Bất lực với đứa con muốn làm gì là làm

01/04/2018 - 15:28

PNO - Vừa rồi, tôi đã phải khóc vì thấy mình bất lực với con gái. Cháu mới 11 tuổi nhưng rất khó dạy, liên tục cãi lời ông bà, cha mẹ.

Muốn làm gì là cháu làm theo ý mình, hầu như không ai nói được. Phải chăng tôi đã sai trong phương pháp giáo dục con mình?

Bat luc voi dua con muon lam gi la lam
Ảnh minh họa

Mới đây, trường cháu kiểm tra giữa học kỳ. Cháu bình thản nói với cả nhà là làm bài được. Khi có kết quả, cháu tự động giấu bảng điểm, lén cha mẹ giả chữ ký gửi lại thầy. Phần tôi, do bận rộn quá nên cũng không để ý.

Đến lúc cô chủ nhiệm gọi mời cha mẹ lên gặp, tôi mới ngỡ ngàng. Chuyện cháu bị điểm kém là một phần, nhưng cái chính là cháu không tự giác nhận mình học kém, không hiểu bài để cả nhà biết mà tìm cách hỗ trợ cháu. Càng ngày cháu càng trơ lỳ, ai nói gì cũng ngồi im. Tôi phải làm sao?

Lan Minh (TP.HCM)

Chị Lan Minh mến, 

Con trẻ biểu hiện hành vi chống đối, cãi lời người lớn, khó dạy… phần nhiều do cách giáo dục thời thơ ấu của cha mẹ, phần khác ảnh hưởng từ môi trường giáo dục trong nhà trường, bạn bè, thầy cô và các yếu tố xã hội khác như internet, sách, truyền hình, mạng xã hội… Một phần cũng là biểu hiện của tâm lý lứa tuổi dậy thì.

Trẻ dậy thì có những lúc nổi loạn, phản ứng thái quá với người lớn, phá vỡ những nguyên tắc gia đình. Mong chị và gia đình hiểu các nguyên nhân trên để không tự trách mình hay đổ lỗi, mà cần kiên nhẫn và bao dung hơn với cháu. 

Bat luc voi dua con muon lam gi la lam
Ảnh minh họa

Muốn dạy con cần hiểu tâm lý của trẻ, quan trọng nhất là biết con cần gì ở mình. Đôi khi những lời dạy của cha mẹ, ông bà mang tính áp đặt một chiều, la mắng quát nạt sẽ rất khó khiến trẻ tâm phục khẩu phục. Trẻ càng lớn càng cần người lớn tôn trọng. Có tôn trọng trẻ mới dạy được trẻ. Con cần được nói lên suy nghĩ, mong đợi của mình với người lớn.

Trẻ muốn người lớn chấp nhận, lắng nghe mình. Cha mẹ đặt câu hỏi gợi mở cho trẻ suy nghĩ, cho con được quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm cho hành vi của mình trong phạm vi cho phép. Cha mẹ sẽ là người bạn đồng hành, nhà tham vấn cung cấp thông tin cho trẻ, khích lệ con đi đúng đường. 

Chuyện con giấu điểm kém, giả chữ ký của cha mẹ có thể là một trong những biểu hiện cho thấy cháu đang chịu áp lực từ người lớn. Cháu sợ bị chê bai hay la mắng không? Cháu có từng bị cha mẹ phản ứng tiêu cực khi bị điểm xấu không? Nếu trẻ thấy an toàn trong mối quan hệ với cha mẹ, có thể con sẽ không cần giấu. 

Chị cũng tự thấy mình ít thời gian cho con vì bận công việc. Có thể cháu không nhìn thấy có sự trợ giúp nào từ cha mẹ vì anh chị quá bận, nên đã tự giải quyết rắc rối một mình, không muốn làm phiền người lớn. Không có lúc nào gần cha mẹ để hỏi, việc học ở lớp có khó khăn gì cũng không có cơ hội và thói quen tâm sự với người thân. Cho đến một ngày kết quả thi kém và cháu phải giấu. 

Có lẽ từ chuyện này anh chị nên nói chuyện với con để giúp cháu thay đổi cách học, không nên trách phạt trẻ về những gì đã qua. Quan trọng hơn, chính cha mẹ cần cân bằng lại thời gian cho công việc và dành cho con, để thực sự có thể đồng hành cùng cháu hằng ngày, kiểm tra bài vở, động viên khích lệ con, thường xuyên hỏi thăm trẻ có khó khăn gì để giúp, trao đổi với giáo viên về tình hình của cháu ở trường. Khi cha mẹ, thầy cô quan tâm, trẻ sẽ tâm tình và chúng ta có cơ hội giúp trẻ. 

Chuyên viên tham vấn tâm lý 
Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI