Bát nháo sách liên kết

21/02/2020 - 07:11

PNO - Năm 2019, toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách (năm 2018 là gần 32.000) với trên 400 triệu bản (năm 2018 đạt 390 triệu bản).

 


Theo số liệu thống kê, ngành xuất bản những năm qua luôn có sự tăng trưởng ấn tượng, cả về số lượng đầu sách và số lượng bản in. Năm 2019, toàn ngành xuất bản trên 33.000 đầu sách (năm 2018 là gần 32.000) với trên 400 triệu bản (năm 2018 đạt 390 triệu bản).

Có thể khẳng định, nếu chỉ 59 Nhà xuất bản (NXB) thì con số trên chỉ là… “giấc mơ xa vời”. Đóng góp đáng kể đến từ hơn 150 đơn vị làm sách tư nhân. Chính các công ty sách, thông qua phương thức liên kết xuất bản với các NXB, đã góp phần làm nên sự phong phú, hấp dẫn của thị trường sách trong khoảng hơn mười năm trở lại đây.

Liên kết xuất bản là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, thực tế phương thức này còn “lộ” không ít những khe hở bất cập về mặt giám sát và kiểm định chất lượng ấn phẩm. Dẫn đến không ít đầu sách bị “thổi còi”, nhẹ thì thu hồi, chỉnh lý rồi mới tiếp tục phát hành, nặng thì tiêu hủy vĩnh viễn. Đồng thời, các bên liên quan bị xử phạt hành chính.  

Độc giả hẳn vẫn còn nhớ, năm 2013 phụ huynh hoang mang với tin một số đầu sách, như Bài tập ôn luyện tự kiểm tra cuối tuần Toán 1 do NXB Đại học Sư phạm liên kết với Công ty cổ phần sách và thiết bị giáo dục Việt Nam, bị thu hồi vì “bắt” học sinh lớp Một làm phép toán “3 trừ bao nhiêu để bằng 4” và “7 cộng bao nhiêu để bằng 5”; Vở luyện từ và câu lớp 3 (tập 2) do NXB Hà Nội liên kết với công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Hà Nội, thu hồi vì có nội dung nói “Lý Thường Kiệt đánh quân... Nam Hán”; Phát triển toàn diện trí thông minh cho trẻ, nằm trong bộ sách Chuẩn bị toàn diện cho trẻ vào lớp 1 do NXB Dân Trí liên kết với Công ty TNHH Văn hóa Hương Thủy, thu hồi do có hình ảnh ngôi trường của bé cắm cờ… Trung Quốc. 

Cuối năm 2014, cuốn sách Bộ luật dân sự và văn bản hướng dẫn thi hành 2014 do NXB Lao động và Xã hội liên kết với nhà sách Lao Động gây sốc dư luận, khi cho hình ảnh NSND Công Lý lên bìa sách với hai tay cầm hai cán cân, trên người chỉ mặc độc chiếc quần nhỏ. Khi cuốn sách bị thu hồi, độc giả mới biết thêm, đối tác liên kết đã “ăn bớt” hai chữ “tìm hiểu” ngay ở tên cuốn sách. 

Một đơn vị làm sách lâu năm nhưng bị thổi còi nhiều, là Công ty TNHH văn hóa Minh Tân - nhà sách Minh Thắng. Năm 2015, cuốn sách Mười vạn câu hỏi vì sao do đơn vị này xin giấy phép NXB Hồng Đức bị thu hồi do cung cấp kiến thức “loài chim lớn nhất trên thế giới là lạc đà”. Đặc biệt, năm 2017, công ty này còn “dính chưởng” khi ấn hành hai tác phẩm kinh điển là Nhật ký trong tù (Hồ Chí Minh, in 2016) liên kết với NXB Văn học và Miếng ngon Hà Nội (Vũ Bằng, in 2017) liên kết với NXB Dân Trí. Với Nhật ký trong tù là do lỗi sai sót ở phần chữ Hán nguyên tác. Còn với Miếng ngon Hà Nội thì có đoạn nội dung sai hoàn toàn so với bản gốc, đồng thời vi phạm nghiêm trọng về chính trị. 

Thực tế, một số ít công ty sách có đội ngũ biên tập viên chất lượng, đủ khả năng khai thác, thẩm định bản thảo, có chứng chỉ hành nghề biên tập do Cục xuất bản, in và phát hành cấp, để đứng tên biên tập cùng với biên tập viên của NXB trên sách. Nhưng đa phần các công ty sách còn lại, đội ngũ biên tập thiếu và yếu. Nhiều công ty phát triển lên từ các đầu nậu sách trước đây, khai thác bản thảo kiểu được chăng hay chớ, lỗi chính tả nhiều khi còn chưa kiểm soát được.

Nhưng, mấu chốt vẫn ở phía các NXB. Nhiều NXB xem việc làm sách liên kết là nguồn thu sống còn. Sống bằng việc “bán giấy phép”. NXB và đối tác tin tưởng nhau, hoặc đối tác tìm cách lách qua cửa NXB (với sách có yếu tố nhạy cảm). Quy trình cấp giấy phép đơn giản thành: nhận bản thảo - đăng ký lên Cục Xuất bản - ra quyết định xuất bản - nhận tiền quản lý phí, biên tập xuất bản. Thậm chí có trường hợp, biên tập viên chưa biên tập nửa chữ, nhưng vẫn có tên trong trang xi-nhê của cuốn sách liên kết.  

Một bài báo đưa tin hôm nay, ngày mai có thể bị các tin tức khác “đè” lên, trôi đi, nhưng một cuốn sách in ra thì sẽ qua tay hết người này đến người khác, thậm chí qua các thế hệ. Sách liên kết, các NXB không thể làm việc kiểu đếm số trang bản thảo rồi tính phí quản lý xuất bản là xong, cần phải kiểm soát được nội dung, chất lượng sách theo đúng chức năng, nhiệm vụ gác cổng, “canh gôn” của mình. 

Lê Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI