Bát nháo hoạt động từ thiện trong bệnh viện: Kẻ xấu đủ chiêu trục lợi

08/09/2017 - 08:15

PNO - Tháng bảy âm lịch, các chương trình thiện nguyện nở rộ cũng là lúc nhiều đối tượng lừa đảo lợi dụng, tha hồ “tung chiêu” khiến hoạt động từ thiện trở nên bát nháo.

Tại các bệnh viện (BV), hoạt động này đang gây nhiều phiền nhiễu, bất an.

Bị dọa giết vì không “ăn chia” tiền hỗ trợ

Những ngày gần đây, trên mạng xã hội rộ lên thông tin kêu gọi trợ giúp một sản phụ bị bệnh nặng đang nằm tại Khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy TP.HCM. Sản phụ tên L.T.B.D. (23 tuổi, quê Ninh Thuận) bệnh nặng, phải bỏ bào thai 4 tháng tuổi để giữ mạng sống, hoàn cảnh rất khó khăn, viện phí lên đến 5 triệu đồng/ngày.

Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ, các bác sĩ (BS) Khoa Bệnh nhiệt đới và Phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy đều khẳng định, thông tin trên không đúng sự thật. Ông Lê Minh Hiển - Trưởng phòng Công tác xã hội BV Chợ Rẫy cho biết: “Vài ngày trước, có một số Mạnh Thường Quân đến BV đề nghị được góp tiền hỗ trợ sản phụ D. Chúng tôi ngỡ ngàng vì phòng không hề thông báo có bệnh nhân khó khăn, cần trợ giúp.

Tôi liên hệ với lãnh đạo Khoa Bệnh nhiệt đới mới hay, sự thật hoàn toàn khác. Đúng là có bệnh nhân D. đang điều trị, nhưng chi phí khoảng 1,5 triệu đồng/ngày. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế, gia đình vẫn thanh toán được viện phí, chưa từng nhờ BV trợ giúp”.

Bat nhao hoat dong tu thien trong benh vien: Ke xau du chieu truc loi
Một trường hợp em bé bị bỏ rơi được BV Nhi Đồng 1 miễn hoàn toàn chi phí điều trị nhưng nhiều người vẫn xin tiền hộ trên facebook - Ảnh: K.Q.


Thực tế, có không ít trường hợp tương tự. Trước thông tin kêu gọi trợ giúp bát nháo trên mạng xã hội, nhiều nhà hảo tâm bị kẻ xấu lợi dụng, trục lợi. Một điều dưỡng tại BV Nhi Đồng 1 (đề nghị không nêu tên) chia sẻ: “Có một nhóm người, cứ tới giờ thăm nuôi lại lẻn vào các giường bệnh. Họ chụp ảnh làm “tư liệu”.

Một số người nhà bệnh nhi đồng ý cho họ chụp hình. Ngay sau đó, hình ảnh của các bé xuất hiện trên mạng xã hội kèm thông tin kêu gọi trợ giúp, nhưng việc các nhà hảo tâm giúp như thế nào, chuyển tiền cho ai, người nhà không hề hay biết”. 

Trong khi đó, một số người nhà bệnh nhân lại chịu nhiều phiền toái, bất an. Đơn cử, bé T.H. bị phỏng xăng, đang điều trị tại BV Nhi Đồng 1. Thông tin về bé được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đến BV trợ giúp. Ngay sau đó, mẹ của bé gái này liên tục nhận những cuộc điện thoại đòi “ăn chia” tiền từ thiện, thậm chí dọa giết nếu không làm theo ý họ.

Thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, chị N.T.T.T. (Hà Nội) bất ngờ phát hiện địa chỉ cơ quan và số điện thoại của mình được gắn với nội dung đăng trên một tài khoản facebook kêu gọi trợ giúp. Cụ thể, bé trai tên Huy đang được cấp cứu tại một BV, người nhà không lo nổi tiền điều trị. “Thuốc của Huy phải mua với chi phí gần 7 triệu đồng một lọ nên có ngày viện phí lên đến mười mấy triệu đồng”, thông tin trên facebook cho hay.

Chủ facebook kêu gọi gửi tiền về tài khoản có tên Nguyễn Văn Tuấn - tự xưng là nhân viên nơi chị T.T. đang làm việc. “Tôi đã báo cáo sự việc với cơ quan và lãnh đạo cơ quan khẳng định không có nhân viên tên Nguyễn Văn Tuấn cũng như không kêu gọi từ thiện trên facebook. Kẻ này đã dùng thông tin của tôi để lợi dụng lòng tin của những nhà hảo tâm”, chị T.T. bức xúc. 

Bat nhao hoat dong tu thien trong benh vien: Ke xau du chieu truc loi
 

Tương tự, tại BV Đa khoa Xanh-pôn (Hà Nội), đại diện Phòng Công tác xã hội cho hay, có trường hợp trẻ sơ sinh điều trị tại BV cách đây đã vài năm, nhưng tới nay, nhiều người vẫn liên lạc để trợ giúp vì thông tin được đăng tải nhiều lần trên mạng 
xã hội. 

Bệnh viện “đau đầu”

Ngoài những thông tin bịa đặt để trục lợi, việc thiếu minh bạch hoạt động từ thiện lâu nay cũng là chuyện khiến cho cả bệnh nhân và BV “đau đầu”. Bà Dương Thị Minh Thu - Trưởng phòng Công tác xã hội BV Nhi Trung Ương cho biết, mới đây, gia đình cháu L.M.T. (hai tuổi, Ý Yên, Nam Định) trở thành “con mồi” của một nhóm đối tượng chuyên kêu gọi từ thiện trên mạng xã hội.

Cháu L.M.T. bị ngã đập đầu vào tường, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, được Phòng Công tác xã hội hỗ trợ chi phí ban đầu. Sau đó, có một nhóm người đã tiếp cận người nhà bệnh nhi và cho biết sẽ vận động khoảng 300 triệu đồng để bé phẫu thuật tại một BV tư. 

Không chỉ nhận tiền qua tài khoản của nhóm, những đối tượng này còn cắt cử một người thường xuyên túc trực tại BV để nhận tiền từ các nhà hảo tâm. Sự thật vỡ lở khi có rất nhiều người thông báo trên facebook đã chuyển khoản ủng hộ, song gia đình bé L.T.M. chỉ nhận được số tiền ít ỏi. Nhóm đối tượng này cũng “trở mặt” cho biết, do gia đình làm sự việc lùm xùm nên BV tư… từ chối phẫu thuật.

“Đây chỉ là một trong hơn chục vụ việc tương tự xảy ra tại BV Nhi Trung Ương trong vài tháng qua. Toàn bộ quá trình gia đình cung cấp thông tin, kêu gọi từ thiện… đều không thông qua BV nên khi xảy ra sự cố, chúng tôi không thể nào can thiệp”, bà Minh Thu nói.

Đại diện BV Đa khoa Xanh-pôn cho biết, hầu hết cá nhân, tập thể làm từ thiện đều mong muốn trực tiếp đến thăm, trao quà cho bệnh nhân. Tuy nhiên, họ chưa lường hết được, cách làm này có thể mang lại những xáo trộn trong BV, ảnh hưởng tới quá trình điều trị, thăm khám; gây nhiễm khuẩn BV, lây lan sang các bệnh nhi…

Theo ông Lê Minh Hiển, bên cạnh việc đặt lòng tốt sai chỗ, các BV còn phản ánh về sự thiếu tế nhị khi một số Mạnh Thường Quân tới phát tiền, phát quà. Việc các nhà hảo tâm trực tiếp cho tiền người bệnh có thể tạo nên hiềm khích giữa các bệnh nhân cùng phòng, vô tình đặt người được trợ giúp vào vòng nguy hiểm. 

Bà Minh Thu cũng chia sẻ, trong nhiều năm nay, BV Nhi Trung Ương luôn khuyến cáo cá nhân, tập thể làm từ thiện thông qua BV để tấm lòng của mình được đặt “đúng người, đúng chỗ”. Bởi, đội ngũ làm công tác xã hội tại các BV nắm được danh sách bệnh nhân thực sự cần được hỗ trợ và họ là người chịu trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền được ủng hộ tới tay người bệnh. 

Hầu hết các BV đều khuyến nghị, các nhà hảo tâm cần liên lạc với đơn vị xã hội của BV để nắm rõ thông tin bệnh nhân trước khi quyết định trợ giúp. Tất cả các hoạt động trao quà, trao tiền cho thân nhân và bệnh nhân nên thực hiện tại phòng công tác xã hội để đảm bảo an toàn cho chính bệnh nhân và tránh gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng tới chất lượng điều trị. 

 Thanh Huyền - Tuấn Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI