Bắt học sinh “đồng phục” bìa bao tập, cặp táp để làm gì?

09/10/2023 - 06:21

PNO - Hôm qua, từ trường về, con im lặng rồi bỗng nói “mẹ, con ước gì được về quê học, để thoải mái xài cặp táp hay ba lô và bao tập theo sở thích của mình”. Rồi con nói thêm: “Mẹ biết con ghét cặp màu đen, mà sáng nào con cũng phải ôm theo thì đau khổ biết chừng nào”. Tôi bất ngờ vì không nghĩ chuyện mà tôi và nhiều người lớn cho rằng nhỏ lại ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ như vậy.

Giữa hè, tôi cũng hồi hộp và háo hức cùng con gái vì con chuẩn bị bước vào ngôi trường mới, cấp học mới THCS. Mẹ con tôi hào hứng đi mua sách, vở, cặp và dụng cụ học tập. Vừa đến hiệu sách, con chạy đến quầy ba lô và chọn ngay chiếc màu hồng - đen có in hình nhóm nhạc thần tượng của con. Con ôm chiếc cặp mà mắt sáng rực, “năm nay con sẽ đi học cùng “ai đồ” của mình”. Rồi con sà vào quầy bìa bao tập, mê mẩn với các bìa bao đủ sắc màu, họa tiết và các loài động vật mình yêu thích. 

Thế nhưng, ngày tôi vào trường mua đồng phục cho con thì bị mua luôn xấp bìa bao có in tên trường. Con ngạc nhiên: “Ủa, bao giống nhau để làm gì, vậy là tốt hả mẹ?”. Tôi đành im lặng, bởi tôi cũng không hiểu vì sao phải bao tập vở giống nhau. Tối đó, buổi bao tập của con diễn ra trong im lặng, chứ không sôi nổi như con tưởng tượng. Tôi lẳng lặng bao, con lẳng lặng ghi nhãn. 

Vụ tập đã xong. Gần đây, con đi học về tiu nghỉu vì cô dặn không được đi học bằng ba lô hồng - đen, phải cặp màu đen mới được. Tôi tiếc hùi hụi hơn 500.000 đồng mua ba lô cho con, giờ trở nên vô dụng. Nhớ hồi cuối năm lớp Năm, con được phát thưởng ba lô màu đen nên tôi lấy ra cho con mang đi học. Vài hôm sau, cô lại nhắc không được mang ba lô, mà phải là cặp táp. 

Rồi con lại hỏi “ủa mẹ, bắt “đồng phục” cặp để làm gì vậy mẹ?”. Tôi sực nhớ đã đọc về ý nghĩa của việc mặc đồng phục: là để xóa đi mọi ranh giới, khoảng cách, phân biệt sự giàu nghèo giữa các học sinh; tạo sự đồng đều, đồng nhất và tạo dựng tinh thần đoàn kết... Cô gái ưa lý lẽ của tôi phản ứng, cho rằng đồng phục thì chấp nhận được, còn cặp đi học “phải cho học sinh tự chọn theo ý thích của mình chứ”. 

Một hôm, con về kể đã có chiêu giấu ba lô trong góc bàn, cô không phát hiện. Đến lúc này thì tôi thấy không ổn, chỉ vì chiếc cặp mà một đứa trẻ phải lo sợ, đối phó thật không đáng. 

Tôi định cuối tuần sẽ dẫn con đi mua cặp thì nhận được tin cô nói với con: “Em đừng để mình em mà lớp bị hạ hạnh kiểm, ngày mai em phải đeo cặp đúng quy định của nhà trường”. Tới đây thì tôi không thể hiểu nổi, chiếc cặp thì có liên quan gì đến hạnh kiểm, đến tập thể lớp? 

Dù không phục, nhưng tôi vẫn phải mua cho con chiếc cặp màu đen như nhiều bạn bè tôi ở các trường khác trong thành phố này cũng phải mua cặp theo đúng quy định của trường. Đứng giữa đống cặp, con không có chút hào hứng, “mẹ chọn đại cái nào cũng được, đằng nào con cũng có thích màu đen đâu”. 

Sáng sáng, nhìn con ôm chiếc cặp đen, tôi tự hỏi: việc cho trẻ chọn cặp đi học theo sở thích có gì sai? Hãy thử hình dung mỗi ngày trẻ phải đến trường với “người bạn đồng hành” mà mình không thích thì sẽ như thế nào? Tại sao bắt trẻ phải giống nhau từ bìa bao tập đến cặp sách? Tôi chưa nhìn thấy điều này có lợi gì cho học sinh, cho sự phát triển của trẻ. 


Ngọc Thủy (quận Tân Phú, TPHCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI