Bắt học sinh cam kết 'ba năm không chuyển trường'

01/08/2017 - 18:02

PNO - Một số trường THPT đã buộc phụ huynh (PH) và học sinh (HS) phải ký cam kết “không chuyển trường trong suốt ba năm học” khi làm thủ tục vào lớp 10. Tuy nhiên cách “trói chân” này không hiệu quả.

 Giữ HS bằng cam kết “không chuyển trường”

Nhiều PH phản ánh, trong hồ sơ tuyển sinh lớp 10 Trường THPT Gò Vấp năm nay có thêm “bản cam kết” với nội dung “không chuyển trường suốt ba năm học” khiến họ cảm thấy lo lắng. Một PH bức xúc: “Trong bản cam kết có câu “Kính mong thầy hiệu trưởng cho phép con tôi được vào học lớp 10 của trường năm học 2017-2018”. Tại sao lại có cái tư tưởng “xin cho” như vậy chứ. Chúng tôi đâu xin xỏ gì. Con tôi trúng tuyển thì vào học thôi”. 

Nhưng theo lý giải của BGH trường này thì “bản cam kết” chỉ nhằm tránh tình trạng HS học ở trường một thời gian rồi rút hồ sơ chuyển đi trường khác. Tình trạng này trước đó đã xảy ra nhiều khiến sĩ số HS của trường mất ổn định. Nhà trường chỉ muốn PH và HS cân nhắc và nghiêm túc khi quyết định vào học, còn việc nộp hay không nộp bản cam kết không quan trọng, không ảnh hưởng đến việc nhận hồ sơ trúng tuyển của HS.

Trường THPT Thạnh Lộc (Q.12) cũng có “chiêu” giữ chân HS bằng cam kết “ba năm không chuyển trường”. Tờ cam kết dành cho PH của trường này ghi: “Cam kết với nhà trường sẽ nhắc nhở con tôi chấp hành tốt mọi quy định của nhà trường, đồng thời sẽ không chuyển trường khác (nếu không chuyển nơi cư trú) trong thời gian học từ lớp 10 đến hết lớp 12”. Đọc nội dung này, không ít PH chần chừ chưa dám nộp hồ sơ nhập học cho con, vì sợ bị… “trói buộc”. 

Hình thức giữ chân bằng giấy cam kết là cách mà Trường THPT Thạnh Lộc đã làm từ vài năm gần đây với mong muốn khắc phục được tình trạng HS cứ vào học một thời gian rồi lại chuyển.

...Nhưng bất lực

Những năm gần đây, do quy chế tuyển sinh ngày càng gắt gao, PH không thể “chạy” thẳng vào lớp 10 cho con nên có xu hướng chọn các trường tốp dưới, trường ngoại thành, làm nơi dừng chân, chờ đến hết học kỳ I hoặc hết năm học thì xin chuyển hợp pháp về một trường nào đó theo nguyện vọng. Xu hướng này khiến nhiều trường vùng ven, ngoại thành, trường tốp dưới đang bị biến thành trạm trung chuyển HS. Và “cam kết không chuyển trường” chỉ là giải pháp tình thế để “đối phó” với những mong muốn vô thiên lủng của PH và HS chứ không hiệu quả.

Cô Nguyễn Thị Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Túc (H.Bình Chánh) cho biết: với các trường ngoại thành, 40 - 50% HS đậu nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, đều từ nơi xa đến. Rõ ràng ngay khi chọn nguyện vọng thi lớp 10, PH và HS đã biết là trường ở rất xa, nhưng họ vẫn chọn. Vào học một thời gian thì họ xin chuyển trường vì điều kiện đi lại xa xôi. Không ít trường hợp HS xin chuyển về đúng trường đã thi trượt trước đó. Biết như thế là không công bằng với những HS khác nhưng lý do họ đưa ra chính đáng thì các trường phải giải quyết.

Chẳng cứ gì các trường vùng ven, ngoại thành, mà các trường nội thành cũng “đau đầu” với tình trạng phải làm “trạm trung chuyển”. Hiệu trưởng một trường THPT tại Q.Bình Thạnh kể: “Nhiều trường hợp lấy lý do khó khăn trong việc đưa đón nhưng lại xin chuyển qua một trường chỉ cách đó chừng 1-2km. Đã vào được Trường THPT Võ Thị Sáu thì lại muốn vào bằng được THPT Gia Định; vào được THPT Trưng Vương thì lại muốn chạy về THPT Bùi Thị Xuân”. 

Cấm cũng khó mà buông cũng không xong. Trường có nỗi khổ của trường nhưng PH cũng có những lý lẽ riêng. 

Hãy giữ HS bằng môi trường học tập thân thiện
“Trói chân HS bằng bắt ký cam kết thể hiện sự thiếu tự tin, bất lực trong việc thu hút, giữ chân HS của các trường”, theo một nhà giáo. Vị này đặt vấn đề: vì sao nhiều HS lại xin chuyển trường? Phải chăng là do môi trường học tập ở trường chưa được như mong muốn? Nếu đúng như thế thì nên nghĩ đến cách khắc phục yếu kém, tạo ra sự thân thiện và cảm tình với HS, PH để thuyết phục HS ở lại. Còn việc trói chân HS bằng cam kết chỉ là hạ sách, là vi phạm quyền tự do chọn lựa nơi học tập của công dân mà lại không đạt kết quả. 

Gia Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI