|
Thay vì lao vào nhau ẩu đả sau khi va chạm, người Mỹ trao đổi thông tin bảo hiểm xe một cách ôn hoà trong lúc chờ cảnh sát lập biên bản (ảnh minh hoạ) |
Cách đây chưa lâu, tôi đọc trên trang Facebook cộng đồng nọ thông tin truy tìm tài xế Grab liên quan đến việc chở một người bị tai nạn vào bệnh viện. Dưới bài đăng (hiện trang này đã xóa bài) là nhiều ý kiến lên án tài xế Grab nọ gây tai nạn xong tự đưa nạn nhân vào viện rồi bỏ trốn dù chẳng ai có bằng chứng gì để kết tội anh.
Ở phía ngược lại, nhiều người cho rằng tài xế Grab bỏ đi không để lại tung tích là phải vì biết đâu chẳng bị người nhà của nạn nhân "xử" một trận như nhiều vụ tai nạn giao thông khác.
Cũng may, công an tìm ra người gây tai nạn và anh tài xế Grab được minh oan. Tuy nhiên, mọi người vẫn cho rằng để được yên ổn, bây giờ ra đường mà gặp người bị tai nạn cứ làm ngơ, chứ đừng dại dột ra tay giúp đỡ kẻo "ách giữa đàng mang vào cổ". Lời khuyên này nghe đáng sợ nhưng không phải là không có lý.
Tôi từng đọc trên báo về một vụ tai nạn giao thông. Dù người gây tai nạn vẫn ở lại hiện trường để hợp tác giải quyết nhưng lại bị người nhà của nạn nhân hành hung vì xót ruột. Hậu quả là người gây tai nạn cũng bị thương nghiêm trọng, người nhà của nạn nhân phải đi tù, trong khi vụ tai nạn ấy không quá nghiêm trọng, không đến nỗi nhiều nạn nhân đến thế.
Lần chồng tôi bị một người say rượu gây tai nạn đến chấn thương sọ não, nếu không được một người đi đường đưa đi cấp cứu thì không biết sẽ ra sao. Bác sĩ khoa chấn thương sọ não sau đó có nói chỉ cần nhập viện trễ một chút là cực kỳ nguy hiểm. Nhiều người nói số anh may mắn khi gặp bác sĩ giỏi. Tôi lại thấy anh may mắn khi gặp được người đi đường tốt bụng.
Một người quen của tôi ở Mỹ lái xe bất cẩn va vào đuôi chiếc xe phía trước. Người lái xe phía trước rất nhã nhặn bước đến bắt tay chào bạn tôi, cả hai trao đổi thông tin công ty bảo hiểm xe của hai bên rồi cùng đợi cảnh sát đến lập biên bản. Dù tai nạn xảy ra gây một số phiền toái nhất định cho nạn nhân nhưng thái độ của họ vẫn điềm tĩnh, lịch sự, điều rất hiếm thấy ở ta.
Dù tai nạn là điều không ai muốn nhưng trong hầu hết trường hợp những vụ tai nạn xe cộ xảy ra mà tôi từng chứng kiến, trừ phi những người trong cuộc bị thương nặng, còn thì cả hai bên thường cãi vã to tiếng, đổ lỗi cho nhau, không ít trường hợp sẵn sàng lao vào ẩu đả bất kể đúng - sai. Cuộc hỗn chiến trở nên kinh hoàng khi có sự tham gia của người thân khiến vụ va chạm nhiều khi không đến nỗi lại thành nghiêm trọng. Chính vì thói hiếu chiến, hồ đồ khiến có người từ nạn nhân lại thành tội phạm.
Nói ra hẳn có người "tự ái dân tộc", nhưng để được trở nên bình thường như thói quen, văn hoá ứng xử của người phương Tây, có lẽ chúng ta còn phải học hỏi ở họ nhiều. Học cách tuân thủ luật pháp thay vì dùng "luật rừng", học cách nhường nhịn khi đi đường, cách giữ bình tĩnh khi gặp sự cố, cách hạ cái tôi của mình xuống, hòa nhã, lịch sự thay vì gây hấn, hung hăng...
Dĩ nhiên, để giảm thiểu tai nạn giao thông còn phải có nhiều yếu tố kết hợp đồng bộ. Đó là hệ thống pháp luật nghiêm ngặt với hình thức phạt nặng đủ để răn đe người vi phạm; đường sá, cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn; việc phân luồng giao thông hợp lý; ý thức nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông của người dân cao... Và sau hết là mọi người đều có bảo hiểm xe để không phải đùn đẩy trách nhiệm khi không may xảy ra va chạm trên đường.
Phía bệnh viện hay cơ quan công an cũng cần đơn giản hóa thủ tục cho những người giúp đưa nạn nhân đi bệnh viện khi chưa có kết luận nguyên nhân gây tai nạn. Nếu ai cũng dửng dưng trước tai nạn của người khác vì sợ liên lụy, phiền hà thì những người không may gặp nạn giữa đường sẽ ra sao?
Đào An Nhiên