PNO - Những ngày này nhiều người dân, công ty, tổ chức cúng cô hồn, rải tiền... điều đáng nói, tục lệ này đang bị biến tướng, với nhiều cảnh giẫm đạp, giành giật hết sức bát nháo.
Chiều 16/8, hàng chục thanh niên bặm trợn chạy xe phân khối lớn mang theo đủ thứ “đạo cụ” giật cô hồn tập trung về một căn nhà trên đường Nguyễn Biểu (Q.5, TP.HCM). Thấy chủ nhà chưa thắp nhang cúng cô hồn (CCH), một thanh niên hét lớn: “Nhanh đi cho tụi tui còn đi chỗ khác làm ăn chứ…”. Quan sát nhóm thanh niên có vẻ “làm căng” nên anh Bình chủ nhà trấn an: “Khoảng 15 phút nữa mới tới giờ, chạy qua chỗ khác đi, 10 phút nữa quay lại là được”. Nghe chủ nhà nói vậy, nhóm thanh niên rồ ga ầm ĩ chạy đi nơi khác…
Theo người dân địa phương, không ngày nào trong năm đường Nguyễn Biểu đông đúc như dịp rằm tháng Bảy. Những ngày này, vào mỗi buổi chiều, hàng trăm thanh niên lại kéo đến chầu chực trước những nhà đang làm cỗ cúng để “canh me”. Trò chuyện với chúng tôi, Tý tiết lộ: “Ở khu này nhà nào cúng tiền nhiều, tiền ít tôi đều nắm trong lòng bàn tay. Hôm nay nhà một ông giám đốc của công ty cơ khí cúng nên người ta mới đến đông chứ mấy nhà khác cũng ít người thôi”.
Tý vừa dứt câu, nhóm thanh niên lúc nãy quay lại, bám theo sau là hàng chục thiếu niên, trong tư thế chuẩn bị để có thể giật đồ được nhiều nhất. Anh Bình chuẩn bị mâm cúng khá lớn, gồm heo quay và đầy ắp hoa quả. Khi anh Bình bê mâm heo quay ra sân để chuẩn bị thắp nhang, đám đông bên ngoài đã nhốn nháo áp sát cửa, sẵn sàng xông vào. Trong lúc chủ nhà đang lúi cúi đốt nhang, một thanh niên từ bên ngoài xông thẳng vào trong sân giật con heo quay rồi nhanh chóng lên xe cùng đồng bọn tẩu thoát. Do hành động của thanh niên này quá nhanh nên nhiều người có mặt ở đó chỉ biết đứng nhìn theo. Anh Bình cho hay: “Năm nào cũng vậy, lơ là một tí là tụi nó xông vào giật ngay mâm cúng khi mình chưa kịp thắp nhang. Như vậy là ăn cướp chứ giật cô hồn gì”.
Nhiều thanh niên bặm trợn chen lấn nhặt tiền chủ nhà ném xuống
Vừa xong ở nhà anh Bình, nhóm người nhanh chóng kéo qua một căn nhà khác cách đó khoảng 100m. Để tránh va chạm với người giật cô hồn, chủ nhà nà y đóng chặt cửa bên dưới, lên tầng hai ném tiền xuống. Những đồng tiền đầu tiên vừa được ném xuống, khung cảnh bên dưới đã trở nên hỗn loạn. Hàng trăm người xông vào chen lấn, giẫm đạp nhau để nhặt tiền, cùng với đó là tiếng chửi thề tức tối của những người bị xô đẩy.
Chiều cùng ngày, khu ngã tư Nguyễn Văn Luông - Hậu Giang (Q.6) đông nghẹt người đi đến một con hẻm gần đó để giật cô hồn. Một người dân cho biết: “Do hôm nay chủ một tiệm thuốc tây lớn cúng, nên mọi người mới “đánh hơi” đến đông như vậy”. Sau khoảng hơn 20 phút chen lấn với hàng chục thanh niên khác, Minh “em” (ngụ Q.6) bước ra lấy xe với bộ quần áo xộc xệch, dính đầy dấu dép do bị giẫm đạp. Khi chúng tôi hỏi thăm, Minh “em” chửi đổng: “Nhà giàu mà CCH bèo quá, vô bị đạp muốn chết mà giật được có mười mấy ngàn, chẳng đủ mua gói thuốc”.
Theo lời Minh “em”, mọi năm vào khoảng ngày 12, 13, 14 tháng Bảy (âm lịch), hầu như các công ty trên địa bàn đều CCH và cúng rất lớn. Năm nay, có thể làm ăn khó khăn nên chỉ thấy lác đác vài công ty cúng trái cây, nhữ ng công ty khác “chưa thấy tăm hơi”. Minh “em” càu nhàu: “Như mấy năm thì giờ này tui cũng kiếm được vài triệu rồi, năm nay “đói”, chỉ giật được ngày vài chục ngàn”.
Tại con hẻm số 36 đường Thoại Ngọc Hầu (Q.Tân Phú), chúng tôi bắt gặp ông Lâm Sùng Chày (56 tuổi) đang cắm cúi thu dọn một đống hỗn độn sau đợt giật đồ CCH vừa diễn ra tại nhà ông. Theo ông Chày, khi ông vừa thắp nhang cúng, hàng chục thanh niên xông vào giành giật. Trong lúc xô xát, nhóm này làm đổ luôn chiếc bàn để đồ cúng, làm hỏng nhiều đồ đạc. Vừa giật xong, nhóm này lên xe phóng đi mất hút.
Đi tù vì... giật heo quay
Mới đây, chị N.N.D. (ngụ Q. Bình Thạnh) phải liên hệ với các luật sư để nhờ tư vấn về trường hợp em trai mình bị bắt vì giật heo quay CCH. Theo lời kể của chị D., ngày 7/8 (mùng 5/7 âm lịch) anh V. - em trai chị cùng một người bạn đi chơi ở Bình Dương. Trong lúc đi dạo, anh V. và bạn thấy nhà dân ở gần đường đặt mâm đồ cúng có bánh kẹo và heo quay. Do nghĩ rằng nhà này đang CCH nên hai người rủ nhau vào giật heo quay về ăn. Anh V. vào nhà giật được con heo thì bị chủ nhà đuổi theo giành lại. Hai người hoảng sợ, bỏ lại con heo quay và xe máy rồi chạy bộ trốn đi. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình V. đã chủ động tìm đến chủ nhà bị cướp heo quay để xin lỗi. Tuy nhiên, chủ nhà nhất quyết không chịu bỏ qua mà yêu cầu cơ quan công an vào cuộc giải quyết. Cơ quan công an đã tạm giữ V. và người bạn vì có hành vi “cướp heo quay”.
Chị D. trình bày: “Tôi thấy sự việc này khó hiểu ở chỗ, em tôi chỉ nghĩ người ta CCH mình giật là điều bình thường, nhưng không ngờ như vậy lại vướng vào quy định của pháp luật. Hiện em tôi đã bị công an tạm giữ bảy ngày, gia đình đang làm đơn bảo lãnh để được tại ngoại. Tuy nhiên, không biết sau này em tôi có phải bị truy tố về tội cướp giật tài sản không”. Theo chị D., V. là người hiền lành, chưa từng có tiền án tiền sự. Chỉ vì nghĩ đồ CCH được phép giật nên mới bị bắt.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên vướng vào vòng lao lý vì giật cô hồn. Trước đó, bốn công nhân ở Long An cũng đã phải hầu tòa vì đi cướp heo quay CCH. Theo đó, biết được nhiều công ty trong KCN Đức Hòa 1 có mua nhiều heo quay để CCH nên Nguyễn Văn Sơn (quê Sóc Trăng), Nguyễn Thành Đạt, Văn Kiệt và Nguyễn Thanh Tài (tự Hào, SN 1988, quê Hậu Giang) rủ nhau mang mã tấu đi giật cô hồn. Tại một công ty trên địa bàn xã Đức Hòa Đông (huyện Đức Hòa), Sơn và Đạt đến giật heo quay, mang đi thì có người giật lại làm con heo quay rơi xuống đất. Sau đó nhóm này mang mã tấu quay lại công ty để “thị uy”, giật con heo quay mang về làm mồi nhậu. Hôm sau nhóm này tiếp tục mang mã tấu và bình xịt hơi cay đi giật đồ cúng thì bị truy đuổi và bắt giữ. Cả bốn thanh niên đều bị phạt tù về tội “cướp tài sản”.
Theo luật sư Trần Minh Hùng, Văn phòng luật sư Gia Đình - Đoàn Luật sư TP.HCM): “Hành vi giật đồ CCH chưa tới mức xử lý về mặt hình sự, nếu có chăng chỉ nên xử phạt về mặt hành chính. Hơn nữa, những vật CCH thường giá trị thấp, chỉ là kẹo, vịt, gà, tiền lẻ... và những người CCH thường họ cũng mong có người giật cho thiêng. Tuy nhiên, việc mang hung khí và tổ chức băng nhóm để thị uy cướp đồ cô hồn, gây mất trật tự, gây nguy hiểm cho xã hội thì tùy tính chất hành vi mà có thể sẽ bị xử lý về mặt hình sự hoặc hành chính”.
Thượng tọa Thích Nhật Từ, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. HCM: Giật cô hồn là hủ tục
Có thể xem cúng cô hồn (CCH) như một nghi thức chẩn tế. Nghi lễ CCH thường được thực hiện trong chùa vào buổi chiều. Người nghèo được tập trung tại chùa, nghe giảng về sự nghèo khó, đau khổ, cách hóa giải đau khổ, sau đó được phát lễ vật (gạo, bánh trái) trong trật tự. Những gia đình giàu có cũng tổ chức chẩn tế bằng nghi thức CCH. Đó là hình thức san sẻ của cải vật chất cho những người kém may mắn hơn mình. Đồng thời, nghi thức CCH còn mang ý nghĩa cầu siêu cho những cô hồn.
Thông qua việc “giao tiếp tâm linh” bằng hình thức CCH, người sống khuây khỏa được nỗi đau sinh ly tử biệt. CCH là mượn hình thức giao tiếp với thế giới bên kia để làm điều tốt lành cho những người còn sống. Đơn cử, việc CCH hướng đến các linh hồn nghĩa sĩ, cũng là hình thức “Tổ quốc ghi công”, giúp những người còn sống ghi ơn những người đã khuất vì bảo vệ Tổ quốc.
Xuất phát từ ý nghĩa tốt đẹp như vậy, nhưng chẳng biết tự lúc nào phát sinh ra tục giật cô hồn. Giật sính lễ CCH là hủ tục, gây tổn thương văn hóa Phật giáo. Đặc biệt, việc đốt tiền lễ, giật và tranh giành lễ vật, gây rơi vãi, hoang phí khiến việc cúng đi ngược tinh thần tốt đẹp của nó. Từ xưa, người ta đã biết xếp hàng tuần tự để lãnh lễ vật, thời nay văn minh hơn, sao lại đi tranh giành, giật dọc?
Theo tôi, việc CCH cần sớm trở về với hình thức tốt đẹp vốn có của nó: một lễ nghi chẩn tế, hướng đến những người khó nghèo và bỏ hẳn hủ tục giật lễ vật sau khi cúng.
Yên Khê (ghi)
Tiến sĩ Đặng Quốc Minh Dương, ĐH Văn Hiến TP. HCM: Ý nghĩa tốt đẹp đang dần biến tướng
Qua thời gian, nhiều tập tục văn hóa dân gian thay đổi, thậm chí, có những nét văn hóa đẹp bị biến tướng, trở nên méo mó, xấu xí. Tục giật lễ vật trong CCH là một minh chứng. Thật lạ và khó chấp nhận vì một hoạt động CCH, giật lễ mà gây ra tắc đường, gây tai nạn. Chúng ta đang dạy con cháu cách tiết kiệm thức ăn, san sẻ cho người nghèo khó thì không thể vì CCH mà để vương vãi thức ăn, bỏ phí nhiều món đồ, đốt tiền lễ và để lễ vật rơi vào tay những người trẻ khỏe, có khả năng “cướp” giỏi theo cách “cướp” cho vui; trong khi người nghèo khó, già yếu muốn nhận những lễ vật đó lại không đến lượt. Một phần ý nghĩa tốt đẹp của một nghi lễ CCH là hành động từ thiện, giúp những người nghèo khó, nhưng rất tiếc đang dần biến tướng.
Ngày 21/11, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã tuyên phạt Mehtar Tani Khadir (quốc tịch Algeria) 1 năm tù về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.
Nhiều loại cây trái chỉ được sử dụng tươi hoặc chế biến thủ công, nhưng khi “qua tay” của các chị, chúng trở thành hàng hóa xuất khẩu đi khắp thế giới.