Bất hạnh vì quý tử

28/07/2022 - 05:57

PNO - Xã hội hiện đại nhưng không ít gia đình còn mang nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ. Điều này đôi khi dẫn đến hệ quả là cha mẹ tạo ra những nghịch tử, ích kỷ chỉ biết nhìn vào lợi ích của mình mà quên hết tình thân.

Vợ chồng bà Hoàng Lam (Q.Cầu Giấy, TP.Hà Nội) có hai con gái và một con trai út. Cũng bởi sự chê cười của anh em họ hàng khi chưa có con trai, nên khi cậu út ra đời cậu trở thành niềm tự hào của cha mẹ. Mọi yêu thương ông bà dồn cả vào cậu quý tử, mọi việc trong nhà cũng phải xem cậu có thích hay không, kinh tế gia đình còn khó khăn nhưng mọi nhu cầu của quý tử đều được đáp ứng. 

Quý tử lớn lên trong niềm tự hào của cha mẹ về cậu con trai nối dõi tông đường, bên cạnh đó lại là nỗi xấu hổ mỗi khi giáo viên mời phụ huynh đến để trao đổi về những trò nghịch ngợm, phá phách của con trai. Ông bà Lam thường tặc lưỡi “con trai nó thế”, rồi cho qua. Khi quá chán nản với việc giáo viên mời liên tục, ông bà sai con gái lớn đến gặp giáo viên với lý do bố mẹ quá bận.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory

 

Sau bao nhọc nhằn, xấu hổ và những lần trả nợ thay quý tử thì ông bà cũng vui vẻ lo đám cưới cho con trai. Tưởng rằng con trai có gia đình riêng rồi thì ông bà sẽ yên tâm mà an hưởng tuổi già, nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy khi con dâu ôm một đứa cháu đi, để lại một đứa cháu và con trai lại cho ông bà sau khi con trai gặp tai nạn giao thông, chấn thương sọ não.

Bản tính con trai vốn ích kỷ, sau tai nạn lại mượn cớ gây chuyện với mọi người trong gia đình. Từ chửi bới, cờ bạc, đánh nhau, trộm cắp, thậm chí mang dao đòi chém người thân, không có gì là quý tử nhà bà Lam chưa làm. Không biết vợ chồng bà Lam đã chán hoàng nam chưa, nhưng không còn thấy ông bà mong cháu trai nữa.

Giống nhà bà Lam, gia đình ông Quý Hòa (Q.7, TPHCM) cũng mừng như bắt được vàng khi sinh được quý tử. Nhìn cậu con trai đẹp như tranh vẽ, ông Hòa vô cùng vui sướng và luôn gọi cậu là niềm tự hào của bố, hết mực cưng chiều. Từ một học sinh ngoan, học giỏi, thậm chí có lần còn tham gia game show trên truyền hình, quý tử nhà ông Hòa trượt dốc dần, cuối cùng cậu bỏ nhà đi bụi. 

Ông Hòa bàng hoàng nhận ra và bắt đầu cố gắng để giúp con thay đổi, ông gửi con đến một thành phố khác nhờ họ hàng giúp đỡ, hy vọng con tách khỏi nhóm bạn xấu và có thể bắt đầu lại. Sự hỗ trợ của mọi người không giúp nổi con trai ông Hòa khi cậu tự ái và tiếp tục bỏ nhà đi lang thang. Sau khi hết tiền, cậu quay về thì bị gia đình người họ hàng giữ lại, cậu lại cầm dao định cắt cổ tay tự tử. 

Vì sợ để cháu lại sẽ gây hậu quả, người họ hàng quyết định trả cậu về cho bố mẹ. Họ phải thỏa thuận người đưa kẻ đón vì sợ cậu quý tử sẽ đi luôn chứ không về nhà, nhưng việc đó không ngăn được bước chân cậu. Gia đình không còn là nơi để về khi cậu đã quen với cuộc sống tự do và nghiện ngập. Con trai bỏ nhà ra đi không liên lạc, ông Hòa chìm đắm trong nỗi thất vọng, ông uống rượu nhiều hơn, chửi bới nhiều hơn. 

Vài năm sau, gia đình buồn rầu thông báo cho họ hàng là quý tử bị bắt khi đang giao dịch ma túy. Ông Hòa đổ bệnh và sức khỏe cũng xấu dần đi. Sau khi quý tử đi tù vài năm thì ông Hòa ra đi mà không kịp đợi để nhìn mặt con trai lần cuối. Bà Hòa cùng con gái chăm sóc cháu ngoại, thỉnh thoảng lên thăm con trai. Có lẽ trong lòng bà, cũng chỉ mong sau thời gian cải tạo, con trai có thể tỉnh ngộ, quay về làm một người đàn ông bình thường và lương thiện. 

Điều lạ lùng là con gái lớn của ông bà vẫn cố gắng sinh đẻ mặc dù sức khỏe không tốt và đã có ba cô con gái. May mắn cho cô, đứa trẻ thứ tư là con trai. Hy vọng cô và cả gia đình biết yêu thương đúng cách và kiên nhẫn dạy con để không lặp lại bi kịch của cha mẹ. 

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa - Freepik

 

Xã hội phát triển nên giáo dục cũng được chú trọng hơn. Nhưng giáo dục không phải chỉ là trách nhiệm của nhà trường mà là sự kết hợp của cả nhà trường - gia đình - xã hội. Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là một tờ giấy trắng, chỉ là cách người lớn giáo dục như thế nào sẽ viết lên nội dung trên tờ giấy ấy mà thôi. 

Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn dấu vết ở không ít gia đình, điều này không chỉ gây bất hạnh cho tuổi già của cha mẹ, mà còn có thể phá hỏng tương lai của con cái. Không phải cứ con trai là nối dõi, là nuôi cha mẹ; không phải cứ con gái gả đi rồi là mất con và ngược lại. Ông cha ta có câu: “Trai mà chi, gái mà chi. Con nào có nghĩa có nghì là hơn”. 

Nguyễn Thị Thanh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI