Bất hoà quanh chuyện tiệc mừng con đậu đại học

20/08/2019 - 16:27

PNO - Vợ tôi vẫn đang mải miết lên danh sách khách mời để đặt nhà hàng. Bởi thế, khi nhìn thấy tấm hình này trên mạng xã hội, tôi đã gửi ngay cho vợ.

Tình cờ lướt mạng xã hội, tôi thấy một thành viên trong fanpage nọ đưa lên bức ảnh chụp tấm thiệp mời dự tiệc rượu liên hoan mừng con đậu đại học và hỏi mọi người xem: “Chuyện này có lạ không?”. Phần lớn các thành viên cho rằng, việc đó cũng bình thường thôi, nhất là ở các tỉnh.

Nhưng không ít người bình luận phản đối: “Làm như thế là bày vẽ, làm phiền mọi người”, “Đến khi nào con nhận được tháng lương đầu tiên hẵng mừng”, “Đậu đại học bây giờ cũng thường thôi”.

Bat hoa quanh chuyen tiec mung con dau dai hoc
Tấm thiệp mời dự tiệc mừng con đậu đại học gây tranh cãi trên mạng xã hội. Ảnh từ Facebook

Vợ chồng tôi chỉ sinh được một đứa con trai. So với bạn bè cùng trang lứa, con không phải thuộc hạng học giỏi xuất sắc. Đợt thi vừa rồi, nhờ chọn đúng khối và ngành xét tuyển, con trúng tuyển vào một học viện về quân sự với số điểm khá cao.

Kết quả này nằm ngoài sự kỳ vọng của vợ chồng tôi, bởi giữa thời buổi việc làm khó khăn, con đậu vào học ngành không tốn tiền, mà đảm bảo ra trường khỏi lo chuyện xin việc, chẳng phải đó là một may mắn lớn hay sao.

Nhưng cách tận hưởng niềm vui đối với đàn ông có lẽ bình lặng hơn so với phụ nữ. Vợ tôi mừng đến nỗi ngoài việc đăng lên Facebook còn nhiệt tình gọi điện báo tin cho từng người thân, họ hàng, đồng nghiệp.

Chưa dừng lại ở đó, vợ nhất quyết phải tổ chức tiệc mừng cho con thật lớn để ghi dấu sự kiện quan trọng này. Cô ấy tính đặt tiệc khoảng 20 mâm ở nhà hàng để mời bạn bè, họ hàng đến chung vui.

Tôi nói làm như thế quá phô trương. Vợ tôi gạt đi. Vợ bảo: “Người ta đông con cái, mình chỉ có mỗi một đứa con cũng phải làm gì để ghi nhận sự cố gắng của con chứ. Vả lại, vợ chồng mình suốt ngày đi mừng người khác hết lễ này tiệc nọ thì giờ tổ chức để người ta trả lễ, có gì là quá đáng”.

Tôi đồng ý có thể tổ chức, nhưng chỉ là bữa cơm ấm cúng trong nhà, thêm vài người bà con gần để tiễn con đi học, không nên đặt ăn uống linh đình như thế sẽ khiến người ta nghĩ mình bày biện để... thu bao thư. Nhưng vợ khăng khăng, đã làm thì phải làm cho hoành tráng, viết thiệp mời đàng hoàng chứ làm qua loa không được. 

Đúng là ở quê tôi, có vài nhà cũng tổ chức tiệc mừng theo kiểu này nhưng người được mời chẳng mấy dễ chịu. Bởi mỗi họ phải nhận đủ thứ lời mời từ đám cưới, đầy tháng, thôi nôi, sinh nhật, mừng thọ... một sức ép không nhỏ về thời gian và tiền bạc.

Ở vài trường hợp, gia chủ có ghi trên giấy mời: “Miễn nhận tiền và quà mừng” nhưng ai nỡ đi tay không đến ăn rồi về, ít nhất cũng phải mừng dăm ba trăm ngàn đồng, nếu không cũng món quà gì ngang giá trị ấy. mà mua quà thì cũng đau đầu và tốn sức kiếm tìm, chưa kể quà không hợp sử dụng cũng là lãng phí. Người dự ngoài mặt vui vẻ đến dự chứ trong lòng nảy ra biết bao suy nghĩ khác nhau. Tôi không muốn con mình trở thành chủ đề bàn tán trong câu chuyện của nhiều người.

Bat hoa quanh chuyen tiec mung con dau dai hoc
Nếu có tổ chức tiệc mừng cũng chỉ nên làm trong nội bộ gia đình tránh phô trương không cần thiết. Ảnh minh hoạ

Con trai tôi khăng khăng phản đối chuyện tổ chức tiệc tùng rình rang. “Bạn bè con có cả học bổng du học mà không ai biết, mẹ làm thế con mắc cỡ chết đi được. Con thề không "chìa mặt" ra nhà hàng đâu". Cậu cũng ngỏ ý, chỉ xin ít tiền đi chơi với nhóm bạn thân trước khi lên đường, mong mẹ duyệt.

Dù chồng con không phản đối, vợ tôi vẫn đang mải miết lên danh sách khách mời để ghi thiệp và đặt nhà hàng. Bởi thế, khi thấy câu chuyện này trên mạng xã hội, tôi đã gửi ngay cho vợ đọc. Hy vọng cô ấy xem những bình luận trái chiều tranh cãi về sự việc sẽ suy nghĩ lại...

                                                                                                        Huy Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI