Bất nhẫn với trò lợi dụng bão, lũ để “câu view”

13/09/2024 - 07:58

PNO - Lợi dụng lúc đồng bào cả nước đang hướng về người dân vùng bão, lũ, nhiều người “tát nước theo mưa”, đăng clip dàn dựng, gán ghép nội dung liên quan để câu view, gây hoang mang dư luận.

Đang yên đang lành, một chiến sĩ phải lên tiếng khẳng định mình... chưa chết như tin đồn trên mạng. Trước đó, một bài đăng cho rằng chiến sĩ này đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ cứu hộ bà con vùng lũ phía Bắc. Nhiều người đã chia sẻ lại nội dung này và bày tỏ sự xót thương, cảm kích đến người chiến sĩ. Khi biết đây là thông tin sai sự thật, rất nhiều người dùng mạng xã hội rất bức xúc, chỉ trích hành động phát tán nội dung thất thiệt.

Ảnh từ 1 clip được dàn dựng liên quan bão, lũ đã được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt và cho rằng đây là hình ảnh thương tâm trong cơn bão vừa qua - Ảnh chụp màn hình
Ảnh từ 1 clip được dàn dựng liên quan bão, lũ đã được cộng đồng mạng chia sẻ chóng mặt và cho rằng đây là hình ảnh thương tâm trong cơn bão vừa qua - Ảnh chụp màn hình

Người dân nhiều tỉnh phía Bắc đang oằn mình khắc phục hậu quả sau bão Yagi. Con số người chết, mất tích khiến ai cũng xót xa. Trên mạng, các clip quay lại cảnh tang thương khi bản làng bị vùi lấp, nước lũ cuốn trôi người dân được chia sẻ rộng rãi. Không ít người đã tận dụng cơ hội này để “câu view” bằng cách lan truyền thông tin sai sự thật.

Clip quay lại cảnh cháu bé người đồng bào khóc nghẹn kèm nội dung: “Xót xa đau lòng quá, nước trôi mất mẹ con rồi không tìm thấy đâu” được lan truyền chóng mặt. Sự hoảng loạn của cháu bé khiến nhiều người chia sẻ lại đoạn clip với sự xót xa. Cậu bé khóc nghẹn ngào là thật, nhưng câu chuyện cậu khóc vì “mẹ bị nước cuốn trôi” là giả. Mới đây, giáo viên của cậu bé cho biết, clip này được một du khách quay đã lâu. Lý do em khóc là bởi thời điểm quay clip, em không được theo mẹ đi làm nương. Cô giáo khẳng định học trò của mình hiện vẫn sống cùng ba mẹ, không phải đã mất đi người thân sau bão, lũ như mạng đồn đại.

Nhiều hình ảnh như người mẹ mang thai nằm chết bên cạnh 2 người con giữa mưa hay clip chú chó cõng em bé vượt nước lũ... được cho là sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI). Những nội dung này được sản xuất nhằm “đu trend” mưa bão, thu hút lượt xem trên mạng. Như bức ảnh người vợ địu con trước ngực, mặt sợ hãi khi chông chênh ngồi giữa chiếc thau để chồng đẩy qua vùng nước ngập được cho là đã tạo ra một cú lừa ngoạn mục. Đây là hình ảnh được cắt ra từ clip do một chủ kênh YouTube dàn dựng nội dung, không có thật. Khi nhận ra nhiều tin tức tạo sự thương cảm, xót xa lại là sản phẩm của chiêu trò “câu view” trên mạng, không ít người cho biết cảm thấy mất niềm tin, bị lừa gạt.

Cậu bé trong clip được cho là khóc dữ dội vì mẹ trôi theo dòng nước lũ nhưng sự thật không phải vậy - Ảnh chụp màn hình
Cậu bé trong clip được cho là khóc dữ dội vì mẹ trôi theo dòng nước lũ nhưng sự thật không phải vậy - Ảnh chụp màn hình

Các nội dung thất thiệt về tình hình bão, lũ đang đẩy sự hỗn loạn thông tin trên không gian mạng lên cao. Nhiều người vì ý muốn tạo sự chú ý nên tung tin sai sự thật về việc Thủy điện Cốc Ly (Lào Cai) bị vỡ, vỡ đê ở huyện Yên Phong (Bắc Ninh)... gây nhiều hoang mang. Một số người tung tin đồn thất thiệt đã bị triệu tập, xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật. Dù vậy, chiêu trò “câu view, câu like” trên mạng vẫn như một “căn bệnh” khó chữa, gây nhức nhối trong cộng đồng.

An Trịnh

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trân Đồng 15-09-2024 11:04:36

    Đang trong lúc ruột gan đau xót vì những gì đồng bào phía Bắc phải gánh chịu đó cơn bão và lũ quét. Lại có những kẻ vô cảm rảnh rỗi đăng những hình ảnh đàn dựng để câu like. Lợi dụng đau thương để nổi chăng? Lấy nước mắt và sự thương cảm của đồng bào câu view là sự nhẫn tâm.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI