Tăng chiết khấu, ưu đãi
Theo thống kê của batdongsan.com.vn, trong hai năm qua, mức độ quan tâm bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng giảm mạnh đến 41% so với năm 2020, xu hướng này diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành. Trong đó Ba Vì (TP.Hà Nội) giảm tới 66%, Lương Sơn (Hòa Bình) giảm 60%, Hòa Vang (Đà Nẵng) giảm 60%... dù số lượng dự án BĐS nghỉ dưỡng xây mới vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
|
Vấn đề cấp giấy chủ quyền cho condotel - phân khúc lớn nhất của bất động sản nghỉ dưỡng - vẫn đang phải chờ khung pháp lý, đó là một trong các lý do lớn khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục ảm đạm (trong ảnh: Dự án Alma Resort Cam Ranh) - Ảnh: N.Bích |
Báo cáo thị trường BĐS quý II/2022 của Công ty DKRA Việt Nam cho thấy, 6 tháng đầu năm 2022 có 26 dự án biệt thự nghỉ dưỡng mở bán với hơn 2.700 căn, tăng 53% so với cùng kỳ. Phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng ghi nhận nguồn cung mới với 5.145 căn thuộc 23 dự án, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng condotel ghi nhận sự sụt giảm nguồn cung, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới khoảng 59%, bằng 58% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo DKRA, dù có dấu hiệu khởi sắc, nhưng thị trường BĐS nghỉ dưỡng không mấy sôi động vì nguồn vốn đổ vào đang bị hạn chế, trong khi BĐS nghỉ dưỡng lại là phân khúc mang tính đầu cơ rất cao. Trước bối cảnh hiện nay, để cải thiện tình hình, chủ đầu tư các dự án đã tung ra rất nhiều chính sách khuyến mãi, chiết khấu nhưng tình hình không cải thiện mấy.
Điển hình, dự án Venezia Beach (Hồ Tràm - Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) do Công ty cổ phần Thương mại và dịch vụ Danh Việt và Công ty cổ phần Hưng Vượng Developer phát triển chiết khấu tới 15% khi thanh toán sớm, thanh toán 22% nhận nhà… Dự án Ixora Hồ Tràm (giai đoạn 2) của Công ty TNHH dự án Hồ Tràm cũng chiết khấu từ 3 - 7% tùy mức độ thanh toán. Khu nghỉ dưỡng Charm Hồ Tràm Resort do Tập đoàn DCT Group - Charm Group làm chủ đầu tư cam kết lợi nhuận với lãi suất 6,5% trong ba năm tại thời điểm bàn giao, sau 3 năm sẽ chia sẻ lợi nhuận… Dự án phố thương mại Selashine (TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang) do TTC Phú Quốc làm chủ đầu tư cũng cam kết lợi nhuận 1,2 tỷ đồng, 5 năm chia sẻ lợi nhuận và hỗ trợ lãi suất 0% trong 12 tháng kể từ ngày giải ngân, với khoản vay tối đa bằng 60% giá trị...
“Đứng hình” vì chờ khung pháp lý
Chuyên gia kinh tế Trần Nguyên Đán - giảng viên Trường đại học Kinh tế TPHCM - nhận định: Bản chất của BĐS nghỉ dưỡng là chỉ có dòng tiền khi có du khách. Sau dịch COVID-19, du khách đã trở lại Việt Nam nhưng chưa nhiều. Căn hộ condotel - sản phẩm chiếm số lượng lớn trong phân khúc BĐS nghỉ dưỡng - lại khó chuyển nhượng, khung pháp lý chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh đó hiện tình hình lạm phát, ngân hàng siết tín dụng, lãi suất có xu hướng tăng cao đã ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chi trả của những khách hàng sử dụng đòn bẩy tài chính. Tình hình đó khiến các nhà đầu tư càng thận trọng hơn khi quyết định.
Ông Nguyễn Quốc Anh - Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn - nhận định mức độ quan tâm BĐS nghỉ dưỡng giảm chính vì khung pháp lý của phân khúc này chưa đầy đủ. Thứ nhất, chưa có khái niệm cụ thể về BĐS du lịch trong các văn bản pháp lý ngành xây dựng và kinh doanh BĐS. Thứ hai, chưa quy định chế tài cụ thể về trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc đưa ra và thực hiện cam kết lợi nhuận khi chào bán sản phẩm trong các dự án BĐS du lịch. Thứ ba, chưa công nhận quyền sở hữu hợp pháp (sổ hồng) cho nhà đầu tư thứ cấp với hầu hết các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.
“Hiện nay chi tiêu du lịch bị ảnh hưởng do các biến động tiêu cực trên thế giới, tín dụng vào BĐS nghỉ dưỡng bị siết chặt do đây là loại hình nặng tính đầu cơ. Tuy nhiên, vì đây là phân khúc có tiềm năng dài hạn từ thị trường du lịch nên nguồn cung vẫn tăng, quỹ đất dồi dào và khung pháp lý về cấp giấy chứng nhận đã có dự thảo, đang chờ hoàn chỉnh” - ông Anh phân tích.
Theo ông Võ Hồng Thắng - Phó giám đốc R&D DKRA Việt Nam - dự báo nguồn cung mới condotel 6 tháng cuối năm sẽ tăng, cung cấp ra thị trường khoảng 2.000 - 2.500 căn, tập trung phần lớn tại tỉnh Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu và Quảng Bình. Nguồn cung biệt thự nghỉ dưỡng và nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng 6 tháng cuối năm duy trì ở mức ổn định, tương đương với những tháng đầu năm. “Dự báo sắp tới thị trường BĐS nghỉ dưỡng sẽ có sự phân hóa lớn. Sức cầu chung thị trường có thể tăng nhẹ, nhưng giao dịch tập trung chủ yếu ở phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng, biệt thự nghỉ dưỡng và tập trung vào những dự án được phát triển bởi các chủ đầu tư lớn, uy tín. Những dự án còn lại sẽ tiếp tục khó khăn hơn” - ông Thắng nhận định.
Bích Trần