Bất lực với "thi chui"

12/07/2016 - 12:43

PNO - Hành vi thi chui đã được đề cập để điều chỉnh xử lý trong nghị định (sửa đổi) về quản lý biểu diễn, nhưng vẫn cứ là một vấn nạn.

Vừa xử lý xong trường hợp “thi chui” của người mẫu Huỳnh Tiên tại cuộc thi Miss Asia 2016 ở Australia, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL) lại tức tốc gửi văn bản đề nghị xử lý hai người nữa với hành vi tương tự. Hai người này là Vũ Thúy Nga - thi chui Hoa hậu Doanh nhân thành đạt người Việt thế giới tại Mỹ, và Thái Nhã Vân - thi chui Hoa hậu Việt Nam toàn cầu cũng ở Mỹ. Bà Vũ Thúy Nga không chỉ thi chui mà còn vi phạm thêm một quy định là sử dụng danh hiệu do thi chui mà có, khi tổ chức hẳn một sự kiện để công bố và chúc mừng việc đạt danh hiệu của chính mình.

Bat luc voi
Doanh nhân Vũ Thúy Nga thi chui Hoa hậu Doanh nhân thành đạt người Việt thế giới tại Mỹ - Ảnh: Dân trí

Hành vi thi chui đã được đề cập để điều chỉnh xử lý trong nghị định (sửa đổi) về quản lý biểu diễn, nhưng vẫn cứ là một vấn nạn.

Khi Nghị định 15/2016/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012/NĐ-CP về biểu diễn nghệ thuật) đưa hẳn điều khoản cấm hành vi thi chui, đã có hy vọng tình trạng này sẽ bị hạn chế. Nhưng, trên thực tế, giữa ban hành quy định và chấp hành quy định vẫn là một khoảng cách mà các cơ quan quản lý chưa kiểm soát nổi. Dù biện pháp chế tài hành vi thi chui đã có từ lâu, với khung phạt từ 15 - 30 triệu đồng (theo Nghị định 158/2013/NĐ-CP), nhưng nó gần như vô nghĩa trước tiếng tăm mang đến cho các cá nhân dự những cuộc thi kiểu này. Họ bất chấp sai phạm, chính là vì cái danh mình có được, dù không được chính thức công nhận, nhưng trong giới, họ vẫn mặc nhiên được bầu sô chấp nhận thương hiệu. Ngoài ra còn có sự “cân đo” về chuyện tiền bạc. Như trường hợp Huỳnh Tiên, cô nhận phần thưởng 10.000 USD tiền mặt tại Miss Asia 2016 - cao hơn rất nhiều so với số tiền 22,5 triệu đồng mà cô phải nộp phạt ở Sở VH-TT TP.HCM.

Bộ VH-TT-DL nghiêm cấm “Không công bố, sử dụng danh hiệu đạt được tại các cuộc thi người đẹp, người mẫu do tham dự trái phép mà có”, nhằm “cắt đường” việc lợi dụng danh hiệu để kiếm lợi. Nhưng, lệnh cấm ở thời điểm này hoàn toàn vô nghĩa, bởi biện pháp chế tài cho hành vi này chưa có, cho đến khi Nghị định 158/2013/NĐ-CP được chỉnh sửa, dự kiến trong thời gian tới.

Trong công văn gửi đến các sở VH-TT, Cục Nghệ thuật - Biểu diễn nêu rõ “Thời gian qua, một số cá nhân cố tình mượn danh nghĩa đại diện Việt Nam tham dự các cuộc thi hoa hậu tại nước ngoài không đúng quy định của pháp luật, nhằm tìm kiếm danh hiệu phục vụ cho mục đích của cá nhân. Hành vi vi phạm này tạo phản ứng gay gắt trong truyền thông và tạo nên tình trạng “loạn danh hiệu” đã từng xảy ra thời gian trước đây”. Động cơ, hành vi của các người đẹp đã được cơ quan quản lý đánh giá chính xác, nhưng xử lý rốt ráo thì chưa. Việc xử lý, chế tài vẫn cứ phải “theo đuôi” sai phạm với khoảng cách không nhỏ. Tình trạng thi chui vì thế vẫn cứ tiếp diễn.

Bên cạnh việc thi chui, tình trạng loạn các cuộc thi nhan sắc cũng đang rộ lên. Chỉ mới hơn nửa năm 2016, đã có hàng chục cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ diễn ra: Hoa hậu biển 2016, Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu bản sắc Việt toàn cầu 2016, Hoa khôi áo dài 2016, Người đẹp Hạ Long 2016, Người đẹp lễ hội làng Sen, Sắc đẹp tiềm ẩn 2016, Duyên dáng doanh nhân Việt 2016, Người đẹp phố biển Cửa Lò 2016. Trong đó, cuộc thi Duyên dáng doanh nhân Việt 2016 bị cơ quan chức năng xử phạt với rất nhiều sai phạm như trao đến hơn 30 giải phụ mà không xin phép cơ quan quản lý, tuyển sinh trên cả nước trong khi chỉ xin phép tuyển sinh trong phạm vi TP.HCM… Bộ VH-TT-DL cũng đã vừa cấp phép thêm một cuộc thi quốc tế nữa là Hoa khôi thể thao bãi biển châu Á 2016 (sẽ diễn ra tại Đà Nẵng). Riêng cuộc thi Người đẹp miền Hậu Giang vừa bị UBND tỉnh Hậu Giang rút giấy phép do sai phạm trong khâu tổ chức.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI