Bật khóc ở Gia Phố

19/10/2016 - 18:49

PNO - Chỉ sau một đêm, xóm làng trở nên tan hoang. Tiếng thở dài sườn sượt của lão nông hay giọt nước mắt người góa phụ như điểm thêm cảnh xơ xác tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) sau trận lũ kinh hoàng.

Đường ngập bùn rác, có đoạn sâu đến gối, quần áo màu xanh bỗng đổi thành vàng bởi bùn. “Đi bộ khoảng 500m nữa sẽ tới được trung tâm xã Gia Phố, chú đừng có run bởi sự phá hoại của lũ nhé”, một cán bộ đoàn xã trấn an. Xã Gia Phố là một trong những xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của huyện Hương Khê. Đây cũng được coi là rốn lũ của Hà Tĩnh. Quen với cảnh mưa gió rồi, nhưng nhắc tới trận lũ vừa qua, rất nhiều người dân tại xóm 12, xã Gia Phố vẫn tím tái mặt mày.

Bat khoc o Gia Pho
Trao quà hỗ trợ gia đình ông Dương Kim Danh, thôn Trung Thượng, xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh. Ảnh: Hoàng Ngà

Đang cào bùn đất khỏi nhà, ông Bùi Thọ (SN 1931, trú tại xóm 12, xã Gia Phố) nói vọng ra: “Nhắc tới làm gì nữa, còn sống là may rồi. Phận già như tôi cứ nghĩ là không còn được thấy con cháu nữa. Đang chỉ là mấy trận mưa, bỗng nhiên đến đêm, nước đồ ầm ầm về thì ai trở tay kịp”.

Ông già mảnh khảnh, ốm yếu, lưng còng xuống trông tiều tụy hơn. Ông run run bưng cánh cửa bung bản lề, tấm gỗ quá nặng so với đôi tay già nua. Vật dụng trong nhà vốn cũ nát, nay mủn ra, ngổn ngang vì bùn đất. Trận lũ vừa rồi để lại hậu quả quá sức tưởng tượng mà cụ già này phải gánh chịu.

“Khoảng 20 giờ (ngày 14/10), lúc ấy trời mưa to nên tôi lên giường nằm sớm, bỗng nhiên nghe tiếng ầm ầm, cửa bỗng nhiên đổ sập xuống. Bật đèn pin dậy xem thì thấy lũ đã tràn vào. Nước vào nhanh quá, tôi không kịp thu dọn gì. May mà bà cụ bị đau chân nên con gái đưa về chăm chứ không thì... Tôi nhịn đói hai ngày rồi đó”.

Bat khoc o Gia Pho
Hai vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Tín và Phan Văn Chương ở một mình bên sông Ngàn Sâu nhà cửa mất cả, hôm nay mới được ăn cơm do người cháu đưa sang.

Người con gái ông Thọ ở xóm 10, hôm nay sang dọn đồ cho bố, khóc nghẹn: “Chị cũng không ngờ lũ lụt thế này, nếu biết trước chị đã sang đưa bố về nhà”. Nước đã rút, giờ thì lo dọn dẹp để có chỗ mà nằm, rồi phải lo gượng dậy mà làm lụng kiếm sống. Họ đang sống cái cảnh mà cuộc sống như bị kéo lùi lại.

Người dân xóm 10 đang khát khô và đói vì thiếu nước uống, thực phẩm. Ông Trần Ngọc Dịu (SN 1957) cho hay, mọi nhà đều hết nước sạch, hết lương thực, cả xóm chắt chiu từng thùng nước được cứu hộ hay gói mì. Đứng cạnh ông Dịu là đứa cháu đang gặm dở gói mì. Ánh mắt đứa trẻ ngây thơ chưa thể hình dung những gì mà nó trải qua vào đêm hôm trước.

Thấy phóng viên, bà con tập trung đông hơn, mỗi người góp một ý: “Con ơi, con làm sao kêu gọi được cho các bác nước uống, lương khô, chứ giờ nhà cửa trống không, giếng đục ngầu, lấy gì mà sống đây”, “Cháu thử đi sang bên kia xóm mà xem, dân bên đó giờ vẫn bị cô lập, hoàn cảnh của họ còn tồi tệ hơn bên này”... 

Bat khoc o Gia Pho
Gia sản còn lại của chị Nguyễn Thị Huệ ở xã Lộc Yên giờ chỉ là bội gà và thùng lúa đã bốc mùi hôi thối

Tôi theo anh trưởng thôn Trần Ngọc Dương xuống con thuyền nhỏ. Nước vẫn chảy xiết. Sang đến bờ, cảnh tượng xác xơ còn nặng nề hơn những gì tôi đã chứng kiến. Con đường đã bị chặn bởi lũy tre làng bật gốc chắn ngang.

Nhà bà Võ Thị Khang (SN 1960), không còn một tấm ván hay bức tường nào, một mảnh bạt nát được kéo lên che tạm. “Lũ đến bất ngờ trôi hết đồ đạc rồi. Thân già yếu đuối, tôi giữ được cái mạng sống là quý lắm. Nhà vốn dựng bằng ván, nhưng ván cũng bị nước cuốn. Mấy ngày nay không có nước uống, không có gì để ăn. Hôm trước chủ tịch xã bơi xuồng sang cứu hộ mấy gói mì tôm, tôi dành dụm ăn tới giờ”. Vừa kể, bà Khang vừa khóc nức nở. Chồng bà Khang mất đã hơn 15 năm, con đi xa, bà lủi thủi trong căn nhà tạm.

Bat khoc o Gia Pho
Bùn đất trong nhà bà Khang không khác gì ngoài ruộng.

Cách chỗ ở của người góa phụ không xa là nhà ông Nguyễn Hữu Bình (SN 1954). Ông Bình cũng sống một mình. “Cả cuộc đời tôi gắn liền với mảnh đất này, chịu bao khổ cực. Trước kia chưa một lần tôi sợ hãi bão lụt, nhưng giờ tôi sợ thật rồi. Nước cuốn ầm ầm, tôi chỉ biết leo lên mái nhà kêu trời”, nói đến đây, ông già 62 tuổi khóc nghẹn. Nước mắt của ông lăn trên khuôn mặt đen sạm, nhăn nheo.

“Không được!”, tôi giật mình nghe tiếng anh Dương trưởng thôn. Nhìn sang chỗ anh, tôi thấy chiếc xà nhà bắc qua những cây cột đã bị gãy đong đưa. Tôi thót tim, cùng anh Dương nhanh chóng kéo ông Bình ra khỏi nơi nguy hiểm. Đêm nay, ngày mai, ngày kia, một mình ông Bình trú ngụ trong nhà này, điều gì sẽ xảy ra nếu nóc nhà ụp xuống?

Đi ngược lại đầu xóm, tôi gặp một cụ bà 98 tuổi đang khóc lóc, van xin trời cho chết... Bước lên chiếc thuyền để rời khỏi ốc đảo nhỏ, cảm giác sợ hãi khi lên thuyền của tôi không còn nữa, chỉ thấy cay đắng tràn ngập...

Phan Quỳnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI