“Bật” lại chồng

13/11/2023 - 12:10

PNO - Chồng tôi luôn có những câu "vợ mà như thế à", “vợ kiểu gì thế". Sau này chúng tôi có con, câu cửa miệng của anh là "mẹ mà thế à?”.

Nhiều người lý giải, chồng gia trưởng là do truyền thống gia đình, ví dụ cha ở thế thượng phong luôn "đàn áp" mẹ hoặc do văn hóa vùng miền. Nhưng với trường hợp chồng tôi thì không phải, cha anh rất tôn trọng vợ. Anh em họ hàng đều thấy ông khen vợ trong mọi lĩnh vực.

Mẹ chồng tôi nấu ăn rất ngon, tổ chức cuộc sống gia đình khoa học. Đó là lý do ông bà bận rộn nhưng đàn con vẫn độc lập, tự giác và học hành rất tốt. Hiện cả 4 con của ông bà đều là tiến sĩ hoặc thạc sĩ.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Tôi lớn lên ở nông thôn, về làm dâu gia đình trí thức, dù tự tin mình học hành, việc làm không kém chồng, nhưng cũng có phần hồi hộp. Tuy vậy, bước vào hôn nhân bằng sự hồn nhiên, tôi tin rằng mình đủ tri thức cần có của phụ nữ hiện đại, cứ cư xử tốt thì sớm muộn sẽ nhận trái ngọt. Vậy nhưng thực tế chứng minh: có những lý thuyết áp dụng vào được 99 trường hợp và hiệu quả, nhưng nếu bạn là trường hợp thứ 100 xui xẻo thì cũng đổ bể như thường.

Tôi càng cố gắng bao nhiêu thì chồng càng đòi hỏi nhiều hơn bấy nhiêu. Trong mối tương quan vợ chồng, ban đầu chúng tôi khá bình đẳng, sau này, tôi càng lùi thì anh càng tiến. Có những lúc tôi phát điên vì cảm giác bị dồn sát chân tường, buộc phải đưa ra phương án ly hôn.

Chồng tôi khi yêu kiên nhẫn và dịu dàng bao nhiêu thì khi sống chung càng nóng nảy, bất nhẫn bấy nhiêu. Những ưu điểm của anh mau chóng biến mất, anh sẵn sàng "sửng cồ" với bất cứ thứ gì không đúng ý, anh la lối hoạnh họe bất cứ sơ sót nào của tôi trong bếp núc, chợ búa, con cái. Tôi hay để quên chìa khóa (một điểm trừ trong tính cách của tôi) là đề tài anh "nhai" mãi không chán. Việc tôi nấu ăn chậm và không dọn dẹp sạch sẽ thành bài đạo đức anh giảng nhiều ngày...

Hồi mới về sống chung, khi thấy anh làm quá, tôi phản ứng bằng những cơn giận. Nhưng vốn là người sợ những cơn giận, sợ không khí tiêu cực bao trùm gia đình nên tôi làm lành trước, bắt chuyện trước. Các bạn tôi thắc mắc vì sao tôi ra ngoài sắc sảo, có thể "đấu với cả thế giới" mà về nhà nhún nhường đến khó tin. Nhưng tôi sợ làm người khác buồn phiền, thất vọng; sợ không khí gia đình nặng nề. Nếu tôi giận ai hay biết ai đang giận, tôi thường bất an, lo lắng, khó có thể làm việc gì ra hồn.

Tôi tình nguyện làm phe yếu để nhà cửa êm ấm. Thế nhưng sau chừng 10 năm hôn nhân, tôi bỗng nhận ra mình đang làm suy yếu chính mình. Biết rõ đặc điểm “chịu căng thẳng kém” của tôi, chồng tận dụng không ngừng. Tiền trong túi không bao nhiêu mà anh muốn cả nhà đi ăn ở tiệm sang trọng, du lịch tốn kém. Anh muốn mua sắm hàng hiệu cho con, anh muốn mua xe hơi, anh đòi đổi từ nhà chung cư xuống nhà phố... Anh làm chủ mối quan hệ vợ chồng. Tất cả mong muốn của anh, tôi chẳng cách nào phản bác.

Trong một số trường hợp không thực hiện được mong muốn, như việc chúng tôi vẫn chưa thể có căn nhà phố, anh quy kết do tôi yếu kém. Đến việc đưa đón con cái, cơm nước cũng không sắp xếp được, nên anh không yên tâm đi công tác xa, mất những cơ hội làm việc tốt, cản trở anh nhiều điều...

Nỗi ấm ức, tổn thương tích tụ ngày một lớn, đến mức một ngày tôi hét vào mặt anh: "Tôi là vậy đó, bớt đòi hỏi! Tôi cũng đã nói với các con là mẹ là một bà mẹ bình thường với đầy lỗi lầm, sai sót. Anh cứ việc bêu xấu tôi, chê tôi. Không sao!".

Sau khi "bật" được chồng, nhìn anh ta tím mặt mím môi, tôi bỗng thấy sự thoải mái rõ rệt. Tôi sắp vào trung niên, tôi không thể và không bao giờ có thể biến thành người nấu ăn ngon cho dù có xem bao nhiêu clip dạy nấu ăn hay chương trình Master Chef đi nữa. Tôi cũng không thể dọn dẹp bộ não bẩm sinh kém cỏi việc bếp núc mình.

Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz
Ảnh mang tính minh họa - Tirachardz

Khi chúng tôi dùng dằng bên bờ vực của sự chia ly, tôi vô tình xem một bộ phim Mỹ không đầu không cuối trên Netflix, rồi lý giải được vấn đề của mình, từ đó tôi nhẹ nhõm hẳn. Chồng tôi từ nhỏ lớn lên với hình mẫu giỏi giang mạnh mẽ, chu toàn của mẹ anh nên mặc định tôi cũng phải như thế. Anh luôn muốn các con của anh có người mẹ tốt, anh có người vợ tốt. Từ đó anh vô thức tấn công điểm thiếu hụt của tôi như nấu ăn chậm, sắp xếp nhà cửa không gọn ghẽ, hay quên đồ đạc...

Rõ ràng tôi không thể thành người giỏi giang được cả sếp lẫn chồng trọng vọng, yêu quý như mẹ anh. Mỗi phụ nữ sẽ có những điểm hay dở khác nhau. Tôi chỉ có thể nỗ lực khắc phục khuyết điểm trong khả năng của mình chứ không thể kiểm soát hết rủi ro hay lỗi lầm.

Khi tôi “bật lại” chồng, vị thế của tôi cũng khác hẳn. Sự đổi thay không đến lập tức, nhưng từng việc, từng tháng, từng năm, tôi trở thành người đàn bà tự tin, người mẹ không lo bị phán xét, người vợ không lo bị chê trách... Tôi cũng gạt bỏ giùm anh sự so sánh giữa tôi và mẹ anh - điều mà mãi sau này anh mới thừa nhận. Từ đấy, đời sống hôn nhân của tôi tốt hơn hẳn. 

Hoàng Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI