Bầu cử tổng thống Mỹ - Cuộc tranh luận đầu tiên: Nước cờ tâm lý

28/09/2016 - 06:35

PNO - Đây cũng là lần đầu tiên, một nam và một nữ ứng cử viên đối đầu trên sân khấu. Không có bất cứ sự khoan nhượng nào, cả hai thẳng thừng bắt bẻ từng sơ hở của nhau.

Người Mỹ đã tụ tập ở quán ăn, nhà hàng để xem ti vi, hoặc đứng chật cứng bên ngoài địa điểm diễn ra tranh luận tại Đại học Hofstra, New York. Tổng lượt theo dõi 90 phút “vàng ngọc” của cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa bà Hillary Clinton (đảng Dân chủ) và ông Donald Trump (đảng Cộng hòa) đạt kỷ lục 100 triệu người.

Đây cũng là lần đầu tiên, một nam và một nữ ứng cử viên đối đầu trên sân khấu. Không có bất cứ sự khoan nhượng nào, cả hai thẳng thừng bắt bẻ từng sơ hở của nhau. Qua đó, cử tri thấy rõ hơn chân dung, cá tính của người sẽ trở thành tổng thống Mỹ thứ 45.

Bau cu tong thong My - Cuoc tranh luan dau tien: Nuoc co tam ly
Donald Trump không giấu vẻ hung hăng khi tranh luận Ảnh: USA Today
Bau cu tong thong My - Cuoc tranh luan dau tien: Nuoc co tam ly
Hillary Clinton cương quyết nhưng điềm đạm khi tranh luận - Ảnh: USA Today

Đỏ và đen, không chỉ là màu sắc trang phục của bà Hillary Clinton và ông Donald Trump mà còn phản ánh phần nào tâm thế và phong thái của hai ứng viên trong cuộc đối đầu được chờ đợi này.

Suốt hành trình vận động tranh cử tiêu tốn nhiều tiền của, tỷ phú Donald Trump cùng ê-kíp thống nhất tạo nên hình ảnh một ứng viên mạnh miệng. Lần này, ông vẫn giữ tác phong tự do, thậm chí quá trớn so với sự điềm đạm, mực thước của bà Hillary Clinton. Theo Vox, trong 26 phút đầu, ông Trump đã ngắt lời bà Clinton… 25 lần, và suốt cuộc tranh luận, có tổng cộng 51 lần ông “nhảy vào miệng” đối thủ, trong khi bà Clinton chỉ chen ngang lời ông Trump tổng cộng 17 lần.

Bà Clinton luôn khẽ nâng cao cằm trước đối thủ, còn ông Trump thoải mái nhăn nhíu, xỉa ngón tay trỏ hướng về một phụ nữ trạc tuổi mình. Trước sự chỉ trích của ông Trump, bà Clinton thường mỉm cười, sau đó đáp trả thật đích đáng. Vì vậy, khi ông Trump tuyên bố mình “ôn hòa” hơn bà Clinton, cả khán phòng rộ lên tiếng cười.

Ông Donald Trump theo học chuyên ngành bất động sản tại Đại học Fordham, “chiếc áo” chính trị gia có vẻ quá khổ, buộc ông khai thác tối đa thế mạnh khác, đó là sự quyết liệt, tính toán thiệt hơn của một nhà đầu tư. Ông vận dụng triệt để những câu nói hàm hồ (ví như dao-hai-lưỡi), sao cho tên mình được nhắc đến với tần suất chóng mặt trên phương tiện truyền thông.

Trong khi đó, bà Hillary Clinton gắn liền với hình ảnh chính trị gia lão luyện, từng đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc gia, và tinh tường các chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Mỹ. Khi tuyên bố chính thức tranh cử, bà đưa ra hình ảnh cháu ngoại đầu tiên Charlotte, nhấn mạnh đó là động lực cho bà kiến tạo thế giới.

Từ khi tốt nghiệp Đại học Yale cho đến ngày trở thành đệ nhất phu nhân Mỹ, sau đó là ngoại trưởng Mỹ cũng như hiện nay, bà Hillary luôn dành nhiều tâm sức cho mục tiêu trường kỳ là bảo vệ quyền lợi nữ giới và trẻ em. Đây là nội dung thuyết phục nhất trong chiến dịch tranh cử của bà.

Bau cu tong thong My - Cuoc tranh luan dau tien: Nuoc co tam ly
Cựu Tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea cũng căng thẳng không kém - Ảnh: Getty Images

Khi người dẫn chương trình-nhà báo của kênh NBC Lester Holt hỏi: “Vì sao bà cho rằng mình là sự lựa chọn tốt hơn so với ông Trump để có thể mang lại thu nhập tốt hơn cho người lao động?”, bà Clinton đáp: “Tôi muốn đầu tư cho tương lai. Như thế, tôi phải đảm bảo mọi gia đình có đủ điều kiện vật chất chăm sóc con cái”. Câu trả lời đánh trúng cảm xúc người nghe, nhưng chưa cho thấy kế hoạch cụ thể.

Trong khi đó, ông Trump tuy không được đánh giá cao về mặt lý luận nhưng đã chỉ rõ là phải ngăn chặn tình trạng công ăn việc làm “vuột khỏi tay người dân Mỹ”, đồng thời cam kết giảm đáng kể các khoản thuế để tạo thêm nhiều công ăn việc làm.

Bản lĩnh chính trị cùng tư duy logic cũng giúp bà Clinton vạch ra được bản chất “con buôn” của ông Trump. Bà nhắc đến việc hàng loạt nhân viên bị công ty ông Trump từ chối trả tiền. Ứng viên đảng Cộng hòa bào chữa bằng sự sòng phẳng của một người làm ăn, cho rằng người không nhận được tiền có thể vì họ làm việc không tốt. Hẳn lập luận này giúp cử tri nhận ra, Trump có phải ông chủ tốt của Nhà Trắng trong tương lai hay không.

Mỗi ứng cử viên đều cho thấy họ khá nhạy bén với tâm lý đám đông. Tuy nhiên, điều cử tri chờ đợi là sự chân thành để tạo niềm tin cho họ bỏ phiếu. Cuộc tranh luận là cơ hội để hai ứng viên làm minh bạch nhiều câu hỏi “nóng” thời gian qua, nổi cộm là bê bối email của bà Hillary và việc trốn thuế của ông Donald.

Khi người dẫn chương trình yêu cầu công khai tờ khai thuế, ông Trump cho biết, ông đang bị kiểm toán nên chưa thể công bố và cam kết sẽ làm điều này ngay sau khi hoàn tất sự vụ. Nhà báo Lester Holt lập tức “quật” lại, cho rằng không có chuyện phải gián đoạn như thế. Bí đường, ông Trump chống chế bằng cách chĩa mũi dùi vào đối thủ: “Tôi sẽ làm điều này nếu bà Clinton chịu công bố 33.000 email cá nhân đã bị bà ấy xóa đi”. Bà Clinton đáp lại bằng cách dẫn chứng việc 40 năm nay, các ứng viên tổng thống đều phải công khai thuế. Đồng thời, bà xin lỗi về sai lầm sử dụng email cá nhân vào công việc.

Bau cu tong thong My - Cuoc tranh luan dau tien: Nuoc co tam ly
Bà Melania Trump và con gái Ivanka theo dõi cuộc tranh luận - Ảnh: Getty Images

Khi ông Trump nhắc đến việc Mỹ thiếu tiền đầu tư cơ sở hạ tầng và nước Mỹ cần người điều hành am hiểu lộ trình đầu tư là ông, bà Clinton nhanh chóng phản pháo: “Đó là vì có những người không chịu đóng thuế như ông”. Trước tình thế nan giải này, không ai hình dung ông Trump lại trả lời theo kiểu “gậy ông đập lưng ông” như sau: “Việc không đóng thuế khiến tôi trở nên thông minh. Tin tôi đi, các khoản thuế sẽ bị lãng phí”.

Liệu cử tri có thể tin tưởng vào ứng viên với lời đối đáp hời hợt, thể hiện bản chất nhà đầu tư đặt lợi nhuận trên hết? Trước đó, chính ông Trump đưa ra chính sách thuế “móc túi” người giàu. Việc “tiền hậu bất nhất” một lần nữa cho thấy ông Trump lớn tiếng “phủ đầu” đối phương bằng lời lẽ gây hấn nhưng không đem lại giá trị thực chất.

Tỷ lệ ủng hộ hai ứng cử viên đến thời điểm hiện tại là ngang gần nhau, chưa có sự bứt phá rõ ràng. Nhưng, cuộc đối đầu trực diện lần này cho thấy một Hillary Clinton bản lĩnh, tự tin và tiết chế trước sự chỉ trích từ người-chưa-biết-việc. Theo khảo sát nhanh của CNN, 62% người được hỏi trả lời rằng bà Clinton thể hiện tốt hơn ông Trump trong cuộc tranh luận; 27% có ý kiến ngược lại, số còn lại cho rằng cả hai ngang nhau.

Cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ chật vật định hình lại tất cả chính sách kinh tế-chính trị-xã hội để ứng biến với khó khăn chung của toàn cầu. Trong hai cuộc tranh luận tiếp theo cho đến trước “ngày quyết định” 8/11, người dân Mỹ chắn chắn muốn thấy rõ hơn thế mạnh và bản lĩnh của từng ứng viên. Điều này đòi hỏi sự chân thành, trách nhiệm trước cử tri của cả bà Hillary Clinton lẫn ông Donald Trump.

Thiên Như (Theo Guardian, NBC, NY Times, CNN, Vox

Trong cuộc tranh luận, có ba quan điểm mà hai ứng cử viên phải làm rõ là: hướng đi tương lai của nước Mỹ; để đạt đến sự thịnh vượng; đảm bảo an ninh quốc gia. Ba quan điểm này được lồng ghép trong những nội dung hai ứng cử viên đã trình bày.

Bà Hillary Clinton nhấn mạnh xây dựng một nền kinh tế có lợi cho tất cả, công việc tốt không chỉ dành cho những người ở tầng lớp trên của xã hội mà cho tất cả người lao động.

Bên cạnh đó là phải đảm bảo thu nhập công bằng cho mọi tầng lớp, trong đó có phụ nữ. Lợi nhuận phải chia đều, không được tập trung vào những người đứng đầu. Đồng thời hỗ trợ người dân đang gặp khó khăn trong việc cân bằng giữa công việc và gia đình. Để làm được điều đó, những người giàu hãy nộp phần thuế họ đáng ra phải nộp, phải thắt chặt luật lệ.

Ông Donald Trump thì cho rằng phải ngăn chặn công ăn việc làm của Mỹ bị cướp mất. Ông cam kết tạo ra nền kinh tế đem đến việc làm nhiều chưa từng thấy kể từ thời Tổng thống Ronald Reagan, cụ thể là 25 triệu việc làm mới trong 10 năm tới. Nhiều công ty mới sẽ hình thành, và điều quan trọng khác là đàm phán lại điều khoản giao thương với các nước khác.

Những tuyên bố của bà Clinton về an ninh nước Mỹ gần đây cho thấy sự mạnh mẽ hơn so với truyền thống của đảng Dân chủ. Bà ủng hộ lập vùng cấm bay ở Syria, ném bom IS nhiều hơn cũng như kêu gọi phối hợp chặt chẽ hơn với Thung lũng Silicon trong việc nâng cao khả năng do thám của Mỹ. Cho đến nay, ông Trump chưa đưa ra chính sách chống khủng bố cụ thể nào để có thể làm an lòng cử tri trong bối cảnh nỗi sợ hãi khủng bố đang tăng lên ở Mỹ. Ông còn tỏ ra nghi ngờ việc Mỹ tham gia NATO.

Anh Thông (Theo Washington Post)

Hillary Clinton: “Donald đã ủng hộ cuộc xâm lược Iraq”.

Donald Trump: "Sai. Sai. Sai. Bà là ngoại trưởng khi IS vẫn còn là một đứa trẻ sơ sinh và bây giờ chúng đã có mặt ở 30 quốc gia và bà có ngăn chặn chúng không? Tôi không ủng hộ cuộc chiến ở Iraq, đó là chuyện vớ vẩn từ truyền thông do bà Hillary hậu thuẫn”.

Hillary Clinton: “Chính Donald là người đã ủng hộ việc bong bóng nhà đất nổ. Và đúng là nó đã nổ thật”.

Donald Trump: “Cái đó gọi là đầu óc kinh doanh”.

Hillary Clinton: “Khi nào ông ta công du 112 quốc gia để thương thảo các thỏa thuận hòa bình, để giải cứu con tin hoặc đứng 11 giờ điều trần trước Quốc hội, ông ta mới đủ tư cách chất vấn tôi về vấn đề thể lực”.

Donald Trump: “Hillary quả có nhiều kinh nghiệm, nhưng đó toàn là những kinh nghiệm tồi tệ”.

Hillary Clinton: “Tôi đã đưa ra nhiều quyết định đúng đắn hơn ông ấy. Tôi là người giỏi kiềm chế hơn”.

Donald Trump: “Một cá tính cực kỳ bùng nổ là tài sản lớn nhất của tôi”.

Donald Trump: “Nếu trúng cử, tôi sẽ lật ngược tất cả những gì Obama đã làm”.

Hillary Clinton: “Tôi sẽ giao nhiệm vụ hồi sinh kinh tế Mỹ cho chồng tôi, ông Bill Clinton”.

Hillary Clinton: “Ông ta là người từng nói rằng vấn đề thai sản rất bất tiện với người lao động, rằng phụ nữ không xứng đáng được hưởng thu nhập ngang bằng, cho tới khi họ làm việc hiệu quả được như đàn ông”.

Donald Trump: “Tôi đối xử không đến nỗi nào với bà Clinton trong suốt cuộc tranh cử”.

Thiên Anh (Theo Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI