Cha mẹ của Angela Piñeyro de Hoyos, sau đổi tên thành Angie Menchaca, kết hôn được 25 năm trước khi người chồng trở nên thô bạo. Không thể chịu đựng thêm, người vợ Marylu – lúc bấy giờ là nhà tâm lý học và giáo sư đại học ở Monterrey – cương quyết ly hôn.
|
Angie Menchaca và mẹ Marylu |
Chỉ vài ngày sau, Marylu bị một nhóm đàn ông mặc áo khoác trắng lôi ra khỏi nhà, bắt ép đến trại tâm thần. Tại đó, người mẹ hai con “được điều trị” bằng phương pháp giật điện mà không gây tê, không giãn cơ, không có điện tâm đồ hay được chăm sóc đúng cách.
Kinh khủng hơn, màn tra tấn này là ý tưởng của chính chồng bà, với sự giúp đỡ của gã anh chồng – vốn là nhà trị liệu tâm thần – nhằm tẩy não Marylu về vụ ly hôn.
Vào thời điểm Marylu được giải cứu, bà bị gẫy răng, tổn thương não và các khớp. Bi kịch không dừng lại ở đó – Marylu phát hiện cô con gái bốn tuổi đã mất tích.
Angie còn quá nhỏ để lưu giữ toàn bộ ký ức về vụ bắt cóc. Trong suốt 37 ngày bị giam cầm, cô bé chỉ ấn tượng với một căn phòng xa lạ, lạnh lẽo trước khi rời đến nơi trú ẩn mới lúc nửa đêm; giọng người cha khô khốc, than vãn rằng mẹ không còn yêu cha nữa; và cảm giác nhẹ nhõm khi cuối cùng cũng trở về vòng tay ấm áp của mẹ.
Sau những tổn thương sâu sắc mà chính mình và hai con gái phải trải qua, Marylu nhanh chóng quyết định từ mặt người chồng loạn trí, bỏ lại quá khứ để di cư đến Austin.
Bắt đầu cuộc sống mới không bao giờ đơn giản. Là nhà trị liệu tâm lý ở Monterrey, Marylu từng kiếm 100 USD/giờ nhưng công việc phỏng vấn viên điện thoại tại Austin chỉ đem đến 5,75 USD/giờ.
Hiểu được hoàn cảnh hiện tại, Venus chăm chỉ làm việc để phụ giúp gia đình. Cuộc sống tuy vất vả nhưng ba mẹ con được an toàn và bình yên bên nhau.
Thành phố Austin thân thiện tạo cơ hội cho cô bé Angie bộc lộ trí thông minh nhanh chóng. Chỉ trong bốn tháng đầu, Angie đã thành thạo tiếng Anh nhờ sự giúp đỡ của các bạn cùng lớp mẫu giáo.
Cô bé không chỉ là học sinh đến từ nước nói tiếng Tây Ban Nha duy nhất trong lớp mà còn là đứa trẻ đặc biệt: được ăn trưa miễn phí tại trường và dành thời gian nghỉ ngơi để học tập.
Bên cạnh việc đạt thành tích xuất sắc nhiều năm liên tiếp, cô cũng sáng tác nhạc, sử dụng thành thạo một số ngoại ngữ và hòa đồng với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, Angie chưa từng nghĩ bản thân đặc biệt hay nổi trội cho đến khi tham gia một chương trình lãnh đạo dành cho sinh viên nói tiếng Tây Ban Nha.
Một sinh viên nói với cô: “Angie, bạn là người đầu tiên khiến tôi tự hào về nguồn gốc của mình”.
Câu nói khiến Angie vô cùng ngạc nhiên bởi cô chưa từng tự ti về quê hương Mexico, dù gia đình cô chuyển đến Mỹ với bàn tay trắng và người mẹ vẫn lái chiếc xe cũ kỹ.
Marylu đã thành công trong việc nuôi dạy các con biết độc lập, tự chủ và mạnh mẽ, nhưng chính hệ thống trường học công tại Mỹ đã giúp Angie lĩnh hội được cách phát triển bản thân và tối đa hóa cơ hội thành công.
Cô chợt nhận ra rằng, không phải ai cùng hoàn cảnh và khao khát thành công như cô cũng có được cơ hội quý giá tương tự để đạt được mơ ước.
Vì thế, năm 2006, Angie theo học tại Đại học Texas với đam mê tạo nên thay đổi trong cộng đồng và lan truyền tình yêu, cơ hội đến những ai cần chúng nhất.
Ra trường sau ba năm trên giảng đường, cô làm việc tại Google, rồi Dell và hiện tại là General Motors với vị trí giám đốc dự án công nghệ thông tin.
Hiện theo học lớp thạc sĩ công nghệ thông tin vào buổi tối nhưng cô vẫn cùng người bạn đời Corey Hart quản lý một phòng gym.
Người phụ nữ đa năng cũng nhiệt tình hoạt động trong Ủy ban Kế hoạch Thành phố Austin và Ban Đặc nhiệm của Thị trưởng chống phân biệt chủng tộc, bất bình đẳng có tính hệ thống trong các cơ quan chính trị, xã hội.
Angie chia sẻ: “Hoa Kỳ chỉ có thể giữ vững vị thế cạnh tranh trên thế giới khi tận dụng tài năng và năng lượng của mỗi cá nhân mang giấc mơ Mỹ.
Về mặt kinh tế, ta đang mắc sai lầm vì cố gắng giảm thiểu điều đó. Con người nỗ lực nhiều hơn khi có mục đích, vì vậy hãy tập trung những ai cùng chia sẻ giấc mơ Mỹ”.
Sau khi Angie chính thức trở thành công dân Hoa Kỳ và mẹ Marylu nhận được tấm thẻ xanh mơ ước, kiểm tra DNA khẳng định tin đồn lâu năm trong gia đình: Angie là hậu duệ của Samuel Washington – em trai của vị tổng thống Mỹ đầu tiên George Washington.
Phản ứng với tin vui này, Angie đã gia nhập Daughters of the American Revolution (tạm dịch: Nữ hậu duệ của Cách mạng Hoa Kỳ, viết tắt DAR) – tổ chức dành cho phụ nữ mang dòng máu của những nhân vật có công với hòa bình tổ quốc.
Cô nói: “Các tổ chức như DAR cho thấy tình hình quốc gia hiện nay. Trường hợp của tôi chứng minh đường biên giới tự do có ý nghĩa như thế nào với di sản văn hóa, và rằng người nhập cư cũng có lòng yêu nước đặc biệt.”
Tuy nhiên, ngay cả khi đã trở thành một phần máu thịt của Mỹ, Angie không thể xóa bỏ đường biên giới giữa Austin, Texas và Monterrey, Mexico.
Cô lắc đầu trước các hành động hướng tới người nhập cư của Tổng thống Donald Trump tuần vừa qua: “Dường như ông ấy đang cố tình dập tắt ngọn đuốc của Nữ thần Tự do.
Tôi hiểu nước Mỹ có ý nghĩa như thế nào. Tôi đã nhìn thấy giấc mơ này, theo đuổi nó và giờ đang sống cùng nó. Mỗi khi suy nghĩ về con đường của mình, tôi biết ơn quyết tâm mạnh mẽ của mẹ và nước Mỹ đã chào đón chúng tôi hơn 20 năm trước.
Nhưng những chính sách hiện tại khiến tôi ngờ vực và lo lắng, liệu một cô bé bốn tuổi đến từ một chân trời khác có thể sống sót trên con đường tương tự.”
Rời khỏi Mexico, Angie buộc phải từ bỏ danh tính. Đặt chân đến Mỹ, cô nhận được danh tính hoàn toàn mới cùng cơ hội phát triển, mở ra tiềm năng không giới hạn và nắm bắt giấc mơ Mỹ.
Bằng nỗ lực và khả năng hiện tại, Angie rất có thể sẽ trở thành thống đốc gốc Mexico đầu tiên của Texas như mong muốn.
Ngọc Anh (theo The Daily Beast)