà sẽ phản ứng mạnh hơn so với Obama trong vấn đề Biển Đông.
Đương nhiên Mỹ sẽ không gây chiến với Trung Quốc vì các đảo hay bãi đá, song họ sẽ làm tăng những tổn thất của Trung Quốc bằng cách tham gia những định chế quốc tế và vấn đề toàn cầu”, Ben Reilly, Hiệu trưởng Trường Chính sách công và Các vấn đề quốc tế của Đại học Murdoch tại Australia, bình luận.
Tại Diễn đàn ASEAN về vấn đề Biển Đông năm 2010, bà Clinton nhấn mạnh, Washington không tham gia vào vấn đề tranh chấp chủ quyền, nhưng khẳng định Mỹ có lợi ích tại Biển Đông gồm lợi ích quốc gia trong vấn đề tự do hàng hải, cách tiếp cận mở trước các vấn đề chung về hàng hải ở châu Á và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó nhấn mạnh, “đường 9 đoạn” nuốt gần trọn Biển Đông mà Trung Quốc vẽ ra là tuyên bố “bất hợp pháp”.
Trong bài viết về chính sách đối ngoại của Mỹ America’s Pacific Century (Tạm dịch: Thế kỷ Thái Bình Dương của nước Mỹ) năm 2011, bà Clinton vạch rõ phần khung của chiến lược tái cần bằng và thể hiện sự quan tâm đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Bắc Kinh cho rằng đây là một nước cờ khó ưa nhằm “kìm hãm” bước tiến Trung Quốc. Từ đó, Bắc Kinh đặc biệt lưu tâm tới nhân vật được coi là "kiến trúc sư" của chiến lược tái cân bằng.
Nhắc lại lập trường của mình, một lần nữa bà khẳng định trong cuộc nói chuyện với các công nhân ở bang Pennsylvania hôm 6.4, một ngày sau khi bà thất bại trong cuộc bầu cử sơ bộ ở bang Wisconsin trước đối thủ Bernie Sanders: “Trung Quốc phá giá hàng hóa của họ trái pháp luật ở thị trường của chúng ta, đánh cắp bí mật thương mại, chơi trò phá giá đồng tiền, sử dụng chính sách không công bằng, bệnh vực doanh nghiệp Trung Quốc và phân biệt đối xử với doanh nghiệp Mỹ”
“Tôi sẽ đi đến cùng với các lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc về những vấn đề nóng nhất mà chúng ta đang đối mặt như tấn công mạng, nhân quyền, biến đổi khí hậu, thương mại...”, bà nói tiếp và cho rằng Trung Quốc là nước lạm dụng thương mại toàn cầu đáng sợ nhất.
Theo bà, tổng thống tiếp theo của nước Mỹ phải biết Bắc Kinh đang chơi trò gì và làm cách nào để chặn họ lại. “Tôi biết phải làm như thế nào với Trung Quốc và họ biết rằng nếu tôi làm tổng thống Mỹ, họ sẽ phải chơi đúng luật”, bà nói tiếp, theo Breitbart News.
Donald Trump cũng không phải là sự lựa chọn an toàn
Từ khi bắt đầu ra tranh cử tổng thống Mỹ, ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đã có những tuyên bố rất cứng rắn đối với Trung Quốc. Tỷ phú bất động sản này cáo buộc Trung Quốc "thao túng đồng tiền", đồng thời tuyên bố sẽ "thay đổi luật sở hữu trí tuệ và ngăn chặn các hành vi bất công, phi pháp của công ty Trung Quốc" ở thị trường Mỹ, theo Forbes.
Về đối ngoại, tỷ phú New York cũng có những lời lẽ công kích các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Theo ông Trump, để có thể dồn ép, buộc Trung Quốc phải trả giá cho những hành động phiêu lưu trên biển, Mỹ phải "tăng cường sức mạnh quân sự và triển khai sức mạnh đó một cách thích hợp đến Biển Đông và Hoa Đông".
Ông Trump cho rằng những hành động này sẽ "ngăn cản chủ nghĩa phiêu lưu của Trung Quốc xâm phạm đến lợi ích của Mỹ ở châu Á", nhấn mạnh rằng "sự hiện diện quân sự mạnh sẽ là dấu hiệu rõ ràng cho Trung Quốc và các nước châu Á cũng như toàn thế giới rằng Mỹ đã trở lại với vai trò lãnh đạo toàn cầu".
|
Donald Trump dọa áp thuế lên đến 45% đối với hàng hóa Trung Quốc |
Theo chuyên gia Daiss, về lý thuyết, khả năng đầu tiên mà ông Trump có thể làm để hiện thực hóa lời đe dọa của mình đối với Trung Quốc, là công khai đối đầu với lực lượng quân sự của Bắc Kinh trên Biển Đông. Thế nhưng, kịch bản này sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc cho cả hai bên, nên lựa chọn này nhiều khả năng sẽ không bao giờ được áp dụng.
Nhắc lại sự việc, khi tranh cử tại bang Indiana, Trump khiến dư luận Trung Quốc sôi sục khi cáo buộc nước này "cưỡng bức" Mỹ do Bắc Kinh đang chiếm ưu thế về thương mại đối với Washington, chỉ trích chính sách phá giá tiền tệ nhằm tăng cạnh tranh xuất khẩu của Bắc Kinh.
Vị ứng viên cũng đe dọa áp thuế đến 45% đối với hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ. Trump khẳng định ông sẽ ngăn chặn mọi hành vi cải tạo đảo trái phép của Trung Quốc trên Biển Đông.
Trước đây, phần lớn dư luận Trung Quốc không để tâm đến các tuyên bố trong chiến dịch tranh cử của Trump, cho rằng đây chỉ là chuyện tiêu khiển. Tuy nhiên, họ buộc phải thay đổi thái độ sau khi 2 ứng viên còn lại của đảng Cộng hòa là Ted Cruz và John Kasich đều tuyên bố bỏ cuộc.
"Dựa vào những phát ngôn của Trump đến nay, nếu ông ấy có cơ hội trở thành tổng thống, tôi lo sợ mối quan hệ Trung - Mỹ sẽ đối mặt với nhiều biến động lớn", giáo sư Shi Yinhong, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân bắc Kinh, trả lời Wall Street Journal.
|
Dù là Hillary Clinton hay Donald Trump thì TQ cũng đều có những mối lo ngại |
Như vậy, có thể thấy, dù là Donald Trump hay Hillary Clinton lên cầm quyền thì Trung Quốc cũng đều có những mối lo ngại nhất định, vì trong suốt quá trình tranh cử, cả hai đều thể hiện thái độ cứng rắn đồi với Trung Quốc.
Có thể nói, Bắc Kinh đang đứng trước một loạt chính sách hà khắc cũng như chuẩn bị hứng chịu những lệnh trừng phạt và bất lợi về nhiều mặt sau khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng kết thúc cho dù kết quả chiến thắng thuộc về tỷ phú bất động sản hay cựu Ngoại trưởng Mỹ.
Khánh Ly