|
Cán bộ, nhân viên khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) làm việc xuyên ngày đêm để kịp tiến độ trả kết quả |
14 ngày không biết ngày - đêm
Ngày 8/8/2020, khi số lượng người Hà Nội trở về từ Đà Nẵng lên đến 100.000 người, Bộ Y tế đã giao cho 4 bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn hỗ trợ Thủ đô trong công tác xét nghiệm, để sớm phát hiện người đang nhiễm virus.
PGS.TS Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương nhớ lại: "Ngay khi được phân công, chúng tôi thẳng thắn thừa nhận năng lực xét nghiệm của Bệnh viện Nhi Trung ương chỉ đạt 500 mẫu một ngày". Tuy nhiên, "cuộc chiến xét nghiệm" đòi hỏi phải có kết quả nhanh nhất có thể, để chặn đứng người bệnh "lang thang" trong cộng đồng. Vì thế mà sau đó, bệnh viện mạnh dạn nhận thực hiện hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm chỉ trong khoảng thời gian 2 tuần, tức công suất tăng lên 150%.
Để “chạy đua” với thời gian xét nghiệm COVID-19, toàn bộ 11 cán bộ nhân viên khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm đã phải trải qua những đêm không ngủ.
Cuộc trò chuyện với phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM vào sáng nay, 24/8, có lẽ là quãng thời gian thư thả nhất trong suốt 2 tuần trở lại đây đối với tiến sĩ Phùng Thị Bích Thủy – Trưởng khoa Nghiên cứu Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương và các đồng nghiệp của mình.
Ngoài việc tiếp nhận mẫu xét nghiệm COVID-19 của Hà Nội, bệnh viện vẫn nhận các mẫu thường quy của bệnh nhi tới khám tại bệnh viện.
“Khoa chỉ có 11 người làm công tác xét nghiệm, tính theo năng lực làm việc thì mỗi ngày chỉ thực hiện được 500 mẫu bệnh phẩm, nhưng những ngày đầu chúng tôi đã nhận 1.000 – 2.000 mẫu/ngày. Chưa bao giờ đơn vị này phải thực hiện khối lượng công việc khổng lồ đến thế!
Chúng tôi không biết đâu là ngày, là đêm. Bình thường mặc quần áo hàng ngày đã rất nóng, nhưng nay chúng tôi còn phải mặc quần áo bảo hộ, đeo khẩu trang 3M nên vô cùng khó chịu. Tôi và đồng nghiệp làm liên tục tới khi nghỉ ăn trưa vào khoảng 1g30, ăn tối vào lúc 7g30 - 8g là chuyện thường xuyên” - tiến sĩ Thủy kể lại.
Để đảm bảo tiến độ thời gian xét nghiệm, ngoài việc sử dụng máy móc, nhân viên y tế của khoa phải thực hiện tách mẫu bằng tay. Tuy nhiên, tốc độ thủ công này không kém gì... máy. “Nếu 1 tiếng rưỡi máy cho ra 88 mẫu thì thao tác bằng tay được 96 mẫu. Do thao tác quá nhiều, phải bật nắp hàng loạt ống tuýp nhỏ nên tay ai cũng đau, phồng rộp. Nhiều người còn chảy máu, bung cả móng tay” - tiến sĩ Thủy nói.
Thạc sĩ Khúc Thị Rềnh Hoa - nhân viên xét nghiệm của khoa, bộc bạch: "Khi nhận được tin nhắn khoa sẽ làm tới 10.000 mẫu bệnh phẩm, tôi ngạc nhiên vì làm sao để kịp tiến độ nhưng thấy tinh thần mọi người quyết tâm, đoàn kết nên tất cả đều hào hứng và hăng say với công việc”.
Những ngày đầu làm việc, theo chị Hoa, tất cả đều rất nhiệt huyết, ai cũng làm tới 12g đêm mà không thấy mệt mỏi. Nhưng vài ngày sau, khi lượng mẫu bệnh phẩm đổ về, tay ai cũng phồng rộp vì bật nắp ống thì bắt đầu xuất hiện những “khoảng lặng”.
“Những lúc làm tới 11, 12g đêm, tất cả đều trùng xuống, không ai nói được câu nào. Rồi phải có một người phá đi không gian ấy bằng câu nói: “Cố nốt hôm nay, ngày mai chúng ta sẽ khỏe lại”. Mà đúng như vậy, sau thời gian chợp mắt ngắn ngủi, hôm sau chúng tôi lại tiếp tục chiến đấu với công việc như bình thường” - chị Hoa nhớ lại khoảng thời gian mà chị sẽ không bao giờ quên trong suốt cuộc đời làm nghề của mình.
|
Khối lượng công việc khổng lồ khiến các nhân viên y tế sưng phồng, chảy máu tay, thậm chí bung cả móng |
Cuộc gọi lúc 12g đêm của con gái nhỏ
Khi phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM nói về những hy sinh, vất vả thầm lặng của các cán bộ y tế làm xét nghiệm, chị Phùng Thị Bích Thủy vẫn khiêm tốn cho rằng, đó là nhiệm vụ, trách nhiệm mà mình và đồng nghiệp được giao phó. Tuy nhiên, dưới góc độ của gia đình, chị không tránh được thiệt thòi.
“Khó khăn, vất vả với chúng tôi rồi sẽ qua, nhưng về phía gia đình cũng có những thiệt thòi khác nhau. Đa phần những nhân viên của khoa còn trẻ, có con nhỏ nên phải để ở nhà. Chúng tôi không gặp con trong suốt nửa tháng, có người còn gửi con về tận tỉnh Hải Dương. Giờ khu vực đó bị cách ly nên thời gian xa con càng lâu hơn” - chị Thủy xúc động.
Với chị Khúc Thị Rềnh Hoa, con gái của chị chuẩn bị vào lớp Một, rất cần sự đồng hành của mẹ để sắm sửa quần áo, giày dép, sách vở... nhưng từ sau Tết Nguyên đán 2020 đến nay, chị liên tục chiến đấu với những ca xét nghiệm nên phải gửi con về quê nhờ ông bà chăm sóc.
“Trước ngày nhận lệnh thực hiện 10.000 mẫu xét nghiệm, tôi xin nghỉ phép nửa buổi chiều để về thăm con và gia đình. Bởi chúng tôi biết, tới đây sẽ không có chút thời gian nghỉ ngơi. Suốt một ngày dài, tôi cũng không có lúc nào gọi điện về hỏi thăm con. Bởi đến lúc mình được nghỉ thì con đã say giấc.
Một hôm, đúng 12g đêm, tôi nhận được điện thoại. Ở đầu dây bên kia, con gái nhỏ khóc nức nở và hỏi vì sao chờ mãi mà không thấy mẹ điện về. Tôi chỉ biết an ủi, động viên con, khi nào hết dịch COVID-19, mẹ sẽ dành món quà lớn - đó là đón con lên để cùng đoàn tụ” - chị Hoa nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe.
Tuy nhiên, những vất vả trong công việc, những nỗi niềm riêng tư không làm “chùn chân, nhụt chí” những chiến sĩ y tế ở "mặt trận" xét nghiệm COVID-19. Tới thời điểm hiện tại, Bệnh viện Nhi Trung ương đã hoàn thành hơn 10.000 mẫu mà TP Hà Nội gửi sang. Điều khiến các nhân viên y tế của đơn vị thực hiện vui mừng nhất là toàn bộ số mẫu này đều âm tính, giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
H.Anh