Bất động sản “bỏ phố về vườn" đang xì hơi

16/10/2022 - 06:59

PNO - Sau một thời gian đua nhau ôm đất vườn, đất ruộng, đất trồng cây... Nay, nhiều nhà đầu tư kêu bán cắt lỗ vẫn trầy trật, không người mua.

Bán lỗ vẫn không ai mua

“Cần tiền bán gấp, bán đất rẻ, đất ngộp…” là những thông tin không khó tìm kiếm trên các trang mạng xã hội, rao bán, môi giới bất động sản trong thời gian gần đây. Chị N. đang rao bán hơn 1,8ha đất ở thôn 4, xã Lộc Nam, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng với giá 9 tỷ đồng. Theo chị N. khu vực này giá thấp nhất phải 550 triệu đồng/sào do cần tiền gấp nên chị bán hạ giá hết cở, thậm chí còn thương lượng nhưng nay gần 3 tháng vẫn chưa bán được. 

Tương tự, anh H. chia sẻ: “Do cần tiền đáo hạn ngân hàng gấp nên anh đã đăng bán miếng đất thổ cư 122 m2 tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, cách Quốc Lộ 20 khoảng 100 m với giá 1 tỷ đồng nhưng cả tháng không ai mua. Hiện anh H. đã giảm giá xuống còn 800 triệu đồng mà vẫn chưa thấy ai hỏi mua. 

Hay anh P. cũng đang cần bán gấp miếng đất giá rẻ hơn xung quanh gần phân nửa vì kẹt tiền tái đầu tư. Theo anh P., lô đất có diện tích 5.153 m2, đường nhựa 7m, sổ riêng tại xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng hạ giá còn 2,4 tỷ đồng, được xem là giá rẻ nhất khu vực, vậy mà vẫn chưa bán được. 

thong
Thông tin rao bán đất ngộp ở các tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian gần đây

Không chỉ ở khu vực tỉnh Lâm Đồng, khu vực tỉnh Đaklak, Gia Lai… nhiều nhà đầu tư cũng bắt đầu rao bán giảm giá cắt lỗ các sản phẩm bất động sản. “Chủ đất cần tiền lo việc gia đình cần bán nhanh miếng đất có diện tích 2.529 m2, mặt tiền dài hơn 42 m2 ở Krong Năng, Daklak với giá 999 triệu đồng, giảm 250 triệu đồng” – anh D. đăng tin. Hay lô đất 6x60 tại Ea Kao, TP. Buôn Mê Thuộc được anh B. rao bán hạ giá từ 960 triệu đồng xuống còn 860 triệu đồng nhưng cả tháng vẫn chưa bán được.

Anh K. (một nhà đầu tư ở TPHCM) chia sẻ: “Do cần tiền gấp để xoay sở việc kinh doanh, tôi đăng rao bán gấp nền đất 3,1 sào (3.100 m2) ở tỉnh Lâm Đồng với giá 2,5 tỷ đồng, giảm hơn 300 triệu đồng so với mặt bằng giá chung, nhưng đến nay vẫn chưa có khách nào chốt. 

Lãi
Lãi suất tăng, tín dụng hạn chế nhiều nhà đầu tư đuối đành phải thoát hàng khi sử dụng đòn bẩy.

Theo một môi giới đất nền khu vực Lâm Đồng, thời gian gần đây nhà đầu tư gửi sản phẩm đất sào, đất vườn, đất đồi để bán tăng cao, phần lớn các nhà đầu tư bị ngộp tài chính cần bán gấp để có dòng tiền. Hiện nhiều chủ đất đã có mức chiết khấu 5-20% nhưng vẫn không tìm được người mua. 

Nhu cầu mua đất nền giảm mạnh

Báo cáo thị trường bất động sản quý III/2022 của Tập đoàn DKRA Group cho thấy, sức cầu thị trường đất nền có xu hướng giảm, tỷ lệ tiêu thụ đạt khoảng 52%, mức thấp nhất kể từ thời điểm đầu năm. Lượng tiêu thụ trong quý chỉ đạt khoảng 550 nền, tương đương 52% nguồn cung mới, giảm 77.8% so với quý trước. “Thanh khoản thị trường ở mức thấp nhất, ghi nhận cục bộ một số khu vực, dự án có hiện tượng giảm giá đáng kể do nhà đầu tư áp lực tài chính. Sắp tới giá thứ cấp sẽ chững lại và xuất hiện giá giảm cục bộ” - ông Võ Hồng Thắng – Phó giám đốc R&D DKRA Group nhận định.

Còn dữ liệu lớn của Batdongsan.com.vn phản ánh mức độ quan tâm đến bất động sản trên cả nước đã giảm đáng kể từ thời điểm tháng 3/2022. Nhiều tỉnh thành chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý 3.2022 giảm so với quý trước. Đơn cử như Hải Phòng ước tính giảm 19%, Đà Nẵng giảm 12%, Cần Thơ giảm 14%. Nhiều tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Bình Dương, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chứng kiến mặt bằng giá rao bất động sản thấp tầng (tính gộp đất, đất nền dự án và nhà riêng) tăng nhẹ so với quý III/2022, với mức tăng từ 1 đến 11%. Tuy nhiên, nhu cầu tìm mua bất động sản thấp tầng ở các tỉnh này sụt giảm mạnh từ 19% đến 33%.

Thanh
Thanh khoản thị trường hiện đang thấp nhất, đất sào, đất vườn đua nhau thoát hàng.

Khảo sát thực tế của Batdongsan.com.vn với các nhà môi giới cho thấy giao dịch bất động sản hiện đang gặp nhiều khó khăn. Trong đó, 36% số người được hỏi cho biết rào cản lớn nhất là khách hàng lo sợ thị trường tiêu cực nên không dám đầu tư vào bất động sản, 23% chia sẻ giao dịch không thể chốt thành công do khách hàng bị hạn chế trong vay vốn, 19% nhận thấy trở ngại chính là giá bất động sản quá cao so với khả năng tài chính của người mua.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Anh - Giám đốc Batdongsan.com.vn, thanh khoản thị trường đi xuống dưới tác động từ siết dòng tín dụng, thậm chí xuất hiện nhiều tình trạng nhà đầu tư phải bán tháo, cắt lỗ trong giao dịch sang nhượng thứ cấp vì ngộp vốn. Quý IV/2022 thường là mùa cao điểm với bất động sản nhưng trước diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, tâm lý tiêu dùng yếu, rất khó phán đoán thanh khoản của thị trường thời điểm cuối năm.

Ông Trần Văn Dũng - Tổng giám đốc Công ty bất động sản Trường Phát cho rằng, trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản đang khó khăn, lãi suất tăng, tin dụng hạn chế như hiện nay, câu chuyện cắt lỗ là có. Việc áp lực về tài chính mà giao dịch thị trường chậm như hiện nay khiến các nhà đầu tư phải chấp nhận cắt lỗ. Nhưng đối với thị trường hiện tại xu hướng đang thiên về bán cắt lãi hơn vì đa số những người bán đất nền ở thời điểm hiện tại họ đã mua cách đây khoảng 1-2 năm trước. 

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI