edf40wrjww2tblPage:Content
Cô Năm (trái) đang xem "vận số" cho khách ở khu vực chùa Phước Long (Q.9)
Dịch vụ “chặt chém”, cái bang bủa vây
Trước cổng miếu Ngũ Hành ở ấp 5, xã Phú Xuân, Nhà Bè, TP.HCM, các dịch vụ sách bói toán mọc lên như nấm, bán giá từ 5.000đ - 10.000đ/quyển. Nhiều người còn bày bán các loại nhẫn, vòng tay, dây chuyền làm từ đá, kim loại, chiêu dụ khách hàng là đá bình an, nhẫn trị đủ thứ bệnh. Hỏi mua một chiếc nhẫn bằng kim loại, có chức năng… điều hòa huyết áp, người bán hồn nhiên giới thiệu: “Đây là nhẫn đô nô làm từ tiền xu cổ của người Ấn Độ. Người huyết áp thấp đeo vô sẽ tăng trở lại. Người huyết áp cao đeo sẽ hạ xuống bình thường” (!?).
Men theo con hẻm, chúng tôi tiếp tục vào sâu bên trong để đến Chùa Bà Châu Đốc 2. Con hẻm rộng khoảng 3m nhưng mọi người phải chen lấn rất khổ sở vì hai bên hẻm bị các đệ tử cái bang lấn chiếm để hành nghề. Đường vào chùa chỉ khoảng 500m nhưng có không dưới 50 cái bang ngồi, nằm la liệt, thấy khách đi ngang là chồm ra xin tiền. Nhiều cái bang còn đội lốt nhà sư chèo kéo xin tiền khách rất phản cảm. Một cái bang đang lê lết trên đường vì “tàn tật”, thấy chúng tôi đưa máy định chụp hình lập tức... đứng lên bỏ đi một mạch. Trước cổng chùa, dịch vụ bán chim, cá phóng sinh cũng hốt bạc vì chim, cá bán ra không kịp cho khách thả. Tương tự, tại nhiều chùa lớn như: chùa Vĩnh Nghiêm (Q.3), chùa Ấn Độ (Q.1), chùa Phước Long (Q.9)… tình hình cũng rất bát nháo.
Cái bang nằm, ngồi la liệt trên đường vào Chùa Bà Châu Đốc 2
Đủ màn “xủ quẻ”
Tại Chùa Bà Châu Đốc 2, chúng tôi được một thanh niên mời chào đi gặp “cô Phụng”. Theo giới thiệu của thanh niên này, “cô Phụng” xem tướng số, tình duyên có tiếng ở đây. “Cô Phụng” hành nghề trong một căn nhà nhỏ nằm sâu trong hẻm. “Cô” khoảng ngoài 60 tuổi, mặc bộ đồ trắng, ngồi sau một tấm màn mỏng, mặt đánh phấn trắng bệch, đầu đội khăn đỏ. Khi chúng tôi đến, đối diện “cô” là hai vị khách, một nam, một nữ đang ngồi nghe phán. Khoảng mười phút sau, hai vị khách nộp tiền, ra về với vẻ mặt hoan hỷ.
Theo người phụ nữ, năm nay họ được cho biết là số “đỏ”, gặp nhiều may mắn. Đến lượt tôi vừa chuẩn bị bước vào, “cô” bất ngờ đập mạnh bàn, đề nghị tôi tháo dây nịt, lột vớ, bỏ ba lô ở ngoài vì “cô”… kỵ màu đen. Sau một lúc tìm hiểu các thành viên trong gia đình tôi, “cô” đề nghị tôi rút ba chân nhang đã cháy hết phần nhang, rồi “cô” cầm ba chân nhang vẽ nguệch ngoạc lên một tờ giấy đỏ, phán: “Con năm nay tiền tài tốt, nhưng vận số lại không tốt. Vào tháng Bảy sẽ gặp tai vận”. Thấy tôi lo lắng, “cô” tiếp: “Con lo là đúng, nhưng con phải mừng vì đã đến với “cô”, “cô” sẽ giúp con biết trước thiên cơ, vận số…”. Cuối cùng, “cô” đề nghị tôi mua mâm ngũ quả để “cô” cúng giải hạn. Tôi hỏi giá tiền, “cô” bảo: “Một trăm, hai trăm, ba trăm… tùy tâm. “Cô” chủ yếu làm phước cho mọi người”.
Tại chùa Phước Long (Q.9), do chùa nằm trên một cồn nổi giữa sông Sài Gòn, tách biệt với đất liền nên các “thầy”, các “cô” ở đây hành nghề còn rầm rộ hơn. Tại đây, chúng tôi lân la theo một số khách, tìm đến các “thầy”, các “cô” ngồi khuất sau một bụi tre bên hông chùa. Vừa thấy tôi, một “cô” gọi lớn: “Thần tài, thần tài”. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì, “cô” đã sấn tới kéo tay tôi rồi phán: “Cô” không biết năm ngoái con làm ăn thế nào, nhưng nhìn sắc mặt con năm nay “cô” bảo đảm là vận con tốt lắm. Nhưng tốt đến đâu thì phải xem kỹ mới biết”.
Tôi hỏi “cô” tên gì nhưng “cô” từ chối trả lời, bảo tôi chỉ cần gọi “cô Năm”. “Cô Năm” cho biết thêm, ba người còn lại đều là đệ tử của mình, khách nào có duyên thì “cô” mới xem, còn lại để cho đệ tử. Sau khi xem, mặt mũi, tay, chân tôi xong, “cô” đưa một bộ bài bảo tôi xào bảy cái rồi dùng tay trái bốc ba lá. Tôi bốc lên một cây chuồn, một cây cơ. “Cô” phán: “Chuồn là tiền, cơ là tình, năm nay số con vừa đỏ tình, vừa tiền tài vô như nước”. Sau khi xem xong, tôi đưa 50.000đ nhưng “cô” ra giá: mỗi quẻ 100.000đ. Phía sau tôi, hàng người xếp hàng chờ đến lượt xem bói dài dằng dặc.
Dòng người hành hương về chùa Hương ngày càng đông trước rằm tháng Giêng
Chen nhau giải hạn
Ghi nhận của chúng tôi, những ngày cuối tuần tại chùa Phúc Khánh (Ngã Tư Sở, Q.Đống Đa, Hà Nội), dù thời tiết chuyển lạnh, mưa phùn sau nhiều ngày nắng ấm nhưng dòng người vẫn đổ về chật cứng. “Biển người” tại đây liên tục tràn ra đường, ngồi kín đường Tây Sơn, gây ách tắc giao thông nghiêm trọng. Nhiều người còn phải đội túi ni lông tránh mưa, trèo lên cả cầu vượt Ngã Tư Sở, chắp tay hướng về chùa vái lia lịa. Cảnh tượng nối đuôi nhau xếp hàng lễ chùa cũng diễn ra ở chùa Trấn Quốc (P.Trúc Bạch, Q.Ba Đình), Phủ Tây Hồ (P.Quảng An, Q.Tây Hồ), chùa Quán Sứ (Hoàn Kiếm)…
Tại chùa Hương, càng về gần rằm tháng Giêng, du khách thập phương đổ về càng nhiều. Các bãi giữ xe tại chùa Hương “cắt cổ” với giá từ 30.000 - 50.000đ/xe. Các hàng thuốc nam bên đường thi nhau quảng cáo thuốc chữa bách bệnh khiến nhiều khách hàng cả tin mua phải những gói thuốc không có nguồn gốc, mốc meo. Các điểm bói toán tại chùa Hương cũng nở rộ, ngang nhiên treo biển quảng cáo, từ xem tay đến xem tướng… Cũng giống mọi năm, “đội quân” ăn mày tiếp tục hoành hành, dù lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức đã nhiều lần khẳng định sẽ xóa bỏ hình ảnh xấu này tại mùa lễ hội 2014. Trong các hang động ở chùa Hương, tiền lẻ phủ kín cả lối đi, người dân cũng “không quên” nhét tiền ở bình hoa, tượng Phật, sư tử đá…
Không quên cài tiền lẻ vào bình hoa
Chị Nguyễn Thị Hằng (SN 87, Q.Hoàng Mai) lặn lội từ Hà Nội về tận Vĩnh Phúc coi bói. Chờ hơn nửa ngày mới tới lượt, nghe "thầy" phán, chị Hằng xây xẩm mặt mày. "Thầy" bảo chị bị sao Kế Đô chiếu, năm nay sẽ gặp hạn nặng, nếu không giải hạn, gia đình sẽ gặp nhiều biến cố... Chị Hằng được "thầy" gợi ý làm lễ dâng sao giải hạn với tổng chi phí (cả đón, rước thầy bằng ô tô) lên tới 50 triệu đồng.
Hoảng hồn vì số tiền quá lớn, nhưng vì sợ vận hạn của gia đình, chị bấm bụng thu xếp. Ngoài lễ cúng linh đình với đủ loại gà, lợn quay, bánh trái, xôi, oản… khoản tiền nặng nhất là mua vàng mã. Các món đồ từ cổ chí kim với kích thước to như thật được bày khắp sân, từ voi, kiệu lọng, nhà táng, thuyền rồng đến ngựa xe, hổ, rồng… Lễ còn có cả các màn nhảy đồng, hầu đồng và tán lộc. Trường hợp của chị Hằng không phải hiếm. Gia đình anh Nguyễn Minh Khôi (Văn Yên, Yên Bái) phải vay mượn gần 40 triệu đồng để làm lễ giải hạn vì bị "thầy" nói: “nếu không giải hạn sớm thì… đến lúc tuyệt mạng hối không kịp”.
Chứng kiến dòng người đổ về chùa Phúc Khánh tối 7/2, khi chùa này tổ chức lễ giải sao La Hầu, mới thấy được “nỗi sợ hãi tâm linh” của không ít người dân. Buổi lễ này được tổ chức từ 19g nhưng chỉ khoảng 17g cùng ngày là đã không còn chỗ trống. Không ít người khóc lóc, hoang mang vì không thể chen chân được vào trong chùa dâng lễ.
Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Hội Phật Giáo Việt Nam khẳng định, việc giải hạn bằng lễ không thể giải quyết được vận hạn, cốt là do mình có cẩn thận hay không và còn phụ thuộc vào luật nhân quả. Thượng tọa cho rằng: “Cúng lễ to, tiền nhiều mà được khỏe mạnh, phát lộc thì chắc người giàu sẽ sống mãi còn người nghèo sẽ chết hết”. Theo Thượng tọa, con người sống ở đời cần có cái tâm, cái đức, biết làm điều thiện thì mới mong hóa giải được mọi vận hạn.
Phan Trí - H. Anh - S. Nam
Theo ghi nhận của chúng tôi, càng gần đến rằm tháng Giêng, lượng khách thập phương đổ về các chùa càng đông. Miếu Ngũ Hành bình quân mỗi ngày đầu năm đón trên dưới 3.000 lượt khách đến dâng hương. Trên con hẻm số 2680 Huỳnh Tấn Phát, cách miếu khoảng 500m, bất cứ nơi nào có chỗ trống, thậm chí trên vỉa hè đều được tận dụng làm bãi giữ xe thu giá từ 20.000đ - 30.000đ nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của hành khách. Chúng tôi đưa xe vào gửi, bày tỏ lo ngại điểm giữ xe không giấy phép, một thanh niên phụ trách giữ xe lập tức xua tay: “Ở đây khách cần người giữ xe chứ người giữ xe không cần khách”. |