Bát nháo thuốc xách tay dự phòng và điều trị COVID-19

11/09/2021 - 12:41

PNO - Với mức giá từ vài trăm ngàn đồng tới vài chục triệu đồng, nhiều loại thuốc được quảng cáo có khả năng dự phòng và điều trị COVID-19 trở thành sản phẩm hút hàng, được nhiều người tìm mua. Trong khi đó, các chuyên gia khẳng định, không nên tùy tiện sử dụng các loại thuốc này vì ngoài chuyện tốn tiền còn có thể gặp nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

30 triệu đồng/liệu trình điều trị vẫn... không dễ mua

Gần đây, “thị trường thuốc online” chứng kiến sự xuất hiện rầm rộ của nhiều mặt hàng “xách tay” được quảng cáo có xuất xứ từ Ấn Độ, Nga, có khả năng dự phòng và điều trị COVID-19. Trong số này, thuốc của Nga chiếm “thị phần” khá lớn với nhiều mức giá: từ vài trăm ngàn đồng đến hàng triệu đồng.

Trên một shop online “chuyên bán hàng Nga chính hãng”, người bán chia sẻ hai loại thuốc có tên Abidol - nhãn xanh và nhãn đỏ. “Đây là thuốc tăng đề kháng, phòng tránh và ức chế virus corona; ngoài ra còn có tác dụng với hàng loạt loại virus khác như cúm A, cúm B, H5N1... Thuốc cũng đã được WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) cấp phép để chống virus trực tiếp”, người bán giới thiệu.

Loại thuốc xuất xứ từ Nga được quảng cáo ngừa được COVID-19, sử dụng cho bệnh nhân F1, F2 đang được rao bán phổ biến trên mạng xã hội
Loại thuốc xuất xứ từ Nga được quảng cáo ngừa được COVID-19, sử dụng cho bệnh nhân F1, F2 đang được rao bán phổ biến trên mạng xã hội

Abidol được cho là có thể phát huy tác dụng, đạt được “nồng độ kháng virus” tối đa sau 1,5 giờ kể từ thời điểm sử dụng thuốc. Tác dụng kháng virus trực tiếp không phụ thuộc vào tình trạng miễn dịch của cơ thể, khả năng phản ứng của hệ thống miễn dịch, tốc độ sản xuất interferon (một nhóm các protein tự nhiên được sản xuất bởi các tế bào của hệ miễn dịch ở hầu hết các loài động vật nhằm chống lại tác nhân ngoại lai như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và tế bào ung thư) cũng như số lần sử dụng thuốc lặp đi lặp lại.

“Thuốc đặc biệt có tác dụng làm giảm các biến chứng của virus như: giảm tới 98% viêm phổi, 90% viêm phế quản, 78% viêm xoang”, người bán hàng khẳng định chắc nịch.

Khi tôi hỏi mua Abidol cho cả gia đình thì chủ hàng nói cả người lớn và trẻ em đều có thể sử dụng vì ở Nga, loại thuốc này được dùng khá phổ biến. Theo đó, trẻ em 6-12 tuổi dùng liều 100mg tương ứng 1 viên xanh/lần. Người lớn và trẻ trên 12 tuổi dùng 200mg tương ứng 2 viên xanh/lần. Mỗi tuần, cần uống hai lần và duy trì đều đặn trong ba tuần.

“Nếu chị tiếp xúc với F0 thì uống ngay sau khi phơi nhiễm với liều lượng 1 lần/ngày và liên tục 10-14 ngày. Trong hai loại nhãn, hộp màu xanh giúp tăng đề kháng chống COVID-19 còn loại màu đỏ có hàm lượng cao hơn dành cho đối tượng F1, F2”, người này không quên dặn dò về liệu trình sử dụng để kháng virus SARS-CoV-2 trong điều kiện vô tình tiếp xúc với F0. 

Đáng chú ý là cách lý giải về việc sử dụng loại thuốc nhãn xanh và nhãn đỏ ở mỗi nơi bán lại khác nhau. Nơi nay hướng dẫn loại nhãn đỏ dùng cho F1, F2 thì nơi khác lại cho rằng hai loại thuốc trên chỉ khác nhau ở hàm lượng, còn đối tượng sử dụng không có sự khác biệt. Thậm chí nhiều người bán tỏ thái độ không vui khi chúng tôi hỏi cách phân biệt, lựa chọn hai loại thuốc này, bảo: “Giờ mua được thuốc là tốt rồi, còn ngồi chọn xanh hay đỏ làm gì”.

Giá bán của Abidol ở các nơi cũng có sự chênh lệch rất lớn: từ 200.000 - 300.000 đồng tới hơn một triệu đồng/hộp. Đặc biệt, người muốn mua thuốc luôn được thúc hối phải “chốt đơn hàng” thật nhanh mới có thể tới lượt.

Không chỉ thuốc dự phòng, thuốc điều trị COVID-19 cũng được bán trên mạng xã hội với mức giá đắt đỏ. Cụ thể, thuốc điều trị COVID-19 của Nga được bán với giá 3,9 triệu đồng/hộp. Liệu trình điều trị gồm hai hộp, tương đương gần 8 triệu đồng. Thuốc điều trị COVID-19 của Ấn Độ có mức giá 15 triệu đồng/hộp và liệu trình gồm hai hộp với tổng chi phí là 30 triệu đồng.

Các loại thuốc này đều được quảng cáo đã được cấp phép và sử dụng tại nhiều quốc gia, có khả năng làm giảm các triệu chứng đối với người mắc COVID-19, tránh nhập viện, nguy hiểm tới tính mạng. Do đây là mặt hàng “khan hiếm” nên số lượng được cho là “có hạn”. Trong những đoạn livestream, nhiều nơi khẳng định rằng nếu không nhanh tay mua ngay là hết hàng, phải chờ rất lâu mới có thêm.

Tốn tiền, hại thân!

Trước tình trạng bát nháo của thị trường thuốc xách tay điều trị và dự phòng COVID-19, phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - khuyến cáo người dân không nên tự ý sử dụng thuốc và nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị của y, bác sĩ.

Đồng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh - nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) - cho biết gần đây có tình trạng người bệnh tùy tiện sử dụng thuốc COVID-19 theo những lời quảng cáo, trong đó có nhiều loại thuốc được xách tay từ nước ngoài.

Bản thân bác sĩ Khanh cũng nhận được nhiều câu hỏi từ người dân về việc có nên sử dụng các loại thuốc này hay không, hiệu quả thực tế như thế nào...

Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19 vì có thể gặp “tác dụng ngược”
Bác sĩ Trương Hữu Khanh khuyến cáo người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị COVID-19 vì có thể gặp “tác dụng ngược”

Cụ thể, bác sĩ Trương Hữu Khanh khẳng định, trong phác đồ điều trị COVID-19 của Việt Nam hiện nay chỉ có hai loại thuốc được Bộ Y tế cấp phép sử dụng gồm Remdesivir và Molnupiravir. Trong đó, Molnupiravir đã được nghiên cứu, thử nghiệm lâm sàng tại Mỹ, Ấn Độ và cho kết quả khả quan về tính an toàn, làm sạch virus SARS-CoV-2 ở bệnh nhân COVID-19 thể nhẹ và vừa sau năm ngày điều trị. Remdesivir là thuốc kháng virus được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt điều trị cho bệnh nhân COVID-19 từ ngày 22/10 và đã được 50 quốc gia như Mỹ, EU, Úc, Nhật Bản, Singapore, Ấn Độ... đưa vào phác đồ điều trị.

“Hiện có rất nhiều thuốc quảng cáo điều trị COVID-19 nhưng chỉ hai loại thuốc trên đã được Bộ Y tế xem xét, đánh giá tính hiệu quả và an toàn. Trong khi đó, do những loại thuốc khác không rõ thành phần thế nào, công dụng đến đâu, chúng ta hoàn toàn không nên sử dụng”, bác sĩ Khanh nói.

Bác sĩ Khanh cũng nhấn mạnh, việc sử dụng thuốc kháng viêm đòi hỏi sự chỉ định của bác sĩ bởi thuốc có rất nhiều tác dụng phụ. Các tác dụng phụ này cũng tùy thuộc vào từng thành phần của thuốc nên từ đó các bác sĩ sẽ có hướng dẫn, chống chỉ định với từng trường hợp sử dụng. Nếu dùng thuốc tùy tiện sẽ dẫn tới hậu quả tiền mất, tật mang.

Liên quan tới tác dụng của các loại thuốc dự phòng, thậm chí sử dụng cho đối tượng F1, F2 để có thể ngừa nhiễm COVID-19, bác sĩ Khanh khẳng định đây hoàn toàn là những quảng cáo sai sự thật.

“Hiện nay, thứ duy nhất có thể dự phòng được virus SARS-CoV-2 là vắc xin. Người dân nên đăng ký tiêm vắc xin COVID-19 (hiện miễn phí) thay vì bỏ tiền ra mua những loại thuốc không hiệu quả lại tốn tiền vô ích. Chỉ vắc xin mới có thể giúp chúng ta phòng tránh và giảm các triệu chứng tăng nặng khi mắc COVID-19”, vị chuyên gia về bệnh truyền nhiễm khuyến cáo người dân. 

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI