Gia đình tôi có 3 anh em, tôi là con thứ, anh trai cả đi du học Úc từ năm 17 tuổi, hiện giờ đã định cư cùng vợ con ở Úc. Công việc quá bận nên vài năm anh mới về thăm nhà một lần. Do vậy, bố tôi xem tôi như con trưởng, ông đặt nhiều kỳ vọng vào tôi trong việc chăm sóc đại gia đình. Từ khi lớn lên, tôi đã tự nhủ sau này sẽ lo cho bố và em gái thật tốt. Nhưng giờ đây, tôi đang đứng giữa hai lựa chọn thật khó khăn, khi phải chọn giữa gia đình nhỏ của riêng mình hay cố giữ gìn lời hứa năm xưa với bản thân là sẽ luôn bên cạnh trông nom bố và em gái.
Bố mẹ tôi sinh anh cả xong hơn mười năm sau mới sinh tôi nên khi tôi vào đại học, bố đã ngoài 50. Mẹ tôi mất ngay sau khi sinh em gái tôi nên bố tôi gà trống nuôi con một mình. Về kinh tế, ông không quá cực nhọc do nhà nội tôi khá giả, nhưng đàn ông chăm sóc con vốn không phải chuyện dễ dàng, huống gì cả ba đứa. Họ hàng nhiều lần giới thiệu người này người kia những mong bố có người phụ nữ đỡ đần sớm hôm, nhưng bố tôi không đồng ý, sợ cảnh mẹ ghẻ con chồng.
|
Bố tôi "gà trống nuôi con" do mẹ tôi mất sớm. Đặc biệt bố rất thương và chiều chuộng em gái út do em tôi bị bệnh tim bẩm sinh. Ảnh minh họa |
Năm tháng trôi đi, chúng tôi lớn lên và học hành đỗ đạt cả, anh cả thành tiến sĩ, tôi cũng lấy bằng thạc sĩ ở Úc nhưng về Việt Nam làm việc. Em gái út do bị tim bẩm sinh nên việc học gặp khó khăn và phải kéo dài nhưng cũng lấy được bằng đại học trong nước. Tôi về nước được nhiều công ty mời làm việc, thu nhập rất khá do ngành học của tôi đặc thù, không nhiều "nhân tài". Bố thấy tôi đã ổn định nên giục tôi lấy vợ. Thời điểm đó bạn gái tôi (là người cùng học thạc sĩ với tôi ở Úc nhưng khác chuyên ngành) cũng đề cập tới chuyện cưới xin vì hai đứa đã 27 tuổi.
Tôi dẫn em về ra mắt, bố vui vẻ đồng ý vì thấy em có học vấn tốt, con nhà gia giáo, lại cùng ở Hà Nội. Thế là chúng tôi lấy nhau. Nhà tôi rộng, bố cắt riêng tầng ba để vợ chồng tôi sinh hoạt riêng tư cho thoải mái, bố và em gái tôi ở tầng hai. Tôi cứ đinh ninh rằng một gia đình toàn người có học vấn cao, nhận thức xã hội tốt thì sẽ khó nảy sinh va chạm. Nhưng khi vào thực tế mới nhận ra điều đó không hẳn đúng.
Vợ tôi học cực giỏi, làm việc chăm chỉ, chuyện bếp núc cực khéo, lại ngăn nắp gọn gàng. Nhưng chính vì bản thân nhiều ưu điểm, em đâm ra đòi hỏi cao ở người khác. Em gái tôi do sức khoẻ kém nên từ nhỏ được cả nhà nuông chiều, tính tình vì thế hơi trẻ con, mơ mộng dù tuổi đã lớn. Vợ tôi thấy thế rất không vui. Em gái tôi mê một nhóm nhạc Hàn Quốc, một năm ít nhất hai lần phải mua vé sang đó xem show của thần tượng. Số tiền đó là tiền bố và tôi cho em, chứ thu nhập của em chỉ ở mức trung bình, đủ chi xài cho bản thân.
|
Vợ tôi gay gắt phản đối chuyện em chồng đòi mở shop hoa tươi dù không có kế hoạch kinh doanh rõ ràng. Ảnh minh họa |
Do không phải chịu áp lực kiếm tiền nên em cũng chểnh mảng chuyện công việc, ở đâu sếp hơi đòi hỏi quá là em xin nghỉ, một năm em nhảy việc hai ba lần là bình thường, chính vì thế đi làm mấy năm lương em vẫn lẹt đẹt. Tôi và bố trước vẫn kệ em thích làm sao cũng được, nhưng vợ tôi thấy thế rất chướng mắt. Không ít lần em nói thẳng với em chồng trước mặt bố chồng là "muốn tiêu tiền thoải mái em phải cố tự mình kiếm ra, đừng ỷ nhà mình khá giả rồi tiêu pha vô tội vạ".
Khi em gái tôi bỏ việc lần thứ n và thông báo muốn vay tiền bố và anh mở tiệm bán hoa tươi, vợ tôi phản đối quyết liệt. Em viết hẳn thư dài 5 trang A4 gửi em gái tôi, trong đó em kể nhà em còn giàu hơn nhà tôi nhưng từ nhỏ em đã có ý thức về việc tự kiếm tiền, cố gắng học hành, nỗ lực làm việc ra sao để giờ leo được lên một vị trí nhiều người mơ ước.
Vợ tôi còn phân tích tất cả những điểm xấu của em gái tôi như ỷ lại, lười biếng, tự mãn, ham hưởng thụ... và kết tội cả bố tôi cùng anh em tôi vì đã "dung dưỡng" những thói xấu đó cho em gái. Cuối thư em khẳng định, shop hoa tươi của em tôi sẽ sớm dẹp tiệm vì ế khách nếu em tôi vẫn tiếp tục sống kiểu mơ mộng trên trời và làm mọi thứ bất cần kế hoạch như hiện tại. Em còn nói với tư cách là vợ tôi, em sẽ không cho tôi đưa tiền giúp em gái mở tiệm, trừ khi em tôi đưa ra được một bản kế hoạch kinh doanh rõ ràng, chi tiết và hợp lý.
|
Mối quan hệ chị dâu em chồng giữa vợ và em gái tôi ngày càng đi xuống do sự khác biệt trong cách nghĩ. Ảnh minh họa |
Em gái tôi sốc nặng, khóc như mưa khi gọi cho tôi. Thâm tâm tôi biết vợ mình không sai, nhưng cái nếp bao năm nay ở gia đình tôi đâu dễ gì thay đổi được. Bố tôi vì chuyện đó đã lạnh nhạt với vợ tôi cả tháng liền. Còn em gái tôi thì lôi bao ấm ức với chị dâu ra "mách" tôi, như chuyện mỗi lần em làm bánh vợ tôi đều chê (hôm thì khô quá, hôm lại thừa ngọt) chứ không "chuẩn" như vợ tôi làm. Rồi cả chuyện vợ tôi hay "thái độ" với người làm trong nhà (cô vốn là em họ xa của bố tôi ở quê lên giúp việc), kiểu nói năng hách dịch, hay soi mói bát đĩa rửa chưa sạch hay nhà cửa không gọn gàng.
Em cũng trách móc chị dâu thường bỏ mặc chuyện trông con cho ông nội suốt cả buổi tối, dù ông đã phải trông cháu cả ngày còn mình thì lên phòng ôm laptop (con tôi chưa được hai tuổi, cả nhà thống nhất 3 tuổi mới cho con đi mẫu giáo). Rồi khi bố tôi dạy dỗ gì đó thì vợ tôi chỉ im lặng chứ không đáp lời lại. Tôi biết vợ tham công tiếc việc vì em làm giám đốc chi nhánh nên việc rất nhiều, em cũng có phần ỷ lại việc trông con cho ông nội vì thấy cháu quấn ông. Vốn không phải người nóng nảy nên tôi cũng chỉ nhỏ nhẹ khuyên vợ và em gái để hai người hiểu nhau hơn, nhưng càng ngày sự khác biệt trong cách nghĩ của vợ tôi và gia đình tôi càng khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt.
|
Tôi thực sự không biết phải làm sao để vẹn cả đôi đường khi vợ đòi chuyển đi xa sống. Ảnh minh họa |
Đỉnh điểm của mâu thuẫn xảy ra khi bố tôi vẫn quyết định đầu tư cho em tôi mở cửa hàng hoa và tuyên bố: “Chỉ cần nó thích, lỗ cũng được” và vợ tôi trả lời “Bố làm vậy là hại em, sau này bố mất rồi ai sẽ lo cho em? Miệng ăn núi lở, chỉ xài mà không làm ra thì tiền tấn cũng hết. Tụi con còn phải lo cho gia đình mình chứ không thể thay bố nuôi em cả đời được đâu”. Sau cuộc tranh luận đó, bố gọi tôi ra mắng tôi không biết dạy vợ và kết tội vợ tôi quá ích kỷ. Còn vợ tôi tuy không nói gì với tôi nhưng sau lưng tôi, em âm thầm xin tập đoàn cho chuyển vào làm việc trong một chi nhánh ở Sài Gòn.
Khi mọi việc xong xuôi, em mới báo cho tôi và yêu cầu tôi chuyển vào trong đó sống với lý do công việc của tôi vào đó có điều kiện thuận lợi hơn để thăng tiến và thu nhập cũng cao hơn. Tôi bày tỏ không muốn đi xa để dễ chăm sóc bố và em, nhưng vợ tôi khẳng định tôi đang làm "hư” em gái, và dù tôi không đi em vẫn sẽ đem con đi. Chỉ còn hai tuần nữa vợ tôi sẽ bàn giao xong công việc ở Hà Nội, tôi vẫn chưa biết phải làm thế nào. Xin hãy cho tôi lời khuyên để vẹn cả đôi đường.
Đ.A.