Nhà máy xử lý rác Thủy Phương, thuộc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa (viết tắt Công ty Tâm Sinh Nghĩa) đặt tại P.Thủy Phương (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế).
Tại đây, hiện đang tồn ứ hơn 5.000 tấn rác thải, gây ô nhiễm trầm trọng cho người dân sinh sống xung quanh và cả trung tâm thị xã Hương Thủy. Ấy vậy mà gần ba năm nay, việc xử lý số rác tồn ứ trên vẫn nhùng nhằng.
Ô nhiễm kéo dài
Nằm lọt thỏm giữa rừng tràm tại P.Thủy Phương, từ xa đã thấy rác thải trong khuôn viên Nhà máy xử lý rác Thủy Phương chất cao hơn cả rừng tràm. Lại gần, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Rác ngổn ngang, phơi mưa phơi nắng trong bức tường thành đóng chặt. Cách đó vài trăm mét, tại bãi chôn lấp do Công ty cổ phần Môi trường và công trình đô thị Huế quản lý, rác cũng chất cao như núi. Giữa trưa, xe chở rác tấp nập kéo nhau về bãi làm cho không khí thêm nặng mùi.
|
Những núi rác khổng lồ ùn ứ từ nhiều năm nay đang gây ô nhiễm môi trường cho người dân Huế |
Bà Lê Thị H. (76 tuổi, P.Thủy Phương) cho biết, nhiều năm nay gia đình bà và các hộ dân phải sống trong tình trạng ô nhiễm tại nhà máy xử lý rác và bãi chôn rác Thủy Phương. “Chỉ cần có trận gió là có mùi hôi. Ngao ngán! Khu vực khe ngang trước đây nước trong lành lắm, nhưng bây giờ nước thải từ rác chảy ra làm khe đen thui, bốc mùi hôi thối”, bà H. bức xúc.
Theo dõi nhiều ngày qua, chúng tôi tận mắt chứng kiến núi rác tại Nhà máy xử lý rác Thủy Phương ngày càng khổng lồ. Tại nhiều vị trí của tường bao, nước rác rỉ ra đen ngòm. Thông tin từ chính quyền địa phương cho biết, từ tháng 8/2018, sau khi Nhà máy xử lý rác Thủy Phương được tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu dừng tiếp nhận rác để giải quyết lượng rác còn tồn ứ, Công ty Tâm Sinh Nghĩa cũng cho dừng vận hành hai lò đốt rác. Theo ước tính của ông Trương Văn Công - Chủ tịch UBND P.Thủy Phương, vào thời điểm hiện tại nhà máy còn tồn đọng hơn 5.000 tấn rác thải chưa xử lý.
Ông Công cho biết thêm, tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải là chủ đề “nóng” mỗi lần đại biểu HĐND về tiếp xúc cử tri tại P.Thủy Phương. Buổi chiều, nếu đi qua đường khác cũng ngửi thấy mùi hôi của rác rất khó chịu. Mùi hôi ảnh hưởng đến cả trung tâm thị xã Hương Thủy.
Chây ỳ không xử lý!?
Được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3/2005, Nhà máy xử lý rác Thủy Phương ban đầu thuộc Công ty cổ phần kỹ nghệ ASC được quảng bá là một trong những mô hình tiên phong về công nghệ xử lý rác, biến rác thành những sản phẩm hữu ích, có lợi cho môi trường như nhựa tái chế, phân bón vi sinh...
|
Nhà máy xử lý rác Thủy Phương đã ngừng hoạt động hơn hai năm nay |
Đến năm 2006, Công ty cổ phần kỹ nghệ ASC đã chuyển giao toàn bộ nhà máy, công nghệ cho Công ty Tâm Sinh Nghĩa. Lúc này dự án đã được mở rộng từ 1,7ha lên 4,2ha, công suất xử lý từ 80 tấn/ngày lên 200 tấn/ngày, nhằm giải quyết rác thải của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Theo quy trình, rác thải sinh hoạt trên địa bàn do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế thu gom sẽ vận chuyển về đây. Sau khi phun hóa chất diệt ruồi, muỗi và khử mùi, rác sẽ được phân loại, ủ thành phân và đốt. Phần còn lại, chủ yếu là rác trơ, được đổ vào bãi chôn lấp Thủy Phương nằm cạnh đó do Công ty cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Huế quản lý. Tuy nhiên, những năm gần đây, do số lượng rác quá lớn đã gây nên tình trạng quá tải cho nhà máy và ô nhiễm môi trường. Công ty Tâm Sinh Nghĩa, không rõ vì sao, cũng không còn vận hành các lò đốt rác từ hơn hai năm qua.
Tháng 8/2018, sau chuyến kiểm tra bãi rác Thủy Phương, ông Nguyễn Văn Phương - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã yêu cầu Công ty Tâm Sinh Nghĩa tạm ngừng tiếp nhận rác, đồng thời xử lý dứt điểm số rác tồn đọng trong thời gian sớm nhất; có biện pháp che chắn nhà xưởng, các điểm tập kết rác tạm thời để hạn chế phát tán mùi hôi, đảm bảo môi trường cho người dân sinh sống xung quanh. Thế nhưng hơn hai năm qua, mọi thứ vẫn như cũ, trong khi đơn kiến nghị của dân gửi đại biểu HĐND phường, thị xã rồi tỉnh ngày càng dày. “Hơn hai năm qua, đã rất nhiều lần chúng tôi mời lãnh đạo nhà máy về làm việc để giải quyết những đơn thư kiến nghị của bà con trong phường, nhưng lãnh đạo nhà máy phớt lờ, không có mặt. Chúng tôi mong muốn có giải pháp dứt điểm, cần có biện pháp che chắn, xử lý nước rỉ từ rác thải tồn tại lâu ngày để dân bớt khổ” - Chủ tịch UBND P.Thủy Phương bức xúc.
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM, ông Nguyễn Đắc Tập - Phó chủ tịch UBND thị xã Hương Thủy - nói: “Năm nào dân cũng làm đơn kiến nghị vì ô nhiễm. Tôi đã nghe anh em địa phương báo cáo rất nhiều lần gửi đơn mời đại diện nhà máy làm việc, nhưng doanh nghiệp lại chây ỳ, không hợp tác. Thị xã Hương Thủy sớm đóng cửa nhà máy này, không tiếp nhận thêm rác thải tại bãi rác Thủy Phương. Quan điểm của chúng tôi là tỉnh sớm mời doanh nghiệp về làm việc, xử lý dứt điểm rác thải đang tồn đọng!”.
“Để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt trên địa bàn TP.Huế và vùng phụ cận", một dự án xử lý rác thải khác ở xã Phú Sơn (thị xã Hương Thủy) đã được UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phê duyệt từ ngày 18/1/2016 với tổng mức đầu tư 46,781 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau hơn bốn năm thi công, dự án này vẫn chưa đi vào hoạt động.
Thuận Hóa