Bất ngờ họp báo 'nói lại' về dự luật Phòng chống tác hại rượu bia

11/06/2019 - 08:18

PNO - “Làm sao lobby được gần 500 đại biểu? Nếu doanh nghiệp có mời cũng chỉ được một vài người khảo sát chứ không thể tác động tới tất cả”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đặt vấn đề.

Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc bất ngờ tổ chức họp báo thông tin lại về kết quả biểu quyết lấy ý kiến đại biểu Quốc hội về một số nội dung gây tranh cãi của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia.

Tổng thư ký dẫn lại hai phương án của quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, đã được xin ý kiến đại biểu Quốc hội ngày 3/6.

Đó là "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn vượt mức quy định của pháp luật về an toàn giao thông" hoặc "Cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc khí thở có nồng độ cồn".

Bat ngo hop bao 'noi lai' ve du luat Phong chong tac hai ruou bia
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định không thể lobby được chính sách

Kết quả cho thấy, không có phương án nào được lựa chọn đạt quá nửa số phiếu biểu quyết. Cụ thể, có 48,76% đại biểu đồng ý phương án 1 và 49,59% đại biểu đồng ý phương án 2.

Sau khi công bố thông tin, ông Phúc khẳng định, dư luận trên mạng cho rằng đại biểu Quốc hội không đồng tình với việc biểu quyết tăng nặng hình phạt đối với lái xe uống rượu bia. Đó là cách hiểu sai.

“Tới đây, chúng tôi sẽ đưa vào nghị quyết chung tại kỳ họp lần này  nội dung giao Chính phủ nghiên cứu tăng hình thức xử phạt. Ví dụ, không chỉ tước giấy phép lái xe từ 3 - 6 tháng mà có thể tăng lên từ 5 - 10 năm, thậm chí tước giấy phép vĩnh viễn để tăng tính răn đe” - Tổng thư ký Quốc hội thông tin.

Cũng liên quan tới vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đơn vị thẩm tra dự thảo luật - cho biết, tới đây, đơn vị này cũng tiếp thu ý kiến đại biểu, tăng cường biện pháp ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu bia gây tai nạn giao thông.

“Chúng tôi sẽ đưa lại lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu bia vào dự thảo luật” - ông Lợi nói.

Trước một luồng dư luận cho rằng, có một số đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp sản xuất rượu bia mời đi nước ngoài tham quan và khi về nước, có những phát biểu mang tính chất bảo vệ ngành sản xuất rượu bia, ông Lợi phủ nhận, với tư cách cá nhân.

“Tôi cũng được đặt trong nhóm vận động cho lợi ích các doanh nghiệp nhưng rất tiếc là dự án luật này giao cho một phó chủ nhiệm khác thực hiện chứ không phải tôi. Rất nhiều các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các tổ chức nước ngoài mời tôi chủ trì hội thảo nhưng tôi chưa dự một cuộc nào hết".

Bat ngo hop bao 'noi lai' ve du luat Phong chong tac hai ruou bia
Ông Bùi Sỹ Lợi khẳng định, Bộ Y tế có mời một số đại biểu đi nước ngoài nhưng là để nghiên cứu chính sách, học hỏi kinh nghiệm chứ không phải "lobby" như dư luận phản ánh

Ông Lợi khẳng định, về mặt nguyên tắc, đại biểu Quốc hội không được nhận lời mời của các cơ quan, doanh nghiệp với tính chất “lobby”.

Cũng theo giải thích của ông, Bộ Y tế có mời một số đại biểu đi nhưng với tư cách nghiên cứu chính sách, học hỏi kinh nghiệm.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng phủ nhận thông tin có chuyện “lobby” chính sách khi soạn thảo, lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia: “Làm sao có thể lobby được gần 500 đại biểu? Nếu doanh nghiệp có mời thì chắc cũng chỉ được một vài người khảo sát chứ không thể tác động tới tất cả. Bên cạnh đó, quy trình xây dựng văn bản pháp luật rất chặt chẽ, có muốn lobby cũng không được".

M.Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI