Bất kể đại dịch, thị trường bất động sản thế giới tiếp tục nóng

19/05/2021 - 10:56

PNO - Đại dịch khiến nhiều nơi trên thế giới phải phong tỏa, doanh nghiệp đóng cửa, hàng chục triệu người mất việc làm và khiến thị trường nhà ở rơi vào tình trạng đóng băng. Tuy nhiên, điều ngược lại đang xảy ra từ Auckland đến Thượng Hải, Munich và Miami, khi giá nhà đất vẫn tăng mạnh.

Tại 37 quốc gia giàu có thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), giá nhà đất đã tăng gần 7% trong khoảng từ quý 4/2019 đến quý 4/2020 - mức tăng trưởng hằng năm nhanh nhất trong hai thập niên qua.

Hiệu ứng COVID-19

Đầu đại dịch, nhiều người lo sợ rằng giá nhà đất sẽ sụp đổ, như từng xảy ra trong những đợt suy thoái kinh tế trước đây. Sự gia tăng các vụ phá sản và thất nghiệp sẽ bóp chết thu nhập khả dụng, khiến các chủ nhà mắc nợ khó có thể xoay xở các khoản thế chấp. Dù vậy, Kate Everett-Allen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu dân cư quốc tế tại công ty tư vấn bất động sản Knight Frank (Anh), cho biết: “Năm 2020, chúng tôi nghĩ rằng khủng hoảng năm 2008 sẽ tái diễn. Nhưng thực tế, điều đó hoàn toàn không xảy ra”. 

Khu vực vịnh Rushcutters của Sydney và các vùng ngoại ô phía Đông. Giá trung bình cho một ngôi nhà ở thành phố cảng hiện là 1,31 triệu USD - Ảnh: Getty Images
Khu vực vịnh Rushcutters của Sydney và các vùng ngoại ô phía Đông. Giá trung bình cho một ngôi nhà ở thành phố cảng hiện là 1,31 triệu USD - Ảnh: Getty Images

Trong một bước ngoặt bất ngờ, đại dịch làm tăng giá bất động sản. Đó là bởi các chính phủ đã giúp chủ nhà bằng cách tạm thời cấm siết nợ, cung cấp hàng ngàn tỷ USD hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp. Việc cắt giảm lãi suất khiến các khoản trả nợ thế chấp dễ thanh toán hơn, trong khi việc giảm thuế mua nhà tạm thời ở một số thị trường thúc đẩy hoạt động mua bán.
Những biện pháp này giúp thị trường nhà ở thoát khỏi cuộc suy thoái. Đồng thời, bản thân đại dịch đã thực sự làm tăng giá cả. Khi mọi người buộc phải chuyển đổi nhà ở thành văn phòng và lớp học, không mất nhiều thời gian để “cuộc đua giành không gian” diễn ra.

Các cá nhân giàu có chọn rời khỏi thành phố để tìm những ngôi nhà lớn hơn ở ngoại ô với nhiều không gian ngoài trời. Nhiều người cũng ở trong tình trạng tài chính tốt hơn so với trước khi đại dịch tấn công, vì họ chi tiêu ít hơn cho các kỳ nghỉ, giải trí và ăn uống. Ví dụ, ở Anh, các thị trấn gần London đã chứng kiến ​​giá trị bất động sản tăng khoảng 10%. Giá nhà ở Anh tăng 8,5% vào năm 2020 - cao nhất kể từ năm 2014 - bất chấp cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong hơn ba thế kỷ theo sau điểm nóng về dịch COVID-19. 

Tại Mỹ, số lượng nhà bán vào năm 2020 đạt mức cao nhất kể từ năm 2006. Theo tổ chức National Association of Realtors, giá nhà tại Mỹ đã tăng 9% vào năm 2020 và không có dấu hiệu ngừng lại. Ở Bồ Đào Nha, khách mua nhà ngay cả khi không thể đến xem trực tiếp bất động sản mà họ chọn mua. Giá nhà đất đã tăng 6% trong quý 4/2020 so với cùng kỳ năm trước.

Giá nhà ở châu Á tăng vọt

Ở châu Á, thị trường bất động sản tại Singapore, Seoul và Bắc Kinh phát triển mạnh hơn nhiều so với các thành phố lớn ở Bắc Mỹ và châu Âu nhờ tâm lý “an cư lạc nghiệp” của người dân. 
Giá nhà ở tư nhân trên khắp Singapore tăng 3,3% trong quý 1/2021, mạnh hơn cả mức tăng 2,1% trong quý 4/2020. Christine Sun, Phó Chủ tịch cấp cao của Công ty nghiên cứu và phân tích thị trường OrangeTee & Tie, giải thích: “Sự kết hợp nhu cầu sở hữu nhà riêng trong nước tăng mạnh và nhu cầu đầu tư nước ngoài hồi sinh đã đẩy giá nhà ngày càng cao”.

Tại Nhật Bản, Viện Kinh tế bất động sản cho biết, trong ba tháng đầu năm, mức tăng lên đến 44,9% so với một năm trước do nhu cầu ngày càng tăng khi nhiều người làm việc tại nhà hơn. Tương tự, giá nhà ở Úc tăng vọt lên mức cao nhất trong 18 năm. Sydney và Canberra ghi nhận mức tăng hằng quý vào quý 1/2021 nhanh nhất trong gần ba thập niên, thúc đẩy bởi lãi suất thấp kỷ lục và cho vay thế chấp gia tăng.

Ngay cả khi các chính phủ đang xem xét thận trọng thị trường nhà ở, giới phân tích cho rằng khó có sự điều chỉnh đột biến. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ mạnh hơn nhiều trong năm 2021 nhờ vắc-xin và nới lỏng giãn cách. Mặt khác, lãi suất dự kiến sẽ tiếp tục ở mức thấp. Lãi suất chạm đáy là động lực chính thúc đẩy giá cả, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, vì chúng làm cho việc vay nợ trở nên hợp lý hơn.

Nói cách khác, cơn sốt của thị trường bất động sản trên toàn thế giới khó có khả năng hạ nhiệt hoặc “vỡ bong bóng” trong mùa dịch này. 

Tấn Vĩ (theo CNN, Business Times, SCMP, Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI