Bầu bạn, hỗ trợ để người già bớt cô độc

11/07/2023 - 06:00

PNO - Khi tình trạng già hóa dân số ngày càng tăng tại nhiều quốc gia, vai trò của những nhân viên xã hội, những người trông nom và bầu bạn với người cao tuổi càng trở nên quan trọng.

Để người già không ra đi trong quạnh hiu

Nhân viên xã hội Crystal Yuen Shuk-yan đến các tòa nhà chung cư cũ của Hồng Kông (Trung Quốc) hằng tháng, gõ cửa từng nhà để tìm kiếm những người già cần giúp đỡ. Nhiều lần, cánh cửa đóng sầm vào mặt cô. Không nản lòng, hôm khác cô trở lại, với những món quà là gạo hoặc mì. Một số người từng từ chối cô trước đó đã chịu nhận đồ ăn và cung cấp thông tin cá nhân để được theo dõi. Đối với những người không thể lay chuyển, cô Yuen để lại những cuốn sách nhỏ về các dịch vụ dành cho người cao tuổi và chi tiết liên lạc của tổ chức mà cô làm việc. 

Cô Yuen trò chuyện và hướng dẫn sử dụng đơn thuốc cho ông Ah Wah (62 tuổi), sống một mình trong căn hộ chung cư ở khu Sham Shui Po, Hồng Kông (Trung Quốc) - ẢNH: XIAOMEI CHEN/SCMP
Cô Yuen trò chuyện và hướng dẫn sử dụng đơn thuốc cho ông Ah Wah (62 tuổi), sống một mình trong căn hộ chung cư ở khu Sham Shui Po, Hồng Kông (Trung Quốc) - Ảnh: Xiaomei Chen/SCMP

Yuen (41 tuổi) có kinh nghiệm làm việc với người già hơn 15 năm tại Hiệp hội Vì cộng đồng. Theo cô, số người già sống một mình phải đối mặt với những rủi ro về sức khỏe thể chất, tinh thần ngày càng gia tăng. Dù vậy, họ không biết về các dịch vụ hỗ trợ sẵn có hoặc không có động lực để tìm kiếm sự giúp đỡ.

Đôi khi, Yuen và các đồng nghiệp dựng gian hàng bên ngoài chợ hoặc bệnh viện công ở khu Sham Shui Po và Cheung Sha Wan để tiếp cận người già. Cô nói: “Nhiều cư dân cao tuổi đang ở ẩn, thiếu sự hỗ trợ của gia đình hoặc cộng đồng. Chúng tôi cần có thời gian và sự kiên nhẫn để liên hệ và cung cấp sự giúp đỡ họ cần”.

Đội của Yuen gồm 12 thành viên, phục vụ hơn 700 người cao tuổi. Họ thường xuyên gọi điện và đến thăm nhà, phân phát thực phẩm, nhu yếu phẩm hằng ngày, đồng thời tổ chức các hoạt động và lớp học cho người cao tuổi. Hồng Kông hiện có hơn 188.000 người từ 65 tuổi trở lên sống một mình và gần 400.000 người khác sống với vợ hoặc chồng. Trong số đó có rất nhiều người già ở ẩn, không liên lạc với người thân và không được mạng lưới cộng đồng biết đến. Một loạt bi kịch gần đây, trong đó người già qua đời một mình tại nhà, lại một lần nữa làm nổi bật vấn đề này. Vào ngày 15/5, bộ xương được cho là của một người đàn ông 69 tuổi được tìm thấy trong một căn hộ chung cư ở khu Sha Tin. Trước đó chỉ 1 ngày, 1 phụ nữ 59 tuổi và người cha 86 tuổi được phát hiện đã chết tại nhà khi người thân đến thăm nhân Ngày của Mẹ.

Dịch vụ đồng hành cùng người cao tuổi

Đi dạo trong công viên, đi chợ, tập các bài tập thể dục đơn giản và xoa bóp, chơi các trò chơi kích thích trí óc như xếp hình… là những việc mà cô Esther Joy Mark đã làm cùng các khách hàng lớn tuổi của mình nhằm giúp họ luôn năng động và gắn bó với cộng đồng. Người phụ nữ 28 tuổi là nhân viên của Công ty Homage, cung cấp dịch vụ chăm sóc đồng hành dành cho người già tại Singapore.

Cô đã tạo dựng được tình bạn với nhiều khách hàng, bao gồm cả một bệnh nhân ung thư lớn tuổi ngay trước khi bà ấy qua đời. Cô nhận 8-10 nhiệm vụ hằng tháng với mức thù lao 17 SGD/giờ (khoảng 300.000 đồng). Một số khách yêu cầu cô giúp đỡ trong các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như giúp đi vệ sinh hoặc nấu ăn, lau nhà và hút bụi trong khi tán gẫu cùng nhau. Người phụ nữ trẻ chia sẻ: “Nhu cầu cho công việc này đang gia tăng, khi nhiều người thân không có thời gian, sức lực hoặc năng lượng để hỗ trợ các công việc như nâng người lớn tuổi từ giường sang xe lăn”.

Singapore đã trở thành một xã hội già hóa từ năm 2017 và sẽ đạt đến trạng thái “siêu già hóa” vào năm 2026. Theo Liên hiệp quốc, một quốc gia được xem là già hóa khi có 21% dân số từ 65 tuổi trở lên. Bà Gillian Tee - Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của Homage - cho biết, công ty đã chứng kiến một làn sóng những người già cô đơn ngày càng gia tăng. Bà Tee tiết lộ: “Ở những nơi công ty hoạt động - Singapore, Malaysia và Úc - chúng tôi chứng kiến nhiều trường hợp người cao tuổi bị cô lập, cô đơn và buồn chán. Do đó, yếu tố xã hội có thể là công cụ giúp họ khỏe mạnh về thể chất và tinh thần”.

Mục đích của những người kết bạn là đảm bảo người cao tuổi được tiếp xúc với các tương tác xã hội thường xuyên và cung cấp hỗ trợ về tâm lý, cảm xúc. Đây cũng là cơ hội để họ phát hiện ra những lĩnh vực cần cải thiện trong môi trường sống hằng ngày của khách hàng, chẳng hạn như dọn dẹp những vật dụng có thể gây té ngã.

Một công ty khác cung cấp dịch vụ tương tự tại Singapore là Coddle. Với đội ngũ 90 nhân viên tuổi từ 18-75, họ có thể cùng chơi cờ, tham quan các địa điểm yêu thích hoặc thậm chí đóng vai trò thân nhân đi cùng trong các cuộc hẹn y tế. Ông Robin Tan - Giám đốc của Coddle - cho biết: “Nhiều người cảm thấy việc chăm sóc cha mẹ già là bổn phận và nếu gia đình hoặc bạn bè biết họ thuê người lạ thay mình ở cạnh cha mẹ, họ sẽ bị xem là không hiếu thảo. Tuy nhiên, ngày nay mọi người phải đảm nhận nhiều vai trò và có ít thời gian. Bản thân người giữ vai trò là chăm sóc cũng cần nghỉ ngơi và lo cho gia đình riêng”.

Giảng viên luật Ben Chester Cheong từ Đại học Khoa học xã hội Singapore - dẫn một báo cáo do Ngân hàng Thế giới công bố năm 2015 - cho biết: ở Hàn Quốc, chưa đến 30% người già sống với con cái. Ở Trung Quốc, 43% người từ 65-70 tuổi sống cùng con cái, giảm mạnh so với mức 75% vào đầu những năm 1980. Tại Singapore, tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên sống cùng vợ hoặc chồng và không có con tăng từ mức 19,4% vào năm 2010 lên 26,5% vào năm 2020. Ông Cheong kết luận: “Dù các xã hội Á Đông được biết đến với truyền thống hiếu thảo, nhiều nơi đang trải qua tình trạng dân số già hóa nhanh chóng. Dịch vụ bạn đồng hành cho người cao tuổi có thể là một cách để xã hội hình dung lại quan niệm truyền thống về lòng hiếu thảo, đặc biệt nếu nó giúp cải thiện sức khỏe tinh thần của người già”. 

Hạnh phúc khi già đi

Tiến sĩ Katharine Esty - nhà trị liệu tâm lý - nói: “Mọi người vẫn thường sợ già đi và họ luôn ngạc nhiên khi biết rằng những người lớn tuổi là những người hạnh phúc nhất”. 

Thực tế, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ​​con người sẽ hạnh phúc hơn khi có tuổi. Trong một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ), thể chất của người cao tuổi có thể kém hơn người trẻ và người trung niên, nhưng đời sống tinh thần của họ lại ổn định, đời sống tâm thần tốt hơn. Tiến sĩ Dilip Jester - Viện nghiên cứu lão hóa Stein, Đại học California - cho biết: Thông thường mọi người cho rằng tuổi già thường đi kèm với giai đoạn u ám và thất vọng. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu cho thấy điều ngược lại: người già có kinh nghiệm đối phó với những căng thẳng và thăng trầm của cuộc sống hơn những người trẻ tuổi. Thế mạnh về tinh thần giúp họ vượt qua các vấn đề của cuộc sống, bao gồm cả sự suy giảm về thể chất và chức năng nhận thức.

Nhiều nghiên cứu ​​cho thấy con người sẽ hạnh phúc hơn khi có tuổi - ẢNH: GETTY IMAGES
Nhiều nghiên cứu ​​cho thấy con người sẽ hạnh phúc hơn khi có tuổi - Ảnh: Getty Images 

Theo bà Laura Carstensen - giáo sư tâm lý học và là Giám đốc Trung tâm Tuổi thọ của Đại học Stanford (Mỹ) - điều đó thường liên quan đến trí tuệ, cảm xúc: "Khi chúng ta già đi, thời gian của chúng ta ngắn lại và mục tiêu vì thế cũng thay đổi. Khi nhận ra rằng mình không còn nhiều thời gian, chúng ta sẽ nhận ra những ưu tiên rõ ràng nhất. Từ đó, bản thân ít chú ý đến những vấn đề tầm thường mà bắt đầu thưởng thức cuộc sống, cởi mở hơn. Chúng ta sẽ ưu tiên vào mặt cảm xúc và vì thế cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn, làm chúng ta hạnh phúc hơn mỗi ngày".

Các chuyên gia nói có nhiều cách để người lớn tuổi có thể nuôi dưỡng và đạt được hạnh phúc, đó là chỉ chọn và nuôi dưỡng những “mối quan hệ tốt”. Tiến sĩ Robert Waldinger - Bệnh viện Đa khoa Massachusetts (Mỹ) và đồng tác giả của cuốn The Good Life - cho biết yếu tố hàng đầu dẫn đến hạnh phúc khi chúng ta già đi là có những mối quan hệ tốt đẹp.

“Khi có một mối quan hệ gia đình, bạn bè hay xã hội tốt đẹp, năng lượng tích cực sẽ khiến mọi người thoải mái và vui vẻ hơn. Các mối quan hệ tốt cả hai chiều sẽ làm cho tâm trạng phấn chấn. Sẽ rất tốt khi chúng ta thành lập một nhóm nhỏ bạn bè thường xuyên gặp nhau để thảo luận về các vấn đề trong cuộc sống, nói về niềm vui. Điều quan trọng là xây dựng một nền tảng hạnh phúc. Bằng cách đó, bạn sẽ có nhiều khả năng được hạnh phúc hơn” - tiến sĩ R.Waldinger nói.

Lệ Chi (theo AP, Fortune)

Ngọc Hạ (theo SCMP, Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI