Bất ngờ những giai điệu vượt thời gian

05/04/2013 - 10:54

PNO - PNO - Tài năng của violinist người Nga Maxim Fedotov đã biến những tác phẩm quen thuộc của Vivaldi, Bach, Saint - Seans, Borodin, Tchaiskovsky... trở nên cuốn hút lạ kỳ.

Bat ngo nhung giai dieu vuot thoi gian

Trong rất nhiều chương trình hòa nhạc thính phòng, hiếm khi chỉ huy trưởng đổi kết cấu tiết mục một khi nó đã được in lên các brochure phát cho khán giả để tiện theo dõi. Việc chỉnh sửa trình tự nhạc mục có thể làm ảnh hưởng đến nội dung chương trình và gây bất tiện cho người nghe mới làm quen với nhạc cổ điển - trừ phi, đó là ý đồ của nhạc trưởng đủ đẳng cấp và sự tinh tế.

Đêm công diễn Những giai điệu vượt thời gian tại Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) tối 4/4, NSND Maxim Fedotov tham gia với tư cách soloist violin, nhưng ông gần như kiêm nhiệm luôn cả vai trò chỉ huy. Đây không phải là trường hợp ít thấy trong giới chơi nhạc cổ điển - như Maxim từng chia sẻ với người viết, bởi cả hai công việc đều là mảnh ghép của nhau trong một khối đam mê, tạo sự cân bằng và giúp ông mở rộng kiến thức cũng như hướng phát triển âm nhạc.

Mở đầu là bản concerto Mùa xuân (Spring), chương đầu tiên trong tổ khúc bốn chương lừng danh Bốn mùa (The four seasons) của Vivaldi. Tiếng đàn violin khi réo rắt, khoáng đạt, lúc dịu dàng, tĩnh lặng của Maxim Fedotov trên nền dàn dây rộn rã của Saigon Ensemble & Friends đã vẽ nên một bức tranh sinh động, ngập tràn màu sắc tươi vui của đất trời vào xuân. Bằng phong thái trình diễn tự nhiên và gần gũi, Maxim đã đưa âm nhạc cổ điển bước qua giới hạn hàn lâm để đến với khán giả đại chúng, giúp người nghe tự vẽ nên bức tranh mùa xuân theo cách cảm nhận của riêng mình.

Bat ngo nhung giai dieu vuot thoi gian
Vợ chồng nghệ sĩ Fedotov và Petrova
 

Sự bất quy tắc xảy ra ngay sau đó khi bản concerto Mùa hạ (Summer) được Maxim cố ý dời lại đến cuối chương trình, khi đã kết hợp ăn ý cùng vợ là nghệ sĩ dương cầm Galina Petrova đưa khán giả du hành qua không gian âm nhạc tuyệt diệu của Piano concerto F - moll 1056 của Bach, Thiên nga (Le cygne), The introduction & Rondo Capricciosso của Saint - Seanse, Polovtsian dances của Borodin, Pas de deux của Tchaikovsky, Mùa hè (Verano porteno), Mùa xuân (Primavera porteno), Obvilion của Piazzolla và bản dân ca Việt Nam Bắc kim thang.

Lẽ ra, Oblivion mới là nhạc mục cuối cùng. Song thay vì để một khúc ca bi thảm về tình yêu và lòng thù hận kết thúc chương trình trong không khí nặng nề, Maxim Fedotov quyết định thay bằng concerto Mùa hạ của Vivaldi, để sự hoan hỉ, nồng hậu của mùa ấm áp nhất trong năm sẽ còn vỗ về trái tim người nghe rất lâu sau khi tiếng nhạc đã ngừng vang, trong thời tiết mát mẻ về đêm của Sài Gòn vào hạ.

Tuy nhiên, nếu nhà tổ chương trình không quá lo xa về tính bất ứng của Nhà hát TP.HCM với lượng khách mời lên tới con số hàng ngàn của họ thì chương trình sẽ còn thành công hơn nữa. Chỉ có một nửa khán phòng Nhà hát Hòa Bình được lấp đầy trong nỗ lực nâng cao đẳng cấp thương hiệu (và cũng có thể là thẩm mỹ âm nhạc) thông qua âm nhạc hàn lâm.

Dù vị trí biểu diễn của các nghệ sĩ được thiết kế riêng hệ thống cách âm (gần tương đương với Nhà hát TP.HCM) nhưng âm thanh không vì vậy mà bớt suy giảm trong một không gian quá loãng như Nhà hát Hòa Bình. Chất lượng và độ trung thực của tiếng đàn vì vậy đã bị hao mòn khá nhiều khi phải tăng âm qua hệ thống micro. Đổi lại, đơn vị tổ chức cũng đã rất nỗ lực trong việc mang âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng: phục trang của các nữ nghệ sĩ đã không còn đơn điệu trong màu đen truyền thống mà trở nên đa dạng, vui tươi hơn với sắc đỏ, xanh, vàng, tím… - bắt mắt mà vẫn không kém phần sang trọng, tạo nên sự giao thoa hài hòa và thân thiện giữa nghệ sĩ hàn lâm với khán giả.

Xem lại một số tiết mục trong đêm nhạc:

Giao hưởng Mùa xuân
Verano porteno
Lecygne
Bắc kim thang
Piano concerto F-moll 1056

Bài, ảnh, clip: HOÀNG YẾN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI