Giao dịch ảm đạm, doanh nghiệp “chết lâm sàng”
Theo ghi nhận của chúng tôi, thị trường bất động sản (BĐS) đang rơi vào tình trạng ảm đạm chưa từng có. Tại các sàn giao dịch BĐS, lượng khách hàng ghé đến mỗi ngày chỉ vài người. Thậm chí, có sàn không có khách nào đến giao dịch trong nhiều ngày liên tục.
|
Nhiều dự án bất động sản đang “chết đứng” vì dịch bệnh COVID-19. Trong ảnh: dự án Kenton Node (huyện Nhà Bè, TPHCM) sau một thời gian xây dựng, hiện gần như đã dừng thi công toàn bộ |
Các quận phía đông của TPHCM gồm Q.2, Q.9, Q.Thủ Đức... từng là nơi tập trung nhiều dự án, lượng giao dịch sôi động nhất thành phố nhưng gần đây, từ phân khúc nhà phố, biệt thự, đất nền đến căn hộ đều không mấy khả quan. Đại diện nhiều sàn giao dịch cho biết, lượng khách hàng giảm khoảng 60-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá từ 5-10% so với mức giá rao bán trước đó nhưng vẫn không tìm được khách mua.
Hiện trên các trang mạng xã hội, dễ dàng bắt gặp các thông tin quảng cáo đất ở đường Lê Văn Việt, Nguyễn Xiển, Phan Chu Trinh, Phú Hữu (Q.9)... với mức giá thấp hơn từ 5-7 triệu/m2 so với cách đây vài tháng, nhưng vẫn không có người mua. Nhiều chủ đất rao “do cần tiền, muốn bán nhanh, giảm giá” kèm nhiều chương trình khuyến mãi nhưng cũng không “ra” hàng được.
|
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đóng cửa |
Tương tự, ở Q.12, H. Hóc Môn, nhiều chủ đầu tư đã tìm cách giảm giá để thu hút nhà đầu tư, nhưng tình hình giao dịch vẫn ảm đạm.
Doanh thu hạn hẹp, nhiều công ty địa ốc phải đóng cửa, giảm nhân sự hoặc cho nhân viên làm không lương, chỉ hỗ trợ tiền xăng xe, nếu có giao dịch thì “ăn” hoa hồng. Đại diện sàn giao dịch BĐS V.T. (trụ sở ở Q.7) cho biết, công ty vừa quyết định cắt giảm từ 170 nhân viên xuống còn 30 người để hoạt động cầm chừng, hy vọng khi hết dịch, thị trường sẽ hồi phục.
Một công ty khác có trụ sở ở Q.2, lúc đang ở thời kỳ vàng son, lượng nhân viên lên đến hơn 350 người thì nay chỉ còn ban lãnh đạo công ty và không tới 10 nhân viên. Nguyên nhân một phần do dịch bệnh, một phần do không có dự án để bán.
Tập đoàn Trần Anh - một doanh nghiệp BĐS lớn ở tỉnh Long An - quản lý 12 sàn giao dịch BĐS nhưng hiện cũng phải đóng cửa bốn sàn do không có khách đến giao dịch.
Trong khi đó, Công ty BĐS Country Holding đã đóng cửa, dừng mọi hoạt động và chia toàn bộ tài chính cho các cổ đông.
Theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam - trong tổng số khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS trên cả nước, hiện có khoảng 1/3 số sàn phải đóng cửa. Ngoài ra, hiện có khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động một phần. Phần lớn các sàn còn lại vẫn hoạt động do vẫn chưa bán được số hàng ôm trước tết, nhưng tình hình giao dịch rất chậm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, khoảng cuối năm 2018, cả nước có khoảng 1.000 sàn giao dịch BĐS, trong đó riêng TPHCM có khoảng 300 sàn. Nhưng hiện nay, các sàn rơi rụng rất nhiều hoặc chủ yếu hoạt động cầm chừng. Đặc biệt, ở các tỉnh, thành như Nha Trang, Đà Nẵng, Bình Thuận, Quy Nhơn... có gần 90% số sàn đã đóng cửa.
Tồn kho, nợ nần chồng chất
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện hàng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đang tăng rất nhanh. Giá trị hàng tồn kho hiện đã tăng khoảng 38% so với cùng kỳ năm trước, lên đến khoảng 223.474 tỷ đồng. Trong đó, có 24 doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho trên 1.000 tỷ đồng, bốn tập đoàn BĐS có giá trị hàng tồn kho từ 4.200-7.397 tỷ đồng.
Do không có hàng để bán hoặc không bán được hàng, hầu hết các doanh nghiệp BĐS niêm yết trên sàn chứng khoán đều có kết quả kinh doanh sụt giảm. Hiện mức tăng trưởng bình quân của đa số các doanh nghiệp BĐS niêm yết chỉ ở mức khoảng 7%, lợi nhuận sau thuế trung bình chỉ khoảng 11%, trong khi mức tăng trưởng trong năm 2018 là 47%.
Theo Hiệp hội BĐS TPHCM, sự gia tăng hàng tồn kho đang là gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp BĐS và nền kinh tế của đất nước. Đặc biệt, hàng tồn kho đã ra thành phẩm nhưng chưa bán được sẽ ảnh hưởng đến tính thanh khoản, có thể khiến doanh nghiệp phá sản. Hàng tồn kho thuộc nhóm dự án dừng triển khai, chưa ra sản phẩm sẽ khiến chi phí, lãi vay của doanh nghiệp ngày càng phình to, đẩy doanh nghiệp sớm rơi vào tình thế khó khăn.
Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Chứng khoán SSI, các công ty BĐS đang trở thành “ông trùm” vay nợ của khách hàng thông qua trái phiếu BĐS. Cụ thể, tổng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp BĐS phát hành trong hai tháng đầu năm 2020 lên đến 11.639 tỷ đồng (chiếm khoảng 60% tổng lượng trái phiếu do các doanh nghiệp đang phát hành cả nước).
Lượng trái phiếu phát hành nhiều nhất trong tháng 2/2020 là của Công ty Đầu tư phát triển BĐS TNR Holdings Việt Nam, với 1.943 tỷ đồng trái phiếu 5 năm, chia làm 40 lô phát hành. Trước đó, trong tháng 1/2020, doanh nghiệp này cũng đã phát hành 1.441 tỷ đồng trái phiếu 3 năm, chia làm 30 lô. Toàn bộ trái phiếu đều có lãi suất cố định 10,9%/năm.
Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong hai tháng đầu năm 2020, kinh doanh BĐS là một trong ba ngành có số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2019.
Bên cạnh đó, trong danh sách doanh nghiệp đăng ký tạm dừng kinh doanh có thời hạn, số lượng doanh nghiệp BĐS chiếm tỷ lệ cao nhất, lên đến 75,5%. Trong số các doanh nghiệp làm thủ tục giải thể trong hai tháng đầu năm 2020, doanh nghiệp BĐS thuộc nhóm tăng cao nhất, lên đến 53,7%.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, hiệp hội vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị bổ sung doanh nghiệp BĐS là đối tượng được xem xét gia hạn tiền thuế giá trị gia tăng vào dự thảo nghị định của Chính phủ về gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch CoVID-19; xem xét chỉ đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam gia hạn 5 tháng đối với tiền nợ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp; kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho giãn tiến độ trả nợ vay tín dụng và không chuyển sang nhóm nợ xấu đối với các khoản nợ đến hạn của doanh nghiệp; tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn về quy trình hành chính thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp.
COVID-19 đang thanh lọc những doanh nghiệp "tay không bắt giặc"
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - thị trường BĐS đang lâm vào tình thế rất khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, việc các sàn giao dịch BĐS đồng loạt phá sản là không lạ. Thời gian qua, các sàn giao dịch BĐS được lập ra quá dễ dàng do chỉ cần hai người có chứng chỉ hành nghề môi giới là được thành lập công ty. Nhiều nhân viên kinh doanh chỉ mới mon men vào nghề cũng ra lập công ty. Thậm chí có công ty không có văn phòng, chỉ cần mượn một quán cà phê làm “trụ sở”. Do đó, hàng loạt sàn phải đóng cửa là điều dễ hiểu và cần thiết để thanh lọc thị trường.
Đối với các doanh nghiệp có năng lực thực sự nhưng khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, ông Châu đề nghị, cần tận dụng thời gian này để tái cấu trúc doanh nghiệp theo hướng tinh gọn; tái cơ cấu đầu tư, cơ cấu lại sản phẩm theo hướng coi trọng phát triển sản phẩm nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu ở thực của đông đảo người tiêu dùng.
|
Hùng Phan