Bất ổn tâm lý tuổi dậy thì

12/10/2014 - 06:45

PNO - PN - Bước vào độ tuổi dậy thì, trẻ có nhiều biến đổi về tâm sinh lý. Giai đoạn này cơ thể, sinh lý xáo trộn, trong khi đó trẻ chưa có nhiều khả năng kiểm soát cảm xúc nên khó kiểm soát được hành vi.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo chuyên viên tâm lý Lê Khanh, Giám đốc chuyên môn Công ty Tư vấn tâm lý - đào tạo kỹ năng Rồng Việt Vũng Tàu, để giúp trẻ kiểm soát, điều chỉnh được cảm xúc và hành vi của mình, cha mẹ cần có sự quan tâm sâu sát và sẻ chia đúng mực.

Bat on tam ly tuoi day thi

Nhận diện bất ổn

Ở độ tuổi 9-14, các bé gái thường chăm chút hình thức bên ngoài, quan tâm đến quần áo, giày dép, nôm na là “biết làm điệu”. Bé gái có xu hướng chọn bạn chơi, thích chơi với những bạn học giỏi hoặc nổi trội về một mặt nào đó. Bé có cảm xúc vui buồn thất thường, một việc nhỏ cũng có thể làm bé vui ngất ngây nhưng chuyện cỏn con cũng có thể làm "tiểu thư" buồn da diết. Bé không kiểm soát được cảm xúc của mình, trong khi đó cảm xúc này lại đến rất nhanh và mạnh.

Khác với bé gái, đến độ tuổi dậy thì 12-15, bé trai không quan tâm nhiều đến hình thức mà chú trọng đến kiến thức. Các cu cậu có những cử chỉ vụng về, lóng ngóng. “Vì vậy nếu một ngày nhận thấy con trai của bạn lóng nga lóng ngóng làm rơi đồ đạc hay đụng đâu hỏng đó thì đừng vội kết tội trẻ hậu đậu, mà cần hiểu rằng trẻ đang có sự xáo trộn. Tay chân trẻ đang làm việc này nhưng đầu óc trẻ có thể đang theo đuổi một việc khác” - chuyên viên tâm lý Lê Khanh chia sẻ.

Ngoài ra, cha mẹ còn có thể nhận biết những thay đổi qua hành động của trẻ. Chẳng hạn trước đây trẻ rất hoạt bát, vui vẻ, nay bỗng dưng lầm lì ít nói hoặc trẻ ngoan hiền, ăn nói nhỏ nhẹ bỗng trở nên ồn ào… Đó là trẻ đang cố tình che giấu sự khủng hoảng của mình. Ngay cả trong ăn uống, học tập của trẻ, cha mẹ cũng dễ dàng nhận ra: trẻ trở nên khó ăn, khó ngủ, dễ cau có, chán học, thích giáo viên nào thì học giỏi môn người đó giảng dạy và ngược lại.

Nhận biết tính cách để ứng xử phù hợp

Một số trẻ đi qua tuổi dậy thì rất nhẹ nhàng, nhưng nhiều trẻ khác lại dễ bị tổn thương, dễ có những hành vi quá khích. Lý giải điều này, chuyên viên tâm lý Lê Khanh cho rằng, điều đó phụ thuộc vào tính cách từng em. Vì vậy, muốn cùng trẻ vượt qua bất ổn, cha mẹ phải nhận biết được tính cách của con nhằm ứng phó phù hợp.

Thông thường ở giai đoạn tiền dậy thì, trẻ đã có ý thức về bản thân, bộc lộ cá tính, sở thích, qua đó cha mẹ có thể nhận biết trẻ thuộc tính cách nào. Chẳng hạn trẻ rất năng động, cởi mở, có nhiều bạn bè, thích được ra ngoài vui chơi, điều đó thể hiện trẻ có tính cách hướng ngoại. Ngược lại, trẻ chỉ thích ở nhà, không thích những chỗ đông người, nhút nhát, ít nói và thụ động cho thấy trẻ có tính cách hướng nội. Ngoài ra, còn có những trẻ thiếu tính quyết đoán, thường tỏ ra do dự theo kiểu “sao cũng được”.

Với ba tính cách đặc trưng trên, trẻ hướng ngoại là trẻ có thể vượt qua giai đoạn dậy thì một cách đơn giản, nhẹ nhàng. Chính tính cách ấy giúp trẻ giải tỏa được sự ức chế của mình, như khi bị bố mẹ la mắng trẻ dễ dàng "bù lu bù loa" nhưng khóc xong là hết buồn, hết giận. Với trẻ có tính cách hướng nội thì trong trường hợp này, trẻ sẽ “ghim” lại trong lòng và vì giai đoạn này cảm xúc đang bị rối loạn, trẻ không kiểm soát được, dẫn đến rối loạn hành vi, gây ra những phản ứng tiêu cực.

Trước khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì, cha mẹ cần tập cho trẻ thói quen chia sẻ. Cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn, thể hiện thiện chí lắng nghe trẻ. Với những trẻ nhạy cảm, thường nhu cầu tình cảm rất lớn, chỉ có những hành động, cử chỉ yêu thương mới “đánh gục” được trẻ.

Cùng trẻ vượt qua bất ổn

Song song với việc nhận biết tính cách của trẻ là cách ứng xử của cha mẹ sao cho trẻ luôn cảm nhận được sự thương yêu, quan tâm dành cho mình. Cần lưu ý, ở giai đoạn này trẻ có hai xu hướng gây ra lỗi. Một là do vô ý vì sự rối loạn, bất ổn. Hai là trẻ cố tình gây ra lỗi để lôi kéo sự chú ý của cha mẹ.

Khi trẻ phạm lỗi, cha mẹ cần tỉnh táo phân biệt lỗi của bé do đâu. Nếu bé sai, cha mẹ nên nhẹ nhàng chỉ ra cái sai và định hướng cho trẻ. Bên cạnh đó, hãy luôn đặt niềm tin vào trẻ. Ngược lại, nếu cha mẹ la mắng, chê bai, so sánh với những đứa trẻ khác hoặc với chính mình, sẽ làm cho trẻ thêm khủng hoảng và rơi vào trạng thái cảm thấy mình bất tài, vô dụng. Trẻ hình thành nhân cách như thế nào sau giai đoạn này chính là do sự uốn nắn, định hướng của cha mẹ.

“Ngoài ra, đây còn là thời điểm rất quan trọng để cha mẹ nhận ra mặt mạnh-yếu của con. Thông qua đó, cha mẹ giúp trẻ phát huy điểm mạnh, đồng thời giúp trẻ định hướng nghề nghiệp trong tương lai” - chuyên viên tâm lý Lê Khanh nhận định.

 LINH GIANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI