Bất ngờ làm cô dâu “dát vàng”

10/01/2022 - 09:45

PNO - Đám cưới ở Pakistan kéo dài liên tục ba ngày. Ba ngày làm cô dâu, chị Trần Thùy Trang mặc ba bộ váy kèm theo ba bộ trang sức bằng vàng đẹp và nặng trĩu.

 

Từ lời tỏ tình "góp gạo thổi cơm chung" 

Nhìn ánh mắt luôn ngập tràn hạnh phúc cùng cuộc sống viên mãn của chị Trần Thùy Trang (sinh năm 1985, quê gốc ở Lào Cai) hiện tại, ít ai nghĩ rằng người phụ nữ ấy đã từng có quá khứ hôn nhân nhiều nước mắt.

Ở tuổi 21, khi bạn bè cùng trang lứa đang tập trung học hành với nhiều dự định tương lai thì Trang theo chồng “bỏ cuộc chơi”. Tuổi trẻ nông nổi “yêu là cưới” nên Trang không tìm hiểu kỹ người bạn đời. Chỉ sau một thời gian ngắn về chung nhà, Trang phát hiện anh không còn thủy chung như lời hứa. Năm 2008 chị Trang ra tòa nộp đơn ly hôn, chấm dứt mối quan hệ vợ chồng, trở về cuộc sống độc thân. 
Đã 13 năm sau ngày kết thúc cuộc hôn nhân kém may mắn, chị nhớ lại: “Tôi ly hôn khi con trai mới một tuổi, lúc đó bản thân chông chênh, bế tắc và mắc kẹt trong mớ hỗn độn của cảm xúc. Phải mất một thời gian dài tôi mới ổn định lại tâm lý và tự cân bằng để toàn tâm, toàn ý lo cho cuộc sống của hai mẹ con”.

Để có kinh tế trang trải sinh hoạt hằng ngày, chị gửi bé Zin cho ông bà ngoại trông giúp và xin làm nhân viên bán hàng trong siêu thị. Ở chỗ làm, chị có cơ hội gặp gỡ bạn bè, có thu nhập và được làm công việc yêu thích.

Ngày con trai được hơn ba tuổi, với mong muốn có thêm thu nhập và cuộc sống tốt hơn, chị mạnh dạn dắt con sang Nhật Bản, nhận công việc bán gà nướng cho một siêu thị. Cũng chính tại xứ sở hoa anh đào, chị gặp và làm quen anh Tallal Ahmed (sinh năm 1986, quốc tịch Pakistan, kinh doanh ô tô). 

Trò chuyện cùng người đàn ông lạ, chị không hề mặc cảm vì bản thân làm mẹ đơn thân. Chị tự tin chia sẻ thẳng thắn về đời tư của mình khi nhắn tin cùng Tallal. Những tưởng anh sẽ bất ngờ và thay đổi thái độ không còn muốn làm bạn, nhưng lạ thay khi biết được quá khứ, anh lại càng thấu hiểu và thương chị nhiều hơn. 

Cô dâu Thùy Trang cùng chú rể Tallal
Cô dâu Thùy Trang cùng chú rể Tallal

 

Sau một tháng tìm hiểu, Tallal ngỏ ý: “Anh muốn chúng ta “góp gạo thổi cơm chung”. Em thấy thế nào?”. Chỉ một câu nói ngắn gọn nhưng đã giúp chị nhận ra anh thật sự muốn gây dựng mối quan hệ nghiêm túc. Đã qua đổ vỡ, chị thận trọng hơn và cũng nhìn thấu “tim gan” đàn ông hơn. Chị không giàu có, cũng chẳng nhan sắc, chỉ là một lao động nhập cư, có gì mà anh… lợi dụng!

Chị Trang trải lòng: “Lúc đó tôi cảm thấy cần có một gia đình đúng nghĩa nên gật đầu. Mặt khác, tôi đã bị rung động khi gặp anh, một người đàn ông đẹp trai, mũi cao, lông mi cong, mắt sâu. Dù chưa từng kết hôn, nhưng anh rất tâm lý và hiểu về cuộc sống hôn nhân. Đến khi nhìn cách mà anh chăm sóc, quan tâm bé Zin, tôi càng xiêu lòng. Tôi cho mình một cơ hội đón nhận hạnh phúc”. 

Những ngày mới dọn về chung sống, gia đình ba thành viên luôn đầy ắp tiếng cười đùa. Áp lực chỉ thực sự đến khi chị biết sức khỏe sinh sản của bản thân thời điểm đó gặp vấn đề và không thể có thai tự nhiên được nữa. Sau nhiều lần thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại, chị Trang bất lực và lại muốn quay về cuộc sống một mình nuôi con. Nhưng, anh Tallal lại không đầu hàng, anh đã luôn ở cạnh vợ, động viên, tiếp thêm sức mạnh cho Trang, để cả hai cùng tiếp tục đi tìm con. 

Mãi đến năm 2017, sau bốn năm chung sống, bé Miu - thành quả ngọt ngào sau bao cố gắng của hai vợ chồng - xuất hiện, hạnh phúc lại càng trọn vẹn đối với gia đình nhỏ. Chị tâm sự: “Bé Miu đến đã giải tỏa tâm lý mà tôi phải gánh chịu bao nhiêu năm. Tôi là người vui tính, ít khi khóc than, nhưng quả thật thời gian thực hiện IVF tôi đã khóc rất nhiều. Mỗi lần như vậy, ông xã lại an ủi: “Em là vợ anh thì mãi mãi là vợ của anh, dù không sinh con được thì đến chết em vẫn là vợ anh, sẽ không một ai có thể thay thế em trong lòng anh. Nếu mệt mỏi quá thì không IVF nữa, chỉ cần ba chúng ta sống vui vẻ là được”. 

Đến đám cưới "dát vàng" 

Ngày bé Miu tròn một tuổi, Tallal lên kế hoạch đưa vợ và các con về Pakistan ra mắt gia đình bố mẹ anh. Nhớ lại lần đó, chị Trang kể: “Lần đầu tiên về thăm nhà chồng cũng là lần đầu tiên tôi đến Pakistan. Mọi thứ khá lạ lẫm nhưng rất may các thành viên nhà chồng đón tiếp nồng hậu, cho tôi cảm giác thân thiện. Trước đó anh Tallal đã kể về tôi với gia đình anh nên mọi người cũng hiểu. Họ không phân biệt hay coi thường khi biết tôi đã từng một lần đổ vỡ hôn nhân và có con riêng. Ngược lại, mọi người đều quý mến, tôn trọng tôi”.

Theo anh Tallal về Pakistan, chị Trang biết rõ mục đích của chuyến đi là thăm nhà chồng và dự đám cưới của em trai chồng. Đến ngày thứ hai, chị vô tình thấy tấm thiệp cưới đẹp nên mở ra xem và thấy tên mình và chồng trong đó. “Lúc đó tôi bất ngờ lắm, chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Tôi lập tức cầm tấm thiệp đi hỏi em chồng: “Tại sao có tên anh chị trong thiệp cưới?”. Em chồng cười to và hỏi lại: “Chị không biết gì à? Tallal không nói gì với chị sao? Tuần sau sẽ có cả ngàn người đến để nhìn mặt cô dâu của anh Tallal đó”. Tôi tròn mắt chạy đi tìm chồng để hỏi sự thật, nghe xong anh trả lời ngắn gọn: “Đúng rồi”… Cảm giác tôi khi đó như trên trời rơi xuống vậy, đến đám cưới mình mà cũng không biết vì nếu biết tôi đã chuẩn bị làm đẹp như bao người chuẩn bị làm cô dâu khác” - chị Trang hồi tưởng.

Đám cưới ở Pakistan rất khác với Việt Nam, kéo dài liên tục ba ngày. Ngày đầu là tiệc tại nhà, có bắn pháo hoa, múa nhảy ngựa. Ngày thứ hai đi đón dâu và ngày thứ ba là tiệc ra mắt cô dâu tại nhà trai. Ba ngày làm cô dâu, chị Trang phải mặc ba bộ váy màu khác nhau kèm theo ba bộ trang sức bằng vàng khác nhau. 

Cô dâu Thùy Trang cùng chú rể Tallal và các con
Cô dâu Thùy Trang cùng chú rể Tallal và các con

 

“Ở bên Pakistan đám cưới sử dụng rất nhiều vàng, những bộ trang sức rất to, và đeo rất nhiều. Váy của tôi do chồng và mẹ chồng chọn sẵn nhiều kiểu gửi cho xem, tôi thích bộ nào thì mẹ chồng đặt trước, gần đến ngày cưới tôi chỉ việc đi xem có cần chỉnh sửa thêm gì không và lấy về thôi. Sau váy cưới là đến trang sức. Tôi bàn với chồng mua vàng giả để tiết kiệm, đỡ tốn tiền, nhưng chồng và mẹ chồng không đồng ý. Họ nói, số trang sức vàng đó sau không dùng thì để làm kỷ niệm, ngày cưới phải đẹp vì có rất nhiều người đến xem mặt cô dâu, cũng là bộ mặt của gia đình chồng… Đám cưới diễn ra khá bất ngờ nhưng tôi vô cùng mãn nguyện vì ai ai cũng vui vẻ, hài lòng” - chị Trang kể.

Kết thúc chuyến về thăm quê hương, cả nhà chị trở lại Nhật Bản, biết chồng thuê nhà và sắm đồ dùng tốn kém, chị đã chủ động góp với chồng 4.000 USD. Hiện tại, công việc kinh doanh của Tallal khá bận rộn, cả gia đình chỉ có thể tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần hay dịp lễ tết mới có những chuyến đi chơi xa với nhau. 

Bé Miu hơn bốn tuổi, bé Zin đã học cấp II, chị Trang giờ đây cũng đã nhàn nhã hơn. Ngoài việc chăm sóc các con, phụ giúp công việc chồng tại công ty kinh doanh ô tô, chị còn làm những video TikTok, YouTube vui nhộn nói về cuộc sống hằng ngày của gia đình chị ở Nhật Bản như một cách chia sẻ niềm vui với mọi người.

Đã hơn hai năm chưa được về Việt Nam, càng về những ngày cuối năm, nỗi nhớ quê, nhớ bố mẹ càng khiến chị Trang khắc khoải, mong ngóng. Chị thèm ăn nhiều thứ, từ những món ăn vỉa hè đến những góc phố nhỏ hẹp đầy ắp kỷ niệm nơi dải đất hình chữ S xinh đẹp. Đã hai cái tết, chị tìm mua bánh chưng, gà luộc, giò về cả nhà cùng ăn để nhớ đến hương vị tết Việt. 

Một điều ước rất thiêng liêng không chỉ với chị Trang mà có lẽ với hầu hết những người con xa xứ là dịch bệnh sớm chấm dứt để con cháu được hồi hương, quây quần bên cha mẹ, ông bà đón xuân. 

An Bình

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI