Bất ngờ từ Liên hoan phim Đức Schlingel

26/06/2019 - 16:16

PNO - Phim chỉ cần được phân loại tuổi khán giả, không phải chịu sự kiểm duyệt về nội dung, diễn viên nhí được chuyên gia tâm lý hỗ trợ trên trường quay…

Liên hoan phim (LHP) Đức Schlingel lần đầu diễn ra tại TP.HCM vừa kết thúc ngày 24/6 không chỉ giúp người xem khám phá những mảng màu phong phú về đời sống thanh thiếu niên các nước mà còn mang đến nhiều thông tin thú vị về chuyện làm phim với diễn viên nhí ở Đức.

Bat ngo tu Lien hoan phim Duc Schlingel
Sáu phim trình chiếu trong Liên hoan phim Đức Schlingel mang đến những bất ngờ thú vị cho khán giả

Trở lại Việt Nam sau 2 năm, LHP Đức dành cho trẻ em và thanh thiếu niên Schlingel lần này không gói gọn ở phạm vi Hà Nội như lần đầu tổ chức mà diễn ra cùng lúc ở Hà Nội (ngày 21 - 30/6), Huế (ngày 25 - 29/6), Đà Nẵng (ngày 26 - 30/6) và TP.HCM (ngày 19 - 24/6).

Phim về đề tài trẻ em, thanh thiếu niên vốn thuộc dạng “hiếm có khó tìm” ở Việt Nam nên sự xuất hiện của sáu tác phẩm dành cho lứa tuổi này (Chuyến phiêu lưu của Jim Cúc Quần, Lukas và đầu máy hơi nước; Siêu đẳng; Cô bạn quỷ tinh quái; Matti và Sami và ba sai lầm lớn nhất vũ trụ; Cô phù thủy nhỏ; Simple) tại TP.HCM đã lôi kéo một lượng người xem không nhỏ.

Các suất chiếu lúc 18g tại Cinestar Hai Bà Trưng, suốt gần một tuần qua, khán phòng gần như không còn chỗ trống. Sáu phim thuộc các thể loại tình cảm gia đình, phiêu lưu, viễn tưởng, chính kịch, hài, cuốn khán giả vào thế giới tưởng tượng phong phú cùng tính cách mạnh mẽ, tinh thần phiêu lưu của những cô cậu nhỏ tuổi.

Trẻ em, thanh thiếu niên vốn là đối tượng vừa dễ vừa khó chinh phục đối với các nhà làm phim, bởi lớp khán giả này không cần một cốt truyện lắt léo, cách kể cao siêu mà chỉ cần nội dung phim chạm sát vấn đề lứa tuổi này quan tâm và diễn biến trong phim phù hợp với tâm sinh lý của mình. Vì vậy, điểm chung của các phim trình chiếu đợt này là những câu chuyện có hơi hướm viễn tưởng, kỳ ảo hoặc cốt truyện thực tế nhưng đậm màu sắc phiêu lưu, tưởng tượng.

Giá trị lớn nhất mà các tác phẩm để lại là những bài học nhân văn được truyền tải qua phim. Xem Simple hay Siêu đẳng, ta sẽ không khỏi ngưỡng mộ trước cách ứng xử văn minh dành cho những người kém may mắn.

Trong phim Simple, chàng trai 22 tuổi bị thiểu năng trí tuệ - Simple xem chú thỏ nhồi bông như một người bạn thực thụ, nên khi món đồ chơi này bị rơi từ trên cao xuống đất, Simple buồn bã vì nghĩ rằng thỏ đã chết. Những người xung quanh Simple, như cậu em trai Ben, cô bạn bác sĩ Aria… đã không hề cười cợt hay chế giễu Simple về điều đó mà còn xắn tay “phẫu thuật” cứu sống thỏ.

Trong Siêu đẳng, nhân vật chính Jo là một bệnh nhi ung thư, luôn mơ ước trở thành siêu anh hùng, như trong những phim em được xem. Thế là, trong những ngày cuối đời của Jo, gia đình em cùng người dân trong làng đã chung tay biến giấc mơ này thành sự thật: thực hiện một bộ phim mà trong đó Jo vào vai siêu anh hùng, giải cứu những đứa trẻ bị bọn xấu bắt cóc. Nhìn cảnh Jo khoác bộ đồ siêu nhân, tả xung hữu đột trong diễn xuất có phần nhiệt tình “quá lố” của dân làng, người xem vừa cười vừa xúc động, bởi chưa bao giờ chứng kiến cách làm phim thô sơ, nghiệp dư, nhưng đầy tình người như vậy.

Không chỉ đề cao chất nhân văn trong mỗi tác phẩm, ngay trong cách làm phim với trẻ em, thanh thiếu niên ở Đức cũng thể hiện sự nhân văn đáng học hỏi. Theo ông Michael Harbauer - người khởi xướng và cũng là giám đốc LHP Schlingel - tại Đức, trên phim trường của những đoàn phim thiếu nhi luôn có chuyên gia tâm lý hỗ trợ diễn viên nhí, nhằm giúp các em không bị chìm đắm vào tâm lý nhân vật, trói chặt cảm xúc vào cảnh quay mà nhanh chóng thoát vai để trở lại với đời thường. Để bảo vệ quyền lợi của các lao động nhỏ tuổi này, luật pháp Đức cũng quy định diễn viên dưới 16 tuổi chỉ được đóng phim từ 2-3 giờ mỗi ngày. Khi đoàn phim quay ở đâu, đều có đại diện chính quyền nơi đó đến giám sát.

Sự quan tâm của người lớn dành cho trẻ em, thanh thiếu niên ở Đức còn được nhìn thấy ở việc chính phủ hoặc các đơn vị luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí cho đoàn phim. Bà Sonja Ewers - nhà sản xuất phim Cô bạn quỷ tinh quái - cho biết, 75% kinh phí phim là từ chính phủ, 25% còn lại do nhà đài hỗ trợ. Được tạo mọi điều kiện và giúp đỡ thiết thực bằng tiền bạc, nhưng các phim dành cho trẻ em, thanh thiếu niên ở Đức không phải chịu bất kỳ sự kiểm duyệt nào về nội dung trước khi ra rạp, trừ việc phải được phân loại độ tuổi khán giả.

Sáu bộ phim trình chiếu trong LHP Schlingel chỉ là một lát cắt của điện ảnh Đức, ở phân khúc phim dành cho trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng có lẽ đủ để khán giả chạnh lòng khi nghĩ về thực trạng vừa thiếu vừa yếu của dòng phim này ở Việt Nam, nhất là ở thời điểm mùa hè đang đến. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI