Bát nháo thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc, Bộ Y tế siết quản lý nguyên liệu

06/09/2021 - 12:53

PNO - Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cảnh báo, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc.

 

Bộ Y tế siết chặt quản lý nguyên liệu trước tình trạng lưu hành thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc
Bộ Y tế siết chặt quản lý nguyên liệu trước tình trạng lưu hành thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc

Cục Quản lý Dược vừa có công văn gửi các cơ sở sản xuất thuốc về việc báo cáo tình hình nhập khẩu và sử dụng nguyên liệu Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose.

Theo đó, trong thời gian gần đây, Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu cho một số đơn hàng dược chất, bán thành phẩm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) của các cơ sở sản xuất thuốc để phục vụ cho mục đích nghiên cứu, kiểm nghiệm và sản xuất thuốc xuất khẩu.

Trong Công văn đồng ý nhập khẩu cho các đơn hàng, Cục Quản lý Dược ghi rõ: “Cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để dùng cho nghiên cứu, kiểm nghiệm, không sử dụng vào mục đích khác, không lưu thông trên thị trường. Cơ sở chỉ được sử dụng nguyên liệu nhập khẩu trên để sản xuất thuốc xuất khẩu, không sử dụng vào mục đích khác. Thuốc thành phẩm sản xuất không được lưu hành tại Việt Nam”.

Tuy nhiên, hiện nay có hiện tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh COVID-19 để buôn bán thuốc điều trị COVID-19 không rõ nguồn gốc. Theo quy định, những vi phạm này sẽ bị phạt tiền từ 60-80 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh của các đơn vị vi phạm từ 3-6 tháng.

Để tăng cường công tác quản lý về lĩnh vực dược, đảm bảo an toàn cho người sử dụng, phục vụ tốt công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở nghiêm túc thực hiện việc sử dụng các nguyên liệu được cấp phép nhập khẩu trên đúng mục đích mà Cục đã ban hành.

Các cơ sở phải báo cáo, cập nhật trong vòng 24 giờ kể từ khi có thay đổi như tăng, giảm về số lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc (Molnupiravir, Favipiravir, Baricitinib, 2-Deoxy-D-Glucose) trên trang điện tử dichvucongdav.gov.vn. Đồng thời, cơ sở gửi báo cáo về tình hình nhập khẩu, sử dụng các nguyên liệu hoặc khi có sự thay đổi so với lần báo cáo trước về Cục Quản lý Dược.

Tại Việt Nam có 2 loại thuốc đang được sử dụng điều trị COVID-19 theo chương trình của Bộ Y tế. Trong đó, Molnupiravir là thuốc kháng virus mới, đang trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Tại Việt Nam, Molnupiravir được đưa vào chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp mắc COVID-19 tại nhà và cộng đồng (home-based care). Thuốc bao gồm viên nang 200mg, 400mg do Ấn Độ và Việt Nam sản xuất, dự kiến cung cấp hơn 2,3 triệu viên để điều trị miễn phí cho 116.000 F0 tại cộng đồng ở TPHCM. Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học (Bộ Y tế) cũng đồng ý tiếp tục triển khai nghiên cứu mở rộng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Việt Nam, nhằm đánh giá tính an toàn và hiệu quả của loại thuốc này.

Loại thuốc thứ hai đang được sử dụng là Remdesivir, điều trị cho bệnh nhân nặng, người trên 65 tuổi, béo phì đang điều trị ở bệnh viện. Remdesivir sử dụng theo đường tiêm tĩnh mạch.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI