|
Học sinh cần được khơi gợi niềm đam mê sáng tạo chứ không phải bắt chúng học những thứ rập khuôn, vô bổ - Ảnh: Đỗ Minh |
Luôn đầu tư tốt nhất về giáo dục cho con, nhưng hầu như trước mỗi năm học mới, cha mẹ nào cũng băn khoăn: “Con người ta học trường quốc tế thì tương lai chắc chắn đi du học rồi, con mình học trường công bình thường thì sau này có thành công nổi hay không?”, “Con người ta học lớp Năm đã nói tiếng Anh như gió, con mình vẫn chưa giao tiếp được”, “Con người ta còn đi học đủ loại kỹ năng ở trung tâm này trung tâm nọ, con mình chỉ học ở trường với ở nhà, sao thành công nổi!”…
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia giáo dục Nguyễn Chí Hiếu - người từng tham gia đào tạo hơn 25.000 giáo viên, có nhiều kinh nghiệm chuyển đổi và nâng tầm mô hình giáo dục cho hơn 100 trường phổ thông, đại học - cho rằng, hiện nay, nhiều nơi dạy trẻ chạy theo mục tiêu xuất sắc về kiến thức mà quên mất những lỗ hổng trong tính cách. Trong khi đó, nền tảng tính cách mới là thứ cần xây dựng cho vững.
Từ nỗi ám ảnh chọn trường
Phóng viên: Cha mẹ lúc nào cũng đau đáu chuyện chọn trường cho con, từ bậc mầm non đến đại học. Cha mẹ lỡ cho con học trường công thường ray rứt vì không đủ điều kiện cho con học trường tư rồi lo lắng con mình không bằng bạn bè ở trường quốc tế. Ông nghĩ sao về điều này?
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Chí Hiếu: Đây là nỗi lo rất bình thường, xuất phát từ tình yêu thương con, muốn điều tốt nhất cho con. Nhưng muốn cho con điều tốt nhất không hẳn là phải cho con học trường quốc tế. Trường quốc tế cũng “thượng vàng hạ cám”, không phải trường nào cũng tốt.
Cháu ruột tôi hiện đang học trường công, có thể về tiếng Anh và khả năng sáng tạo không bằng các bạn học ở trường quốc tế nhưng cháu sống chan hòa, lễ phép, yêu thương ông bà, cha mẹ, biết làm việc nhà và tự chăm sóc mình, vậy là đủ rồi.
Trường là nơi dạy làm người, giáo dục là một đường đi dài, và vì vậy, khi chọn trường cho con, cha mẹ không nên chạy theo sự lấp lánh của tên trường và đổ xô đi học trường song ngữ, quốc tế cho “hợp thời”. Mỗi mô hình giáo dục đều có ưu và khuyết.
Đứa trẻ học trường song ngữ hoặc quốc tế có thể nói tiếng Anh như người bản xứ, nhưng ngôn ngữ Việt và tính cách chưa chắc bằng học sinh ở trường công. Khi chọn trường, cha mẹ hãy cân nhắc sao cho phù hợp về khả năng tài chính của gia đình, trường gần hay xa nhà, nhưng quan trọng nhất là chọn con người.
* Con người ở đây là người quản lý trường hay giáo viên?
- Là tất cả những con người trong trường đó, từ người quản lý đến thầy cô, nhân viên bán trú và cả bảo vệ. Trẻ con sẽ tiếp xúc với những người này, bắt chước cách đi, đứng, ăn, nói, hành xử… rồi chắt lọc thành tính cách của chúng. Tất cả đều sẽ là “thầy” của con khi các cháu ở trường.
Tôi thường nói cha mẹ hãy thôi nuôi dạy con trên mạng mà hãy nuôi dạy con ở đời thực. Mạng xã hội là nơi mà “con nhà người ta” rất nhiều, và cha mẹ sẽ có xu hướng đem so sánh với con mình. Trong khi đó, con mình là một cá thể rất riêng, không giống bất cứ đứa trẻ nào khác. Trường học phù hợp với con nhà người ta chưa chắc phù hợp với con mình.
* Nhưng mạng xã hội và internet cũng có nhiều kiến thức dạy con hữu ích?
- Kiến thức trên mạng rất nhiều nhưng là kiến thức hỗn tạp, chưa được kiểm chứng. Có những người viết ra dựa trên nghiên cứu nhưng cũng có người viết chỉ dựa trên kinh nghiệm, thiếu kiến thức tâm lý giáo dục. Đó là chưa kể những người viết vì mục đích thương mại, quảng bá tên tuổi hay viết theo đơn đặt hàng. Nếu không chọn lọc, khi đọc, càng hoang mang hơn.
Cha mẹ nào cũng muốn đầu tư tốt nhất để con hạnh phúc, nhưng họ không nghĩ rằng, hạnh phúc của đứa trẻ đơn giản vô cùng. Có thể trẻ chỉ cần ngủ đủ giấc mỗi ngày đã là hạnh phúc, hay chúng sẽ vui mừng biết mấy khi chỉ đạt 7 điểm môn toán. Trong giáo dục, có ba mặt là kiến thức, kỹ năng và tính cách. Người ta thường chạy theo mục tiêu xuất sắc về kiến thức mà quên mất những lỗ hổng trong tính cách.
Tôi thường nói rằng, nền tảng tính cách chính là cái lòng sông, hãy xây dựng cho vững để dù nước ở vùng kiến thức, kỹ năng có lên xuống, đứa trẻ cũng không bao giờ bị hụt chân. Chính vì vậy, tôi luôn đánh giá giáo dục tính cách là quan trọng nhất, hơn tất cả các chứng chỉ tiếng Anh hay kỹ năng.
"Cần cả ngôi làng để dạy một đứa trẻ"
* Vì sao giáo dục tính cách lại quan trọng như vậy?
- Vì tính cách là nền tảng quan trọng cho thành công và hạnh phúc của đứa trẻ về sau. Người ta thường chỉ mất một thời gian ngắn để dạy về kiến thức, kỹ năng, nhưng luôn phải mất rất nhiều thời gian để dạy cho trẻ con một tính cách nào đó, chẳng hạn như tính tự lập, kiên nhẫn, sự khiêm tốn, vị tha…
Thời nay, chúng ta nói nhiều về STEM, điểm tiếng Anh, trang bị cho trẻ con đủ loại máy móc, công nghệ, các phần mềm học tập hiện đại với hy vọng chúng trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai. Nhưng một đứa trẻ rất tài năng, nói tiếng Anh như gió mà không tạo được mối quan hệ tốt đẹp với người khác thì làm sao có thể hạnh phúc? Một đứa trẻ thần đồng toán học nhưng nếu thiếu sự kiên nhẫn và tính tự lập cũng sẽ dễ dàng bỏ cuộc nay mai.
Vì vậy, tôi luôn cho rằng, tính cách vẫn là một mục tiêu cốt lõi của giáo dục. Chúng ta đã từng làm rất tốt về giáo dục tính cách, với những dòng chữ “Tiên học lễ - Hậu học văn” ở sân trường, lớp học, bản tin một thời. Đó không chỉ là những “truyền đơn biểu ngữ” kiểu trưng bày, mà với thế hệ học sinh như mình, nó thật sự đi sâu vào cuộc sống.
Giáo dục truyền thống không phải cái gì cũng cổ hủ. Có những thứ vẫn trường tồn và nên giữ gìn, phát huy theo thời gian, đặc biệt nếu đó là nền tảng của cách dạy một đứa trẻ. Nhưng thực ra, để dạy về tính cách, vai trò của cha mẹ vẫn quan trọng nhất, không thể đổ trách nhiệm này cho nhà trường.
* Có câu “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Làm sao để cha mẹ có thể dạy dỗ, hình thành tính cách cho con?
- Đúng là có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tính cách một đứa trẻ, trong đó có yếu tố di truyền, tác động của thầy cô, bạn bè, xã hội và cả sự tiếp nhận của đứa trẻ nữa. Chúng ta không thể lấy thước để đo sự phát triển tính cách của đứa trẻ này với những đứa khác.
Ngạn ngữ châu Phi có câu “Cần cả một ngôi làng để nuôi dạy một đứa trẻ” (need a village to raise a child), nhưng cha mẹ là những người ảnh hưởng đến tính cách của con nhiều nhất, đặc biệt là trước giai đoạn vào cấp II. Nhiều nét tính cách đã được định hình trong giai đoạn con học tiểu học.
Giáo dục tính cách đi liền với cảm xúc; cha mẹ cũng không cần dạy dỗ gì nhiều, chỉ cần làm gương. Vì đứa con nít nào cũng yêu thương và kính trọng cha mẹ, nên cha mẹ muốn con như thế nào thì hãy hành xử như thế ấy.
Trẻ mẫu giáo và tiểu học học từ sách vở ít lắm, chúng lúc nào cũng quan sát cách người lớn nói chuyện, ứng xử, biểu hiện trên gương mặt và cơ thể để bắt chước theo. Đó mới là cách chúng hình thành nhân sinh quan, lời nói, hành động và tính cách, và cũng chính là con đường đời mà chúng sẽ đi.
Khả năng tự kiểm soát bản thân của một đứa trẻ mới là điều quan trọng. Rất nhiều đứa trẻ lớp Năm xuất sắc trong trường, nói tiếng Anh như người bản xứ nhưng khi ra đời, thậm chí chúng còn không “quản lý” nổi cảm xúc của mình. Vào quán cà phê, món ăn lên chậm 5 phút đã đập bàn quát tháo.
Vậy thì xuất sắc để làm gì? Nếu không tự kiểm soát bản thân thì khi lớn lên, trẻ cũng không thể cưỡng lại được những cơn nghiện “vô thức” như điện thoại, mạng xã hội, games, quần áo thời trang, đồ ăn nhanh dầu mỡ, nước uống có gas…
Cha mẹ không nên đổ quá nhiều tiền để đi học những khóa dạy con thông minh, giáo dục cảm xúc mà hãy dành thời gian để hành xử đúng đắn với con cái ở nhà. Hãy kể cho chúng những câu chuyện tốt đẹp, hãy cùng chúng làm những việc nho nhỏ nhưng giá trị, và hãy đừng ngại ngần thể hiện sự yêu thương với chúng.
Những đứa trẻ lớn lên đong đầy cảm xúc, biết lắng nghe, chia sẻ, biết kiểm soát cảm xúc bản thân, tuy khởi đầu về học thuật có thể không bằng bạn bè học trường tư, trường quốc tế, nhưng đường tương lai của con trẻ còn dài, chúng vẫn còn rất nhiều cơ hội để vươn lên.
|
Chuyên gia giáo dục Nguyễn Chí Hiếu |
Khi lỗi nằm ở... hệ thống
* Ông nói cha mẹ ảnh hưởng đến tính cách của con trước giai đoạn học trung học cơ sở (THCS). Vậy, ở giai đoạn “nổi loạn” này của trẻ, cha mẹ phải ứng xử thế nào?
- Tôi có 5 năm dạy trung học phổ thông và đại học, 5 năm dạy tiểu học và 5 năm dạy THCS. Tôi nhận thấy, giáo dục ở cấp THCS tại Việt Nam bị gãy nhiều nhất. Nguyên nhân là cả cha mẹ lẫn thầy cô đều không thấu hiểu về tâm sinh lý giai đoạn này của trẻ, giáo dục kiểu áp đặt lạc hậu đã khiến cha mẹ, thầy cô mệt mỏi, còn học sinh thì bị ức chế. Trước khi dạy cho nhóm tuổi teen này, tôi đã nghiên cứu rất nhiều sách vở để tự “thông” mình trước.
Ở lứa tuổi THCS hay còn gọi là tuổi teen, đứng trước một cánh cửa đầy các trào lưu mới mẻ, Đông Tây lẫn lộn, bản thân đứa trẻ cũng có những cảm xúc mới mẻ bên trong mình. Tất cả có thể khiến trẻ choáng ngợp và lạc lõng, không biết ứng phó ra sao, trong khi cha mẹ, thầy cô thì ra sức áp đặt những thứ luật lệ.
Do vậy, trẻ chỉ có thể tâm sự với bạn bè hoặc trốn trong vỏ ốc của mình. Thế nên, cha mẹ bỗng thấy con mình xa cách, không còn gần gũi như thời con học tiểu học, và nó còn nghe lời bạn hơn cha mẹ, vì cha mẹ có chịu lắng nghe con đâu?
Ở tuổi này, đứa trẻ có quá nhiều chất xám để xử lý thông tin, kiến thức cực nhanh nên chúng học cái gì cũng nhanh. Mặt khác, bộ não kiểm soát về lý trí, logic, nguyên nhân, hệ quả nhưng lại chưa đủ trưởng thành, chưa được kết nối với các phần não khác để có thể kiểm soát suy nghĩ, cảm xúc, lời nói, hành vi.
Đó cũng là lý do vì sao mà tuổi teen thường có những xử sự bốc đồng mà không thèm cân nhắc hệ quả. Đơn giản, chúng chưa biết cách ứng phó với những diễn biến phức tạp trong tâm sinh lý của chính mình.
* Vậy cha mẹ cần làm gì để “đối phó” với trẻ con ở giai đoạn này?
- Tôi thường ví đứa trẻ tuổi teen như một dòng thác mạnh mẽ, cả về sức sáng tạo lẫn tính cách, sự nổi loạn, có vẻ như không thể kiểm soát nổi. Nhưng thật ra, nếu thấu hiểu, hãy cứ để cho dòng thác tuôn trào, cha mẹ, thầy cô hãy là đôi bờ sông. Cha mẹ có những hành xử khác nhau trong công việc, trong gia đình, ngoài xã hội thì con cũng có thể như vậy.
Thậm chí, con có thể nói tục khi chơi với bạn nhưng khi ở nhà hoặc ở trường, con cư xử có phép tắc, lịch sự, lễ phép. Cha mẹ hãy nói cho con những giới hạn về hành xử trong từng môi trường nhất định. “Đôi bờ” - thầy cô, cha mẹ - sẽ giữ cho trẻ không bị những tổn hại về sức khỏe, tính mạng, những vi phạm đạo đức hay vi phạm pháp luật.
Chúng ta đang dạy cho học sinh chạy theo thành tích và sự xuất sắc hơn là sự phản chiếu vào bên trong mình. Trong khi sự phản chiếu là cái căn bản để con trẻ nhận ra đúng/sai, tốt/xấu, thiện/ác, nên/không nên… Từ nhỏ, tôi đã viết nhật ký, đó là một thói quen soi chiếu rất tốt.
Đối với trẻ con, chỉ cần ghi lại những điều hôm nay con đã làm, đã học, con tiến bộ được gì so với tháng trước, điều hối tiếc nhất của con sau một hành xử không tốt nào đó là gì. Tất cả kiến thức, kỹ năng và tính cách đều có thể phản chiếu vào bản thân. Cha mẹ cũng nên dạy trẻ tập một thói quen soi chiếu vào bản thân từ những năm tiểu học để khi lên THCS, con có thể thực hiện như một thói quen.
* Nếu cũng có đủ kiến thức và sự cảm thông, hẳn giáo viên sẽ không cảm thấy khó khăn và bất mãn như hiện nay. Nhưng cũng thật khó, giáo viên hầu như rất ít cập nhật các phương pháp giáo dục mới, huống chi là các kiến thức tâm lý giáo dục…
- Đó là lỗi hệ thống rồi!
Hãy vứt bỏ những thứ lạc hậu
* Là lỗi của giáo viên chứ, sao lại là lỗi của hệ thống?
- Không thể đổ tất cả lỗi cho giáo viên khi mà đề thi vào đại học sư phạm là đề thi cũ, chương trình đào tạo cũng không đổi mới. Nếu cứ nhà trường đổ lỗi cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên đổ lỗi cho cha mẹ, cha mẹ lại đổ lỗi cho nhà trường thì bao giờ vòng luẩn quẩn này mới chấm dứt?
Người làm giáo dục nếu muốn thay đổi thì hãy vứt bỏ những điều đã lạc hậu và làm khác đi. Như cách dạy học, nội dung giáo dục 20 năm không thay đổi; phiếu bài, kiểm tra, thi cử cũng rập khuôn thì làm sao phát huy sức sáng tạo của trẻ em? Bài kiểm tra thì toàn trắc nghiệm, còn đâu bầu trời đầy sáng tạo của trẻ nữa?
* Vậy, cách nào để phát huy sức sáng tạo của trẻ em?
- Thật đáng tiếc, giai đoạn tiểu học, THCS là giai đoạn mà sức sáng tạo bùng nổ thì kiểu học luyện và kiểm tra trắc nghiệm như hiện nay chỉ là cách đóng hộp và nông cạn. Trẻ hầu như không được làm những điều chúng thích như nghịch nước, tắm mưa, nghịch đất, xây lâu đài cát, bắt côn trùng, sống ngoài thiên nhiên…
Muốn con trẻ sáng tạo, trước tiên phải giải phóng con trẻ, bắt đầu từ việc trả lại cho chúng cái năng lực học tự nhiên rất tuyệt vời của con người: tò mò, sờ mó, động chạm, cảm và yêu thế giới xung quanh. Đó là việc của cha mẹ, còn nhà trường hãy đừng đóng khung tụi nhỏ trong kiểu học khuôn mẫu chỉ có đúng hoặc sai, mà hãy để trẻ con được thảo luận, được vẽ ra những điều trong trí tưởng tượng, được nói về ước mơ của mình. Các bài kiểm tra thường chỉ đánh giá độ ghi nhớ và phản xạ có điều kiện của học sinh với những gì đã được dạy, củng cố và thực hành nhiều đến mức những học sinh “xuất sắc” không cần đọc hết đề đã biết khoanh đáp án.
Nếu thật sự muốn phát huy tiềm năng của học trò, trước tiên, chúng ta cần nhìn lại mục tiêu giáo dục, cách xây dựng chương trình, phương pháp dạy và học, thi cử và đào tạo, đồng hành cùng trẻ. Điều học sinh cần là một bật lửa chứ không phải những gáo nước lạnh liên tục dập tắt ngọn lửa mới chỉ hình thành yếu ớt trong đầu chúng.
* Xin cảm ơn ông!
Xuân Lộc (thực hiện)