Bắt hàng lậu, phạt nặng thôi chưa đủ

13/10/2020 - 10:50

PNO - Đầu nậu kiếm được lợi nhuận rất lớn từ các chuyến hàng lậu trót lọt nên mức phạt dù có tăng gấp hai, gấp ba hiện hành cũng khó giảm được buôn lậu.

Theo giới luật sư, các đầu nậu kiếm được lợi nhuận rất lớn từ các chuyến hàng lậu trót lọt nên mức phạt hành chính có tăng gấp hai, gấp ba hiện hành cũng khó giảm được tình trạng buôn lậu. 

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từ ngày 15/10, cá nhân kinh doanh hàng nhập lậu sẽ bị phạt 500.000 - 50 triệu đồng, tùy vào giá trị hàng hóa nhập lậu; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu - 100 triệu đồng. Mức phạt này có thể tăng lên gấp đôi tùy trường hợp cụ thể. 

Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tại An Giang Ảnh: THỐT NỐT
Tiêu hủy thuốc lá nhập lậu tại An Giang Ảnh: Thốt Nốt

Luật gia Phan Thị Việt Thu - Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM - tăng mức phạt để răn đe đối tượng kinh doanh hàng lậu, hàng xách tay là cần thiết, nhưng đó không phải là mấu chốt để giải quyết tận gốc nạn buôn lậu. Quan trọng hơn là biện pháp kiểm soát hàng lậu, hàng xách tay nhằm phát hiện, xác định được hành vi vi phạm để có cơ sở áp dụng mức xử phạt.

Thực tế, hiện có rất nhiều hình thức buôn lậu. Các cá nhân bán hàng xách tay thường không xách về lượng hàng nhiều cùng lúc mà mang lượng hàng nhỏ lẻ theo mức Nhà nước cho phép đối với cá nhân, sau đó gom lại nhiều lần rồi bán qua Facebook, Zalo... Do đó, cần phải có biện pháp kiểm soát kênh bán hàng qua mạng chặt chẽ, mới hạn chế được tình trạng này. 

Theo luật gia Việt Thu, mức phạt tăng cao chỉ có thể răn đe được những đối tượng bán hàng xách tay công khai, còn khi họ bán hàng qua mạng thì khó xử lý. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TPHCM từng nhận được khiếu nại của người tiêu dùng về việc mua phải hàng giả, hàng gian qua mạng nhưng không thể hỗ trợ họ vì không thể tìm ra manh mối của người bán. 

Đó còn chưa kể, người dân khi đi nước ngoài về vẫn được quyền mua hàng miễn thuế trong mức Nhà nước cho phép. Do đó, với trường hợp cá nhân mang hàng xách tay về trong mức cho phép và bán lại, không có cơ sở, điều kiện để xác định đó là hành vi kinh doanh hàng xách tay, hàng lậu để xử phạt. Vì vậy, mức phạt tăng cao mà không xác định được hành vi vi phạm thì cũng không áp dụng được. 

Luật sư Phạm Ngọc Hưng - Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM - cũng cho rằng, hàng xách tay chỉ được sử dụng, nhưng khi buôn bán thì phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc; nếu không, đó sẽ là hành vi kinh doanh hàng lậu. Hàng xách tay hiện được bán chủ yếu qua hình thức trực tuyến, thương mại điện tử nên để phát hiện, xử phạt là rất khó. Cơ quan chức năng kiểm tra thường xuyên nhưng số vụ phát hiện, xử phạt không đáng là bao.

“Để kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hành vi kinh doanh hàng lậu, cơ quan hữu trách phải phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, phát hiện hàng lậu khi chúng được tuồn vào Việt Nam qua đường mòn, lối mở, qua cửa khẩu chính chứ không phải chờ khi hàng đã vào Việt Nam, trưng bày lên kệ bán mới kiểm tra, xử phạt. Tăng mức xử phạt chỉ là một trong những giải pháp và nó là giải pháp ngọn. Quan trọng là phải quản từ gốc” - luật sư Hưng nhận định. 

Nguyễn Cẩm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI