Bắt quả tang

22/04/2019 - 06:00

PNO - Luật cần giống như chiếc camera trong thang máy, luật cần là chiếc camera vô hình giám sát khách quan mọi không gian sống của con người. Có vậy, mới hy vọng sự bảo vệ của luật pháp sẽ đáng tin cậy.

Cuối cùng, sau 20 ngày, vụ việc xâm hại trẻ em nổi cộm nhất trong tháng 4/2019 đã được cơ quan điều tra khởi tố. Chiều 21/4, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Q.4, TP.HCM đã ra quyết định khởi tố vụ án theo Bộ luật Hình sự, khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Hữu Linh, 61 tuổi, nguyên Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.Đà Nẵng, để làm rõ hành vi “dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”, đồng thời cấm xuất cảnh, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị can này.

Bat qua tang

Ông Nguyễn Hữu Linh dâm ô bé gái trong thang máy ở Q.4.

Kết quả điều tra chắc chắn sẽ được công luận theo sát từng bước. Vụ án đã trở thành một điểm nóng đối với dư luận trong nhiều ngày qua. Ai cũng nói “bức xúc”, mà đa phần những “bức xúc” ấy liên quan đến đoạn camera trong thang máy, liên quan đến clip được tung lên mạng xã hội. Người ta nói “xác định người đàn ông trong clip”, “vụ sàm sỡ bé gái trong clip”… đến nỗi một hồi thành quen miệng. Bỗng nhiên nghĩ lại, nếu không có cái camera, không có cái clip, mọi chuyện sẽ ra sao? Dư luận có bức xúc đến vậy? Hay lời tố cáo, nếu có, cũng sẽ rơi vào im lặng vì không bị “bắt quả tang”? 

Hình ảnh bé gái trong thang máy, nhỏ xíu, bất lực, mỏng manh trước hành vi sàm sỡ của một con yêu râu xanh từng là đại diện cho cơ quan pháp luật, làm nhức nhối lòng bao phụ huynh, bao gia đình có con nhỏ. Môi trường công cộng của chung cư, ngay cả khi có bảo vệ, có những biện pháp an ninh, cũng không còn an toàn nữa, huống hồ, trong thế giới thực, có bao nhiêu góc tối, nơi vắng người, không hề có bảo vệ, có đèn hay có camera an ninh giám sát. Bao nhiêu vụ việc đã xảy ra như thế, nạn nhân có được bảo vệ, kẻ xâm hại có bị trừng trị?

Đừng nói “bức xúc vì những hình ảnh trong clip” nữa, hãy làm sao để pháp luật lên tiếng, trừng phạt đích đáng những hành vi đó, cho dù có bị bắt quả tang hay không. Pháp luật phải định ra hình phạt rõ ràng, để ngăn ngừa những kẻ có ý định phạm tội, để xã hội có thể bảo vệ con em mình, chứ không chỉ để giải quyết những vụ việc đã bị bắt quả tang, không chỉ để đáp ứng bức xúc nhất thời của dư luận với một vụ việc nào đó. 

Bat qua tang
 

Hôm nay, vụ việc được khởi tố, một phần lớn là vì có đoạn clip, coi như phạm tội bị bắt quả tang. Trước chứng cớ rành rành, sự phẫn nộ của cộng đồng quá lớn, tạo thành sức ép đối với cơ quan chức năng, buộc phải khởi tố yêu râu xanh này. Nhưng thử hỏi bao nhiêu vụ việc đã xảy ra trước nay, có nạn nhân, nhưng không có camera ghi lại, đã được xử lý thế nào? Nạn nhân không dám lên tiếng, vì có lên tiếng tố cáo cũng không ai tin, hơn nữa còn có thể bị bàn tán xì xào, làm nhục. Chứng cứ về sự xâm hại tình dục, chứng cứ về quấy rối sàm sỡ là loại chứng cứ nhạy cảm, không thể lúc nào cũng đòi “quả tang”.  Nếu cứ “tư duy trực quan”, cái gì cũng phải “bắt quả tang”, phải “mắt thấy tai nghe”, thì câu chuyện chống xâm hại tình dục, chống quấy rối sẽ còn dài lắm, và các nạn nhân cũng sẽ còn đông lắm trong sự im lặng vốn vẫn thống trị khoảng tối này bao lâu qua.  

Nhớ lại, kiểu chứng cứ “quả tang” nhiều khi đã đẩy đến những việc hết sức tàn nhẫn và đau lòng. Thế hệ trước vẫn kể về thời bắt trai gái “hủ hóa”, khi bắt được một đôi trong tình trạng trai trên gái dưới, dân quân cầm gậy đè chặt họ, giữ nguyên trạng cho đến khi lập xong biên bản và cả đôi bắt buộc phải ký vào biên bản. Nghe những câu chuyện ấy, cảm thấy thật kinh khủng khi vì cái chứng cứ “quả tang”, con người đối với nhau không còn chút nhân tính, tôn trọng nào. Người ta chỉ tin khi thấy mọi chuyện rõ ràng trước mắt, nhưng thử nghĩ bao nhiêu nạn nhân sẽ được sống bình yên sau khi những chứng cứ “quả tang” như thế bị đưa ra tòa, bị lan truyền, bị tua tới tua lui bình phẩm? 

Vụ khởi tố này xin hãy làm thật nghiêm, để có thể bắt đầu cho một giai đoạn mới của luật, khi luật thực sự trở thành thành trì, thành hệ thống bảo vệ trẻ em. Luật cần phải thấu suốt và kiên định hơn, không để công luận phải bức xúc mới đi đến quyết định khởi tố hay không khởi tố. Luật không chỉ phụ thuộc vào phản ứng giận dữ, bất bình trước những gì mắt thấy tai nghe, mà còn phải thấm vào máu huyết, trí não của mỗi công dân, rằng không ai được đứng trên luật pháp, dù anh ta có chức vụ, quyền lực. Nói một cách nôm na, luật cần giống như chiếc camera trong thang máy, luật cần là chiếc camera vô hình giám sát khách quan mọi không gian sống của con người. Có vậy, mới hy vọng sự bảo vệ của luật pháp sẽ đáng tin cậy.

Những đoạn clip này là một nỗi ô nhục, đừng đòi những đoạn clip khác để “bắt quả tang” về tình trạng xâm hại này nữa. Các nhà làm luật và thực thi pháp luật sẽ phải coi đây là một án lệ cơ sở, để tư duy luật một cách hệ thống, căn cứ trên nhân tính và bản chất xã hội của con người, để giữ an toàn cho mọi trẻ em, trong những không gian, những hoàn cảnh phổ biến của cuộc sống. 

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI