Bất lực với tình trạng du khách Việt bỏ trốn ở nước ngoài?

26/12/2018 - 15:40

PNO - Vụ việc 152 du khách Việt Nam nhập cảnh vào Đài Loan bỗng dưng “biến mất” hiện vẫn chưa rõ tung tích, không phải là cá biệt. Thực tế, tình trạng du khách bỏ trốn xảy ra khá nhiều nhưng không được kiểm soát chặt chẽ.

Du khách đi Đài Loan, Israel, Hàn Quốc bỏ trốn nhiều nhất

Giám đốc một công ty du lịch lớn tại TP.HCM cho biết, tình trạng du khách bỏ trốn khá phổ biến, hầu như công ty du lịch nào cũng từng gặp phải. Thị trường thường gặp phải tình trạng này là Israel và Hàn Quốc. Du khách thường đi theo tốp 5 - 7 người và bỏ trốn trong hành trình. Đây là một dạng đi lao động “chui”.

Bat luc voi tinh trang du khach Viet bo tron o nuoc ngoai?
Thị trường Hàn Quốc thường gặp phải tình trạng du khách Việt trốn lại

“Đối tượng khách thường bỏ trốn là người từ các tỉnh như Nghệ An, Thanh Hóa,... Các công ty du lịch rất ngại nhận khách đi theo tốp, đoàn từ các tỉnh kể trên vì đã gặp nhiều trường hợp bỏ trốn. Dù chúng tôi kiểm tra kỹ giấy tờ, nhân thân khi làm visa và yêu cầu khách đặt cọc tiền đảm bảo, công ty giữ hộ chiếu, nhưng cũng không ăn thua. Vừa tới sân bay, họ giả vờ đi vệ sinh và bỏ trốn, bỏ lại ba lô trong đó không có gì đáng giá hay giấy tờ gì”, vị này kể.

Thậm chí, có những người là bạn bè, người thân của giám đốc công ty du lịch L. (TP.HCM) đặt thẳng vấn đề “tiền bạc không quan trọng, sẵn sàng chi 300 - 400 triệu đồng, miễn sao đưa sang được Hàn Quốc và trốn ở lại lao động, kiếm được nhiều tiền”. Theo vị giám đốc này, dĩ nhiên ông không đồng ý, nhưng với không ít công ty du lịch tự phát, nhỏ lẻ thì đây là “mồi ngon”. Họ sẵn sàng tiếp tay cho du khách bỏ trốn, lãnh một cục tiền rồi “hô biến” công ty; sau đó mở công ty khác và tiếp tục kiểu làm ăn chụp giật.

“Cơ quan Nhà nước khó nắm “kẻ không tóc” nên dạng không ty này chiếm lượng không nhỏ, “con sâu làm rầu nồi canh” làm ảnh hưởng đến các công ty du lịch làm ăn chân chính. Cơ quan quản lý phải tăng cường giám sát những công ty tự phát, làm ăn chụp giật thì mới mong hạn chế được tình trạng su khách bỏ trốn”, Giám đốc công ty du lịch L. bức xúc.

Đáng nói, nhiều công ty du lịch cho biết họ cũng từng là nạn nhân bị khách lừa. Khách yêu cầu tổ chức tour cho đoàn 20 - 30 khách đi du lịch dưới dạng tổ chức hội nghị khách hàng, nhưng thực chất là đối tượng môi giới gom những người có nhu cầu xuất khẩu lao động “chui” và “mượn tay” công ty du lịch dẫn khách. Thấy khả nghi, các công ty du lịch làm hồ sơ, hợp đồng chặt chẽ hơn như yêu cầu chứng minh nhân thân, gia đình, hôn phối, công việc, thu nhập và trong tài khoản ngân hàng phải có một khoản tiền nhất định,... để tránh tình trạng du khách bỏ trốn. Song thực tế, không ít công ty phải “ngậm quả đắng”.

Các công ty du lịch cho biết cũng chỉ áp dụng biện pháp “phòng ngừa”, lọc kỹ hơn thông tin đầu vào của khách khi xin visa (nhân thân, bảo lãnh, tài chính,...), chứ không có biện pháp nào khác để ngăn chặn được tình trạng du khách bỏ trốn.

Bat luc voi tinh trang du khach Viet bo tron o nuoc ngoai?
Tình trạng du khách bỏ trốn khá phổ biến, song các công ty du lịch cho biết "bó tay", không có giải pháp nào khác ngoài lọc kỹ thông tin khi xin visa.

Siết chặt thủ tục cấp visa cho khách đoàn

Theo các công ty du lịch, khi xảy ra tình trạng du khách bỏ trốn, họ không bị chế tài gì nhưng uy tín bị ảnh hưởng. Các nước sẽ siết chặt việc cấp visa cho khách, đặc biệt là khách đoàn.

“Thiệt hại của phần lớn các công ty là khó khăn khi tổ chức khách đoàn đi nước ngoài. Nhiều nước hạn chế lượng du khách sang nước họ, thậm chí yêu cầu phải có người bảo lãnh và lọc thông tin du khách rất kỹ”, Giám đốc công ty du lịch L. cho biết.

Vì vậy, theo các công ty du lịch, Nhà nước cần tổ chức hội thảo lấy ý kiến, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý và các công ty du lịch, đưa ra giải pháp để kiểm soát, quản lý chặt chẽ hơn, tránh tình trạng du khách bỏ trốn làm ảnh hưởng đến cả ngành du lịch Việt Nam.

Liên quan đến 152 du khách nhập cảnh vào Đài Loan “biến mất”, ngày 26/12, các công ty du lịch có cuộc họp khẩn bàn các phương án giải quyết cho tour tuyến thị trường Đài Loan thời gian tới, vì vụ việc trên gây ảnh hưởng nhiều đến thị trường du lịch mùa cuối năm.

Bà Trương Thị Thu Giang - Phó Giám đốc Ban Tiếp thị, Công ty du lịch Vietravel cho biết, theo đối tác của công ty này tại Đài Loan, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ngưng cấp visa cho người Việt Nam. Tuy nhiên, Cục Du lịch Đài Loan khuyến cáo dù khách đã có visa Mỹ, Canada; các nước khối Schengen, Anh, Úc, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc còn hạn hoặc hết hạn trong vòng 10 năm và xin E-Visa nhưng trên hộ chiếu không thể hiện rõ ngày sinh, tháng sinh, thì vẫn không được nhập cảnh Đài Loan. Vì vậy, những khách rơi vào trường hợp trên sẽ phải tiến hành xin visa theo kiểu cũ, bằng cách nộp hồ sơ trực tiếp tại Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM theo quy định.

Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc ngưng cấp visa cho người Việt Nam. Vì vậy, các công ty du lịch vẫn đang phối hợp chặt chẽ với đối tác tại Đài Loan, đồng thời liên tục cập nhật thông báo từ Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc để kịp thời thông tin đến khách hàng. 

“Hiện tại, Đài Loan là một trong những thị trường Đông Bắc Á được khách Việt Nam yêu thích và đến tham quan khá nhiều, do đó chúng tôi cho rằng Cục Du lịch và các bộ ban ngành Đài Loan sẽ có cân nhắc kỹ quy định về việc cấp visa cho công dân Việt Nam trong thời gian tới”, bà Giang nói.

Theo các công ty, nhiều khách đã mua tour đi Đài Loan trong dịp tết Nguyên đán sắp tới hoang mang, lo ngại lịch trình bị ảnh hưởng. Các công ty khẳng định sau khi có thông báo từ cơ quan chức năng và họp bàn chính thức, sẽ thông tin đến khách hàng rõ và quyền lợi khách hàng vẫn được đảm bảo.

Được biết, hiện Tổng cục Du lịch Việt Nam đang phối hợp với Cục Du lịch Đài Loan và cơ quan công an cập nhật tình hình về việc truy tìm các du khách Việt và làm rõ trách nhiệm các bên liên quan. Sở Du lịch TP.HCM cũng đang phối hợp với Vụ Lữ hành, Tổng cục Du lịch làm rõ nội dung, chi tiết.

“Chúng tôi đã làm việc với Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam để tìm hiểu liệu Đài Loan có quyết định ngừng cấp thị thực du lịch cho các đoàn du khách từ Việt Nam hay không. Đài Loan sẽ siết chặt hơn thủ tục cấp visa cho khách đoàn chứ không ngừng cấp, vì làm như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành du lịch của cả hai nước. Đài Loan là một trong những tuyến tour quan trọng của thị trường tết Nguyên đán năm nay. Theo thông tin ban đầu, các công ty du lịch Việt Nam nằm trong chương trình chính sách Quan Hồng của Đài Loan vẫn tiếp tục được cấp visa đi Đài Loan bình thường cho những tour khởi hành sắp tới”, trưởng phòng truyền thông một công ty du lịch tại TP.HCM cho biết.

Đài Loan triển khai chương trình Quan Hồng ưu đãi xin thực thị vào Đài Loan nhằm tăng cường thiết lập quan hệ gần gũi hơn cũng như thu hút thêm nhiều khách du lịch. Tại Việt Nam có 84 công ty du lịch, đại lý được chỉ định chương trình Quan Hồng.

Chương trình này cho phép các nhóm du khách có từ 5 người trở lên có thể xin thị thực điện tử thông qua các công ty du lịch được Đài Bắc chỉ định và nhập cảnh vào Đài Loan mà không cần phải chứng minh tài chính.

Theo các công ty du lịch, trước đây khách muốn đi du lịch Đài Loan rất khó, nhưng sau các chính sách nới lỏng cấp thị thực du lịch của Đài Loan gần đây, lượng du khách sang nước này tăng mạnh. Bên cạnh đó là do chi phí tour khá rẻ, tour Đài Loan 4 ngày chỉ khoảng 10 triệu đồng/người.

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI