Bật ngửa với cách phiên âm 'thuần Việt' trong sách giáo khoa

18/10/2019 - 07:50

PNO - Từ tên riêng của các vĩ nhân thế giới đến địa danh nổi tiếng ở nước ngoài đều được sách phiên âm ra tiếng Việt để dạy học sinh. Đáng nói, những phiên âm này đa phần không theo phiên âm quốc tế, đọc lên thấy ngô nghê.

Từ tên riêng của các vĩ nhân thế giới đến địa danh nổi tiếng ở nước ngoài đều được sách phiên âm ra tiếng Việt để dạy học sinh trong trường phổ thông. Đáng nói, những phiên âm này đa phần không theo thông lệ phiên âm quốc tế, đọc lên chỉ thấy ngô nghê, buồn cười. Khi đem so với bản gốc thì khác một trời một vực mà có khi chính nhân vật đó nghe tên của mình cũng… bật ngửa.

Phiên âm tiếng nước ngoài thời 4.0… lỗi thời

“Tôi dạy kèm cho con một số bài trong sách Tiếng Việt lớp Một tập 2 của bộ sách Công nghệ giáo dục mà giật hết cả mình. Nào là Ác-si-mét trong bài “Ơ-rê-ca”; Mô-da; Ơ-nô-rê Đờ Ban-dắc; A-lếch-xăng Đuy-ma… Thời buổi nào rồi mà còn kiểu phiên âm lạ lùng, lắm lúc đọc lên tôi không biết mình đang nói đến ai, dù đã biết những nhân vật này. Cứ nói cách mạng công nghiệp 4.0 mà đến phiên âm tiếng nước ngoài cũng “một mình một cõi” vậy thì khi tụi nhỏ nói với người nước ngoài không ai nhận ra chúng đang nói đến người nào thì học để làm gì?”, chị Lê Thị Phương (chung cư TaRa, Q.8) bức xúc kể.

Bat ngua voi cach phien am 'thuan Viet' trong sach giao khoa
Sách giáo khoa vẫn còn cách phiên âm lạc hậu

Chị Phương cho rằng, không thể chấp nhận kiểu viết sách “khác người” này, bởi nó hoàn toàn đi ngược với chủ trương của giáo dục và thực tế xã hội. Chị nói: “Hô hào giáo dục hội nhập, đưa đủ thứ chương trình tiếng Anh vào dạy ở trường. Rồi cả xã hội đổ tiền của cho con em học ngoại ngữ, học sinh thì được khuyến khích sử dụng internet để tra cứu tìm tòi các nguồn tài liệu nước ngoài… nhưng trong trường phổ thông lại giữ cách phiên âm lỗi thời này, bất cập và trái khoáy so với xu hướng chung”. 

Tiến Trần, một du học sinh tại Mỹ, chia sẻ câu chuyện cười mà buồn: “Em nhớ lúc học cấp III, trong sách hay viết Xít-tơn (Seattle), Oa-sinh-tơn (Washington); Niu-Oóc (New York), Bờ-ra-xin (Brazil), Ô-xtrây-li-a (Australia)… Em vò đầu bứt trán cũng không tìm thấy nó ở đâu trên bản đồ. Đến lúc sang đây, thỉnh thoảng em hay đố nhóm bạn người bản xứ xem có biết em nói đến nơi nào không. Quả thật, tụi bạn em chẳng hiểu gì”. Theo Tiến Trần, hầu hết tên tiếng nước ngoài trong sách ở trường phổ thông được phiên âm sang tiếng Việt đều sai và khác xa so với từ gốc, hoàn toàn không giúp gì cho người học nhận biết mặt chữ để tra cứu, thậm chí là làm khó người học vì ngay cả nghe âm thôi cũng khó nhận ra từ gốc. 

Trong sách Tiếng Việt lớp Bốn có bài tập đọc ở tuần thứ sáu: Nỗi dằn vặt của An-đrây-ca theo Xu Khôm Lin Xki. Sách lớp Mười thì viết: “Hăng-ri Đuy-năng là nhà nghiên cứu văn học người Thụy Sĩ, năm 31 tuổi, ông được chứng kiến cảnh khoảng 40.000 người vừa chết, vừa bị thương nằm la liệt khắp nơi trong cuộc chiến đấu giữa quân đội Pháp - I-ta-li-a, ở Xôn-phê-ri-ô (I-ta-li-a), ông đã đến những làng gần đó tổ chức những đội cứu thương…”. Với kiểu viết này thì đúng là thách thức người học. Liệu học sinh có thể biết được mình đang đọc tên ai, thành phố nào. Thậm chí, dân bản địa mà nghe học sinh Việt Nam đọc nơi họ ở chắc… té ngửa. 

Không thể liệt kê hết những dẫn chứng cho thấy sự lạ đời, lạc hậu của những bài học trong sách giáo khoa mà mỗi ngày có hàng triệu đứa trẻ trên đất nước này đang học. Hậu quả của cách phiêm âm như vậy góp phần làm hỏng cách phát âm tiếng Anh của học sinh. Đã quen với cách đọc “Niu-Oóc”, sau này gặp lại từ “New York”, các em khó lòng phát âm đúng được nữa.

Từ những bài học trong sách tiếng Việt đến sử, địa… xuất hiện dày đặc tiếng nước ngoài với cách phiên âm trên. Khi bắt gặp những từ này, người học phải loay hoay giải mã ngược chúng. Khi mất thời gian giải mã xong rồi thì mới biết hóa ra là “quen” đã đọc, nghe, nói bao lần. Nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng, phiên âm tên người hay địa danh thành tiếng Việt nhưng cũng không hẳn là tiếng Việt (bởi tiếng Việt không có những từ như xki, xtray…) là một sai lầm. Học để biết nhưng học theo phiên âm trong sách thì người học biết… sai. Học để sống nhưng cách phiên âm này học sinh Việt Nam cũng không thể dùng để giao tiếp với ai. 

Nên theo thông lệ quốc tế

Khi nói về vấn đề này, các nhà biên soạn sách thường lấy lý do, sách giáo khoa là toàn dân, phải viết để học sinh cả nước, ở mọi vùng miền có thể học được. Bởi vẫn còn nhiều địa phương, nhất là vùng sâu vùng xa, miền núi chưa có điều kiện phát triển ngoại ngữ. Tuy nhiên, đây là lập luận thiếu thuyết phục.

Bat ngua voi cach phien am 'thuan Viet' trong sach giao khoa
Nhiều sách giáo khoa vẫn còn kiểu phiên âm lạc hậu, gây khó cho học sinh trong hội nhập quốc tế

Ngành giáo dục đã nỗ lực đưa tiếng Anh vào cấp tiểu học, nhiều nơi đã bắt đầu dạy tiếng Anh cho học sinh lớp Ba. Giả sử vẫn còn nhiều học sinh tiểu học chưa được học tiếng Anh, vậy tại sao không dạy cách đọc đúng cho các em ngay từ đầu, mà lại biến nó thành một phiên bản méo mó so với bản gốc lẫn thông lệ quốc tế?

Thạc sĩ giáo dục Nguyễn Hồ Thụy Anh bày tỏ quan điểm không đồng ý với cách phiên âm hiện nay trong sách giáo khoa. Cô cho biết, nhiều khi cùng một chữ mà người học không nhận ra đó là một bởi quá khác nhau giữa bản phiên âm và bản gốc. Nói là phiên âm ra tiếng Việt cũng không đúng, bởi trong tiếng Việt không có những âm ghép kiểu: ts, tch, xk… 

“Học sinh cần được học đúng ngay từ đầu, nhất là ngôn ngữ, bởi khi đã học sai, lâu ngày sẽ rất khó sửa. Chưa kể, học như vậy rất có hại vì học sinh không thể tích lũy hay mở rộng vốn từ, kiến thức từ những phiên âm đó vì nó không tồn tại trong kho học liệu của bất kỳ nơi đâu. Dĩ nhiên, chẳng người nước nào có thể hiểu nổi những từ đó khi học sinh chúng ta nói, đọc theo phiên âm trong sách. Tôi cho rằng, với tên riêng nước ngoài nên để đúng nguyên bản, hoặc cần thiết phải phiên âm thì nên dùng phiên âm quốc tế”, thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh nhấn mạnh. 

Có câu dạy sai còn hại hơn không dạy. Chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập, ngày càng đưa nhiều ngoại ngữ vào giảng dạy trong trường phổ thông thì không lý do gì vẫn tồn tại những kiểu viết tiếng nước ngoài khác người như thế. 

Trong ngổn ngang trăm sự của ngành giáo dục, chuyện phiên âm tiếng nước ngoài dễ điều chỉnh nhất. Hy vọng từ năm 2021, khi chương trình và sách giáo khoa mới được đưa vào giảng dạy, những thế hệ học sinh sau này không phải học những tên người, địa danh... nước ngoài mà các em không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào, như thể đang ở một hành tinh khác. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI