Trước những quy định dần nới lỏng của Cục NTBD về lĩnh vực thi người đẹp, dư luận đang rất hoang mang liệu Hoa hậu có còn được hiểu theo nghĩa là người có vẻ đẹp tự nhiên, nhan sắc hơn người?
Ngay những ngày đầu kiêm nhiệm chức Cục trưởng Cục NTBD, Thứ trưởng bộ VHTT&DL Vương Duy Biên đã có những phát ngôn đầu tiên về câu chuyện thi nhan sắc gây tranh cãi trong thời gian vừa qua.
Cụ thể, trong thời gian tới Cục NTBD sẽ có những quy định mới, nới lỏng để bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Dù chỉ mới là ý kiến đề xuất ban đầu nhưng vừa qua tại buổi họp báo ra mắt cuộc thi Nữ hoàng Trang sức 2017, Cục NTBD lại chấp thuận thể lệ của sân chơi này, cho phép thí sinh được chỉnh sửa sắc đẹp.
Như vậy, đây cũng là cuộc thi người đẹp đầu tiên tại Việt Nam chấp nhận thí sinh đã qua “dao kéo”, trong khi đó điều 19, nghị định 72/2012/NĐ-CP vẫn chưa thay đổi. Liệu sự đồng thuận lần này của Cục NTBD có thực sự mang tư duy tiến bộ, cầu thị hay chỉ làm cho tình hình thi người đẹp trở nên hỗn loạn?
|
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL, Cục trưởng Cục NTBD Vương Duy Biên phát biểu trong buổi họp báo ra mắt cuộc thi Nữ hoàng Trang sức 2017 |
Cho thí sinh PTTM thi nhan sắc, người trong cuộc nói gì?
Trước sự đồng thuận của Cục NTBD với thể lệ của cuộc thi Nữ hoàng Trang sức 2017 và những đề xuất trong tương lai về chuyện thí sinh PTTM được tham dự các cuộc thi nhan sắc, chúng tôi đã liên lạc với một số người đẹp và bầu show để nghe được chia sẻ của họ với cùng một câu hỏi chung: “Anh/Chị nghĩ như thế nào về sự đồng thuận và đề xuất của cục NTBD về việc cho thí sinh đã qua chỉnh sửa nhan sắc tham dự? Điều này liệu có công bằng với những cô gái có vẻ đẹp tự nhiên?”.
|
Á hậu Nguyễn Thị Loan |
Á hậu Nguyễn Thị Loan, người từng có kinh nghiệm cọ xát với 2 đấu trường nhan sắc danh giá của thế giới: Hoa hậu Thế giới 2014 (dừng chân top 25), Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2016 (dừng chân top 20) cho biết cô đồng thuận với quan điểm này.
Nguyễn Thị Loan giải thích rõ: “Tôi cho rằng trước khi Cục NTBD đưa ra đề xuất hay gật đầu với thể lệ cho thí sinh PTTM tham gia các cuộc thi nhan sắc họ đều có sự cân nhắc kĩ lưỡng rồi. Thực tế, đây là xu hướng chung của thế giới mà chúng ta đang dần học hỏi. Việc can thiệp dao kéo mục đích cuối cùng cũng để giúp người phụ nữ trở nên tự tin, hoàn thiện vẻ ngoài như mong muốn.
Một khi đã tự tin vào bản thân, họ sẽ đủ năng lực để truyền cảm hứng, và đây cũng là mục tiêu của những sân chơi nhan sắc tầm cỡ thế giới, vẻ đẹp phải có sức lan tỏa. Tuy nhiên, tôi nghĩ chúng ta cũng nên có những hướng dẫn cụ thể cho việc chỉnh sửa hoặc đề cao vẻ đẹp tự nhiên, đừng để các cô gái đua đòi, cứ nghĩ sửa mới đẹp, mới làm hoa hậu được.
Hơn hết một nữ hoàng sắc đẹp, ngoài hình thể thì nhân cách, tri thức, tâm hồn, năng lực mới là những yếu tố nên được xem trọng.
Chúng ta thấy, những đứa trẻ sinh ra, đâu phải bé nào cũng may mắn sở hữu được vẻ ngoài sắc nước hương trời, đó đã là một sự không công bằng của tạo hóa. Vì thế, việc các cô gái chỉnh sửa nhan sắc chỉ để lấy lại công bằng cho họ, đặt vào một mặt bằng chung về vẻ ngoài, ban giám khảo sẽ tiếp tục đánh giá về nhân cách, tâm hồn, tri thức...
Nhiều hoa hậu nổi tiếng trên thế giới, có thể họ không thực sự quá nổi bật nhưng đóng góp tích cực cho xã hội. Trong khi đó, có người lại đẹp xuất chúng nhưng không làm được gì. Bấy nhiêu đủ để thấy nhan sắc không phải là yếu tố quyết định tất cả”.
|
Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 Đỗ Trần Khánh Ngân |
Hoa khôi Du lịch Việt Nam 2017 Đỗ Trần Khánh Ngân khá bất ngờ khi được biết về những đề xuất dự kiến của Cục NTBD: “Nghe xong, tôi thực sự vui mừng vì cuối cùng, Việt Nam chúng ta đã bắt kịp xu hướng của thế giới. Việc này từ lâu đã được nhiều nước thông qua. Tôi nghĩ giữa thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ và thí sinh đẹp tự nhiên không có gì là không công bằng cả bởi đây là quy định chung và bạn có quyền lựa chọn. Còn nếu đã tự tin ở vẻ ngoài thì việc chúng ta nên làm là tiếp tục rèn luyện những kỹ năng khác.
Hơn nữa, ban giám khảo cũng đâu cho rằng sẽ chấm điểm cô đẹp tự nhiên lớn điểm hơn cô phẫu thuật thẩm mỹ hay ngược lại?”.
|
Á khôi Áo dài Phương Linh |
Á khôi Áo dài Việt Nam 2016 Phương Linh (đại diện Việt Nam tại Hoa hậu Quốc tế 2016) cho rằng: “Tôi không có thành kiến với việc phẫu thuật thẩm mỹ. Trước nay, các cuộc thi tại Việt Nam đề cao những vẻ đẹp tự nhiên nên đây là lí do đa số các hoa hậu và người mẫu đều không thể đẹp ‘lộng lẫy nhất’ trong khoảnh khắc họ đăng quang. Sau khi đăng quang, họ mới có quyền phẫu thuật thẩm mỹ và toả sáng thực sự.
Trên thế giới rất nhiều đất nước, quốc gia đã phát triển hơn, cởi mở hơn và cho phép phẫu thuật thẩm mỹ trước khi thi hoa hậu. Sau đó, họ đại diện quốc gia đi thi những cuộc thi tầm cỡ thế giới và thực sự tỏa sáng với vẻ đẹp sau chỉnh sửa.
Trong khi đó, tại nước ta, sau khi đăng quang rồi mới đụng chạm dao kéo, sau đó mới tiếp tục đi thi quốc tế (nếu họ có cơ hội) và khoảng thời gian đó theo tôi là quá gấp gáp để họ làm quen, thích nghi và nhận ra nét đẹp sau chỉnh sửa.
Có thể nói, việc không cho phẫu thuật thẩm mỹ trước khi thi một cuộc thi sắc đẹp là hàng rào vô tình cản trở sự phát triển, nhận thức của các người đẹp hiện nay. Bây giờ, khi Cục NTBD đã có đề xuất thông qua việc cho phẫu thuật thẩm mỹ trước khi thi trong nước sẽ mở ra cho Việt Nam một cánh cửa mới, gần hơn với ngôi vị hoa hậu của các cuộc thi quốc tế”.
Trong khi đó, một người đẹp (không nêu tên) từng dừng chân ở top 10 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015, và cô đang có ý định dự thi một cuộc thi nữa trong năm nay cho rằng: “Tôi nghĩ đề xuất mới này thực sự không nên vì không công bằng với những cô gái mang vẻ đẹp tự nhiên.
Tôi đồng ý, sau khi đăng quang chúng ta có quyền hoàn thiện mình trong mắt công chúng bằng phẫu thuật thẩm mỹ nhưng nếu đã là một cuộc thi nhan sắc thì vẻ đẹp tự nhiên lúc nào cũng hay hơn cả. Nhưng tôi đồng ý với việc cho thí sinh làm răng khi tham dự các cuộc thi trong nước, còn việc sửa mũi, độn cằm,... thì không nên”.
|
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam có phần kiểm tra nhân trắc học rất kĩ càng, vì thế nhiều thí sinh phải tự rút lui vì đã qua chỉnh sửa |
Hai bầu show đang quản lý một số Hoa hậu, Á hậu lại đồng tình với đề xuất mới của phía Cục NTBD vì họ cho rằng đó cũng là cách giúp người phụ nữ đẹp hơn, đặc biệt khi ra quốc tế thì đáp ứng được tiêu chí về hình thể.
Ví dụ như ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, hình thể luôn được đề cao nhưng số đo tự nhiên hiếm mỹ nhân nào đạt được tỉ lệ vàng 90-60-90 nên việc can thiệp dao kéo là hoàn toàn hợp lí.
Nhưng một vị khán giả có thâm niên theo dõi các cuộc thi hoa hậu trên thế giới lại cho biết, dù việc phẫu thuật thẩm mỹ có giúp các cô gái tiệm cận đến chuẩn chung nhưng người này vẫn muốn giữ lại quy định trước nay bởi “Chúng ta nên hòa nhập hơn là hòa tan. Kì thực, trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng Hoa hậu là phải có vẻ đẹp tự nhiên, xuất chúng hơn người. Còn nếu cho chỉnh sửa thì một ngày nào đó, Thị Nở cũng làm hoa hậu được sao?”.
|
Ông Trần Ngọc Nhật, trưởng ban tổ chức Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam |
Ông Trần Ngọc Nhật, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cho rằng: “Đối với cuộc thi của chúng tôi, bắt buộc phải tuân thủ theo nghị định 79/2012/NĐ-CP là thí sinh phải có vẻ đẹp tự nhiên, chưa qua chỉnh sửa nhan sắc.
Nhưng ở đây, khái niệm chỉnh sửa nhan sắc, phẫu thuật thẩm mỹ nên hiểu như thế nào cho đúng thì chúng ta vẫn chưa có những quy định cụ thể.
Hiện tại, chúng tôi chỉ căn cứ vào việc thí sinh đó có đụng chạm dao kéo hay chưa, còn với những biện pháp thẩm mỹ không xâm lấn, không phẫu thuật, nằm ngoài quy định của pháp luật thì cần phải xem xét lại.
Tôi cho rằng việc chỉnh sửa nhan sắc là xu hướng chung mà các cuộc thi hoa hậu trên thế giới đã có, vì sao chúng ta hội nhập kinh tế, văn hóa mà vẫn chưa thông qua được việc này?
Tuy nhiên, luật vẫn còn đó, nhiệm vụ của chúng ta là làm đúng luật. Thêm nữa, việc thí sinh chỉnh sửa thẩm mỹ được tham dự các cuộc thi nhan sắc chỉ là mở thêm một cánh cửa để họ thể hiện tài năng, bản lĩnh, trí tuệ và sự tự tin. Việc này không có gì gọi là không công bằng với thí sinh đẹp tự nhiên cả, ai cũng có màu sắc riêng nên không thể mang ra so sánh. Đâu hẳn cô phẫu thuật thẩm mỹ sẽ đẹp hơn cô mang nét tự nhiên.
Kết quả cuối cùng ở một cuộc thi hoa hậu phụ thuộc vào ban giám khảo, họ gồm nhiều thành phần, có những đánh giá riêng chứ đâu phụ thuộc vào chuyện đẹp tự nhiên hay phẫu thuật thẩm mỹ?”.
Khi được hỏi về việc có ý kiến cho rằng khi chỉnh sửa nhan sắc theo đúng mong muốn, người phụ nữ sẽ tự tin thể hiện bản thân mình hơn và truyền được nặng lượng đến những người xung quanh, ông Trần Ngọc Nhật phản bác và giải thích cụ thể: “Với chúng tôi, vẻ đẹp truyền cảm hứng chính là thần thái, lối sống lành mạnh, sự tự tin, bản lĩnh của người phụ nữ hiện đại chứ chẳng liên quan gì việc phẫu thuật thẩm mỹ.
Ở đây giống như việc bạn sẽ tiếp xúc nhiều người trong cuộc sống, người sẽ khiến bạn hứng thú nói chuyện nhưng người lại không thể cho bạn một tí cảm xúc gì”.
Hoa hậu có còn là người mang vẻ đẹp xuất chúng?
Đến hiện tại, quy định về việc thi người đẹp tại Việt Nam vẫn được xem là khác biệt so với xu hướng chung của thế giới. Ngoài việc ra nước ngoài "thi đấu" phải xin phép cục NTBD thì Việt Nam vẫn là quốc gia hiếm hoi cấm thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ tham gia các cuộc thi nhan sắc trong nước, bên cạnh Pháp và Colombia.
|
Thí sinh tham dự Hoa hậu Pháp và Hoa hậu Colombia đều phải có vẻ đẹp tự nhiên |
Nhìn lại các cuộc thi hoa hậu, người đẹp trước nay, không khó để thấy tiêu chí đầu tiên để lựa chọn thí sinh là phải đáp ứng yêu cầu “có vẻ đẹp tự nhiên, chưa qua chỉnh sửa nhan sắc”. Dù đây là nét riêng nhưng lại bị xem là quy định lạc hậu so với xu hướng chung của thế giới bởi những cường quốc nhan sắc như: Venezuela, Mexico, Philippines,... đều chấp nhận thí sinh đã qua “dao kéo”.
Cơ bản, việc chỉnh sửa được cho rằng giúp các cô gái tự tin hơn, hoàn thiện vẻ đẹp hình thể hơn, đáp ứng được tiêu chí mà sân chơi nhan sắc thế giới ưa chuộng.
Từ những tháng cuối năm 2016 cho đến đầu năm 2017 này, câu chuyện về việc thí sinh chỉnh sửa nhan sắc trở nên “nóng” hơn bao giờ hết tại Việt Nam.
Trường hợp không thể không nhắc đến chính là cô gái mang tên Nguyễn Thị Thành. 8 chiếc răng sứ không chỉ buộc cô phải rời cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 mà còn kéo theo nhiều lùm xùm về chuyện ngụy tạo giấy tờ giả để qua mặt cơ quan chức năng, bôi nhọ ban tổ chức cuộc thi.
Theo sau Nguyễn Thị Thành là nhiều trường hợp thí sinh đã can thiệp dao kéo không thể phục hồi nguyên trạng và buộc họ phải chia tay giấc mơ trở thành Hoa hậu Việt Nam.
Đầu năm 2017, 8 chiếc răng sứ lại một lần nữa khiến dư luận ồn ào khi Nguyễn Thị Thành trở thành người đẹp đầu tiên trong lịch sử bị tước danh hiệu tại Việt Nam, kéo theo đó là việc thi “chui” tại Ai Cập ồn ào trong suốt một khoảng thời gian.
|
Nguyễn Thị Thành và câu chuyện 8 chiếc răng sứ ồn ào từ cuối năm 2016 đến những tháng đầu năm 2017 |
Nhưng liệu với đề xuất và sự đồng thuận của Cục NTBD tại Nữ hoàng Trang sức 2017, câu chuyện phẫu thuật thẩm mỹ ở các cuộc thi nhan sắc ở nước ta có trở nên quy củ hơn không?
Về lý thuyết, có thể cho rằng đây là hướng đi chung của thế giới và mở ra cơ hội cho những cô gái trẻ nhưng nếu được áp dụng thì giới hạn của việc chỉnh sửa sẽ đến mức nào, ai là người giám sát và thẩm định được tỉ lệ % thay đổi so với hình dáng ban đầu của các cô gái?
Rồi liệu khi chuyện phẫu thuật thẩm mỹ trở nên phổ biến ở các sân chơi nhan sắc, ai sẽ là người chịu trách nhiệm định hướng tư duy cho các cô gái trẻ.
Ở Pháp và Colombia, họ có luật giống Việt Nam nhưng vẫn gặt hái nhiều thành công ở các sân chơi nhan sắc hàng đầu thế giới, gần đây nhất có thể kể đến như: Paulina Vega (Colombia, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2014), Adriadna (Colombia, đăng quang Á hậu 1 Hoa hậu Hoàn vũ 2015), Andrea Tovar (Colombia, đăng quang Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ 2016), Iris (Pháp, đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ 2016), Flora Coquerel (Pháp, đăng quang Á hậu 3 Hoa hậu Hoàn vũ 2015)…
Thậm chí, cường quốc hoa hậu Venezuela, nơi thí sinh gần như được chỉnh sửa nhan sắc ngay từ khi còn rất nhỏ cũng phải trắng tay tại 2 cuộc thi lớn nhất hành tinh vào năm 2016: Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Hoàn vũ. Vì thế, cũng chẳng có căn cứ nào để cho rằng việc chỉnh sửa nhan sắc sẽ giúp các cô gái đại diện quốc gia thành công hơn ở các cuộc chơi này.
|
Iris, Hoa hậu Hoàn vũ 2016 người Pháp |
|
Venezuela "trắng tay" ở Hoa hậu Hoàn vũ 2016 |
Thi hoa hậu như việc đãi cát tìm vàng, khó khăn để tìm được 1 cá nhân xứng đáng đại diện cho nhan sắc, trí tuệ và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Vì thế, trong tâm tưởng của bao thế hệ người Việt, hoa hậu luôn là người xuất chúng, đầu tiên là về nhan sắc.
Vậy liệu nếu một ngày đẹp trời, luật được thông qua, thí sinh phẫu thuật thẩm mỹ ồ ạt tại các cuộc thi nhan sắc, có ai còn đủ niềm tin để cho rằng hoa hậu thực sự là người có nhan sắc xuất chúng hay cơ bản cũng chỉ là xuất phát điểm bình thường và trở thành một sản phẩm của công nghệ chỉnh sửa?
Thụy Khuê