Bắt giáo viên trực hè vì không có tiền thuê bảo vệ?

10/07/2019 - 11:30

PNO - Hằng năm vào dịp nghỉ hè, chuyện giáo viên trực trường lại “nóng” lên. Ở thành thị, các trường có bảo vệ; giáo viên không phải trực. Còn đối với trường học ở nông thôn thì nhiều nơi giáo viên phải thay nhau trực suốt mùa hè…

Thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, tuy nhiên có một số trường học bố trí giáo viên trực trường. Chuyện bố trí giáo viên trực hè mỗi nơi mỗi khác, có nơi cho giáo viên nghỉ hoàn toàn; có nơi giáo viên trực trường để trông giữ trang thiết bị; có nơi giáo viên trực trường được hưởng thù lao ngoài giờ; có nơi giáo viên không hưởng bất kỳ phụ cấp nào…

Trực trường để chống trộm?

Theo ghi nhận một số giáo viên trường học vùng sâu, vùng xa ở Đồng bằng sông Cửu Long, có nơi giáo viên phải thay nhau trực trường trong thời gian hè. Nhiệm vụ chủ yếu của việc trực trường là trông giữ các trang thiết bị (máy vi tính, tivi, máy in, đồ dùng dạy học…). Nguyên nhân được nhà trường đưa ra là trực trường để tránh trường hợp trộm cắp đột nhập vì không có kinh phí thuê bảo vệ trong thời gian nghỉ hè.

Trước khi nghỉ hè, trường có họp giáo viên và phân công, ai hoàn cảnh khó khăn, con nhỏ thì được miễn trực. Còn lại các giáo viên thay nhau trực. Một số trường có hỗ trợ chi phí trực hè nhưng có trường giáo viên không được hỗ trợ. Trong thời gian hơn 2 tháng nghỉ hè, giáo viên, nhân viên, ban giám hiệu phải thay phiên nhau trực 24/24 giờ.

Bat giao vien truc he vi khong co tien thue bao ve?
Tại nhiều trường học ở nông thôn, giáo viên phải thay nhau trực hè vì trường không có kinh phí thuê bảo vệ. Ảnh: Q. Ngữ

Theo chia sẻ của một lãnh đạo trường THCS ở huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), chuyện huy động giáo viên trực hè là bất khả kháng vì nhà trường không có nguồn kinh phí thuê ít nhất 2 bảo vệ trực trường trong thời gian hè. Trong khi đó tình hình trộm cắp diễn biến phức tạp, nhiều nơi trộm đột nhập vào trường học lấy cắp tivi, máy vi tính và trang thiết bị có giá trị.

Do đó trước nghỉ hè trường họp toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên để phân công trực trường. Mọi người cùng chia sẻ trách nhiệm để đảm bảo an toàn nhà trường, nhất là bảo vệ tài sản chung.

Một giáo viên cho biết thêm: “Trước nghỉ hè, nhà trường họp lấy ý kiến của tập thể về việc trực trường. Từ đó phân công nhau trực, ai hoàn cảnh khó khăn, nhà ở xa, con nhỏ thì không trực. Còn lại chia theo ca, ai bận việc thì nhờ người khác trực giúp. Mùa hè, giáo viên vào trường vừa trực vừa làm công tác bồi dưỡng học sinh hoặc làm thiết bị, đồ dùng dạy học, hỗ trợ hồ sơ tuyển sinh… Việc trực trường góp phần đảm bảo an ninh trường học, bảo quản thiết bị. Tất cả giáo viên trực trường chúng tôi đều được chi trả tiền làm thêm ngoài giờ”.

Còn một số giáo viên mầm non cho biết, mùa hè giáo viên phải vào trực trường, làm đồ dùng dạy học nhưng không được chi trả tiền làm thêm ngoài giờ!

Hạn chế bố trí giáo viên trực hè

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy định chế độ làm việc của giáo viên phổ thông không có quy định giáo viên phải trực hè. Cụ thể, quy định chế độ làm việc với giáo viên mầm non, phổ thông: Thời gian nghỉ hè của giáo viên mầm non là 8 tuần (quy định tại Thông tư số 48/2011/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên mầm non); đối với giáo viên phổ thông là 2 tháng (quy định tại Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐT quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, Thông tư số 15/2017/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông ban hành kèm Thông tư số 28/2009/TT-BGDĐ).

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT): Nếu trường hợp nhà trường bố trí giáo viên trực trường vào thời gian nghỉ hè để thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy định thì cần có kế hoạch cụ thể và bố trí cho giáo viên nghỉ bù hoặc thực hiện chi trả tiền làm thêm giờ theo quy định hiện hành.

Đặc biệt, trong thời gian hè, các vị trí việc làm trong các cơ sở giáo dục (trừ giáo viên trực tiếp giảng dạy) vẫn làm việc bình thường; vì vậy cần hạn chế tối đa việc bố trí giáo viên trực trường trong thời gian nghỉ hè để đảm bảo quyền lợi của giáo viên cũng như tiết kiệm kinh phí chi trả tiền làm thêm giờ.

Như vậy, trong suốt thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của giáo viên, căn cứ các quy định pháp luật hiện hành giáo viên cũng không phải tham gia trực trường. Việc trực hè là nhiệm vụ của ban giám hiệu và nhân viên các đơn vị trường học. Nếu xét về nhiệm vụ, giáo viên không có nhiệm vụ trực trường: Trông coi trường thì không đúng chức năng, nhiệm vụ - đây là việc của nhân viên bảo vệ. Xử lý giải quyết vấn đề văn bản, công văn đến… là nhiệm vụ của hiệu trưởng.

Do đó, việc phân công giáo viên trực để làm gì theo nhiều giáo viên cho biết là không rõ!

Bat giao vien truc he vi khong co tien thue bao ve?
Một số nơi giáo viên trực trường để bảo vệ tài sản, thiết bị. Ảnh: Q. Ngữ

“Ở huyện, chúng tôi thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT là không bố trí giáo viên trực hè. Vì thời gian hè là thời gian nghỉ ngơi của đội ngũ giáo viên. Họ phải được nghỉ đủ 2 tháng theo quy định. Còn việc trực hè được giao cho ban giám hiệu và nhân viên trường học.

Vì trường học thì không thể bỏ trống trong suốt 2 tháng hè, bên cạnh đó còn nhiều việc cần giải quyết trong dịp hè như tiếp nhận học sinh mới, tiếp nhận bảo hiểm tai nạn, thông báo kế hoạch học tập… nên trường phải có lực lượng làm việc trong giờ hành chính”, ông Đoàn Văn Trí - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho hay.

Còn theo cô Nguyễn Hoài Thu - Hiệu trưởng Trường TH Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang): “Theo quy định, giáo viên phải được nghỉ hè đủ 2 tháng và được hưởng đầy đủ lương, phụ cấp. Còn ban giám hiệu và nhân viên trường học phải trực trường, làm việc hành chính trong thời gian nghỉ hè.

Nếu nhà trường nào bắt giáo viên trực hè là vi phạm quy định Luật Lao động, vi phạm Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên. Nếu phân công giáo viên trực hè thì phải có sự thống nhất của tập thể và giáo viên phải được trả chế độ làm thêm giờ theo quy định”.

Theo Quốc Ngữ (GD&TĐ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI