Bất đắc dĩ phải dạy con học, mới biết thương cha chồng

26/02/2021 - 17:35

PNO - Những căng thẳng, khó chịu về cha chồng cứ dồn nén trong lòng chị, cho tới khi bất đắc dĩ phải làm cô giáo của hai con, chị mới hiểu và biết ơn ông biết nhường nào.

Là hàng xóm kế bên căn hộ chung cư của chị Thanh nên tôi đau đầu với tiếng la hét của chị: “Thấy cô giáo ghi rõ không? Có nhiêu thôi mà nãy giờ làm hoài không xong”.

Tôi chạy sang. Chiếc bàn nhựa kéo ra ngay cửa, còn "sách" là chiếc điện thoại nhỏ xíu của chị Thanh. Con bé phải dùng điện thoại của mẹ vì nhà không có máy vi tính.

Bài giảng tiếng Việt mà cô giáo gửi cho phụ huynh yêu cầu hỗ trợ con học chạy đều đặn. Mẹ hỏi đến câu gì, cô bé lại dí mặt xuống bàn để đọc những dòng chữ nhỏ xíu, rồi làm bài vào vở, hai hàng nước mắt chảy dài.

Thấy con viết mãi không được mấy chữ, chị Thanh lại cao giọng: “Học hành cái kiểu gì vậy? Có chịu tập trung không?”. Không kìm được, một bàn tay vung vào đầu cô bé.

Để làm dịu cơn giận của chị Thanh, tôi bèn mượn điện thoại của chị để xem nội dung bài học. Trong lúc đó bà mẹ đau khổ kể mỗi ngày cô giáo giao 4 bài, nhưng con không hoàn thành nổi 1 bài. Chưa ngày nào bé hoàn thành nhiệm vụ, chị thật sự xấu hổ với giáo viên.

Nỗi bực dọc, cáu gắt cứ bám lấy chị trong suốt tuần làm cô giáo của con - Ảnh: minh họa
Nỗi bực dọc, cáu gắt cứ bám lấy chị trong suốt tuần làm cô giáo của con (Ảnh minh họa)

Suốt những ngày con bé học qua tài liệu như vậy, chị như cái bong bóng thổi căng, chỉ cần đụng đến là nổ. Từ một người mẹ lúc nào cũng cưng con, giờ chị lại trở nên đáng sợ khiến đám trẻ không dám gần.

Chồng chị Thanh đi làm cả ngày, tối mịt mới về. Anh cũng không đủ kiên nhẫn để dạy con học nên nên đành bịt tai nghe tiếng vợ quát mắng, con khóc lóc.

Lâu nay, cha chồng của chị Thanh đảm nhận việc kèm cháu học. Trước tết ông về quê lo cúng kiếng và dự tính ở lại qua rằm tháng Giêng mới vào. 

Những ngày tết nhà vắng cha chồng, chị Thanh thấy cuộc như sống ở thiên đường vì sáng không phải dậy sớm lo cơm nước, ngày thì thoải mái đưa con đi uống cà phê mà không cần “nhìn ngó” biểu hiện của cha chồng. Mà thật ra, sự tự do trong cuộc sống gia đình chị, ông không hề can thiệp, chỉ là bản thân chị tự giới hạn. Vậy rồi nỗi bực dọc vô cớ sinh ra trong cách chị nghĩ về ông già 70.

Để đỡ đần con cái, ông nhận trách nhiệm theo dõi việc học của hai đứa nhỏ. Thế nhưng, việc dạy học của ông chưa bao giờ khiến con dâu hài lòng. Bực bội cha chồng ở chung vướng víu, chị suốt ngày càm ràm việc ông dạy quá nghiêm, khiến tụi nhỏ sợ. Rồi chị không vui khi cuối tuần ông vẫn bắt các cháu đúng giờ là ngồi vào bàn học, khiến chị không dám chở con đi cà phê.

Rồi lâu lâu cô giáo ở trường nhắn tin, chị lại sang kể lể với tôi: “Em coi nè. Cô mời họp mà ông không hề nói chị biết, chẳng chút yên tâm giao việc học của tụi nó cho ông”. 

Những căng thẳng, khó chịu như thế về cha chồng cứ dồn nén trong lòng, cho tới khi chị làm cô giáo "bất đắc dĩ" của hai con. Hò hét năm lần bảy lượt con mới ngồi vào bàn để học, rồi mới học một chút thì đủ lý do để đứng dậy ngóng ra hẻm. Bây giờ chị mới vỡ lẽ: Sao ông dạy tụi nó học nhẹ nhàng vậy nhỉ? Ông kêu một tiếng là tụi nhỏ ngồi ngay vào bàn, học chăm chú cho tới khi xong bài vở. Hay ông có bí quyết gì?

Bực bội vì phải nuôi cha chồng, chị chẳng thể vừa mắt khi thấy ông dạy cháu
Bực bội vì phải nuôi cha chồng, chị chẳng thể vừa mắt khi thấy ông dạy cháu (Ảnh minh họa)

Vợ chồng chị trông ông nội của tụi nhỏ từng ngày, dù ngoài miệng vẫn nói “ba cứ ở quê chơi”. Sáng nay, ông theo chuyến xe đêm để có mặt ở thành phố từ sớm. Vợ chồng chị thức dậy sớm đón cha chồng. Cửa mở, nhìn ông tay mang tay nải quà quê, chị Thanh xúc động, nhưng không quên "méc": “Không có ba, con hò hét với tụi nó cả ngày mà chẳng ăn thua. Ba không vô sớm là tụi này hư mất”.

Giáng Trân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI