edf40wrjww2tblPage:Content
Bé Nguyễn Anh T. bị cha ruột bắt mang đi giấu từ lúc 8 tháng tuổi
ĐỦ CHIÊU GIÀNH GIẬT CON
Pháp luật có những quy định hẳn hòi về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Đặc biệt, trong quyết định ly hôn, khi có liên quan đến việc “chia con”, tòa án đều ghi rõ ràng: “Người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở” (khoản 3, điều 82, Luật HN-GĐ 2014). Thế nhưng, thực tế hoàn toàn không phải vậy. Rất nhiều người đến thăm con, chăm sóc con chung theo “quyết định của tòa” đã bị bên còn lại tìm mọi cách ngăn cản.
Cách đây chưa lâu, chị T.L.H. (Q.Tân Bình, TP.HCM) đã gọi điện thoại đến đường dây khẩn của báo Phụ Nữ nhờ can thiệp để được vào nhà chồng chăm con gái mới năm tuổi. Chị T.L.H. phẫn uất kể: “Từ ngày tôi sinh cháu thứ hai, vợ chồng chính thức chia tay. Mỗi lần nhớ con gái, tôi đến thăm thì họ ngăn cản. Nhiều lần họ khóa trái cửa, viện lý do cháu đi sinh nhật bạn, du lịch với cô ruột, đi công viên với cha. Họ tắt hết di động, máy bàn chẳng ai nghe… Trong nhà thì sáng đèn, có cả tiếng ti vi, tiếng người ồn ào, mặc tôi đứng ngoài cổng giữa trời mưa gió”.
Báo Phụ Nữ vừa tiếp nhận phản ánh về trường hợp anh N.D.K. (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bị người vợ cũ thưa kiện vì anh không cho vợ gặp con. Trước đó, vợ cũ mang con trai đi giấu, anh K. đã phải kỳ công theo dõi và “bày trận” để giành bắt lại đứa con mới 18 tháng tuổi. Ngay sau đó, cuộc chiến giành con giữa cha và mẹ đứa trẻ diễn ra quyết liệt.
Dù TAND Q.Bình Thạnh ra quyết định đồng ý việc ly hôn giữa anh K. và vợ, giao quyền trực tiếp nuôi dưỡng con cho người vợ, thế nhưng anh K. và gia đình liên tục trì hoãn không giao trẻ, khi thì anh đi công tác xa, lúc anh xin tạm vắng khỏi nơi cư trú... Anh K. nói: “Ngay thời gian vợ chồng giận nhau, sống ly thân, cô ấy bỏ nhà ra đi, tôi và ba mẹ phải thay nhau canh con, chăm con. Đến khi có chỗ ở ổn định, cô ấy rình bắt con mang giấu để tôi ròng rã hai tháng trời bỏ ăn bỏ ngủ đi tìm. Giờ giao con cho cô ấy, dễ gì tôi được gặp lại con”.
Chị Huỳnh Thị B.V., người phụ nữ đang bị tạm giam nêu trên, cho biết: “Ban đầu khi mới ly hôn, việc lui tới thăm con của em còn thuận lợi, nhưng khi anh T. giao con cho chị anh ấy nuôi, mọi việc dần khó khăn. Lúc nào chị ấy cũng ở cạnh, canh chừng em và con từng câu nói, còn biểu về sớm để bé ngủ, bé nghỉ… Thậm chí có hôm theo đúng hẹn, em đến trước nhà, chị ấy khóa cửa, gọi điện thoại không bắt máy”.
Nhiều xích mích vợ chồng phát sinh từ lúc chị D. (SN 1994, ngụ P.Bình Hưng Hòa A, Q.Bình Tân) mới cấn bầu, nên lúc đứa con ra đời, tình trạng hôn nhân của chị D. trở nên trầm trọng, D. đề nghị ly hôn. Chị kể: “Khi đó chồng tôi yêu cầu, muốn ra khỏi nhà thì phải viết trong đơn đồng ý để cho anh ấy nuôi con. Tôi đã làm theo nhưng khi nộp đơn, tòa án nói đơn không hợp lệ vì em bé dưới 12 tháng tuổi”. Trong thời gian này, chị D. về nhà mẹ đẻ, ngày nào cũng sang cho con bú, nhưng một hôm, chị đến nơi thì chưng hửng phát hiện gia đình chồng đã chuyển nhà.
Biên bản cưỡng chế bất thành lần hai, còn vi phạm luật (khi tùy tiện hỏi ý trẻ) của chi cục THA DS TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, ngày 17/4 vừa qua
TỨC NƯỚC VỠ BỜ
Vì bị ngăn chặn, “cấm cửa” không cho gặp con, nhiều người đã phẫn uất tìm trăm phương ngàn kế giành, đoạt lại con, trong đó có cả chuyện “canh me” để “bắt cóc” đứa trẻ. Chị Huỳnh Thị B.V. là một “điển hình”. Quá đau buồn vì không được gặp con, V. tâm sự cùng các bạn, ai cũng “xúi” V. nên bắt bé N. về nuôi.
Nghe lời khuyên “con mình mình nuôi”, V. bàn với một số người bạn lên kế hoạch. Theo đó, sáng 16/10/2014, lúc con gái V. được chị của chồng cũ đưa đi tập thể dục, về đến tiệm tạp hóa gần nhà, bạn bè của V. đã xông vào bế cháu, đưa lên xe máy chờ sẵn tẩu thoát. Chị gái chồng cũ can thiệp, nhóm đối tượng này đã ngăn chặn, chửi bới đe dọa. Công an Q.Thủ Đức tiếp nhận thông tin, bắt, khởi tố các đối tượng liên quan trong đó có V.
Mới đây, anh Nguyễn Quốc L. (39 tuổi, ngụ Hải Phòng) thuê bốn thanh niên tổ chức bắt cóc chính con ruột của mình đưa ra Hải Phòng. Hiện L. đang bị công an ra quyết định truy nã. Được biết, anh L. và chị N.T.T.H. (37 tuổi, tạm trú Q.7) chung sống như vợ chồng.
Chị H. sinh một bé trai. Không hôn thú, mối ràng buộc của họ cũng mong manh, tạm bợ nên khi vừa phát sinh mâu thuẫn với anh L., chị H. ôm con bỏ đi. Sau nhiều ngày tìm kiếm, phát hiện chị H. đang tạm trú tại Q.7, con chung của hai người đang học tại một trường trên đường Trần Văn Trà, P.Tân Phú, Q.7, anh L. đã bắt cóc con.
Tương tự, từng bị gia đình vợ cấm đoán, không cho thăm con sau ly hôn, anh Trần Trung Hiếu (SN 1983, ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM) và gia đình vợ cũ đã xảy ra mâu thuẫn trầm trọng. Thương nhớ con, người cha này đã làm một clip có tên “Tình phụ tử” tung lên mạng xã hội, ghi lại những hình ảnh, khoảnh khắc cha con vui vẻ bên nhau và những lời thương nhớ con da diết. Clip này khiến gia đình bên vợ anh “chẳng vui vẻ tí nào”. Thế là trong khi cự cãi, người em trai của vợ đã đâm chết Hiếu khi anh này đến nhà vợ ở Q.8 thăm con.
Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, báo Phụ Nữ đã tiếp nhận phản ánh hơn 30 trường hợp giành con, bắt cóc con ruột. Lật giở lại từng hồ sơ vụ việc đều thấy một điểm chung: vì bị đối phương (chồng cũ/vợ cũ hoặc gia đình chồng/vợ cũ) ngăn cản, cấm đoán, người còn lại đã tìm mọi cách giành lại “núm ruột” của mình.
QUYỀN LỢI ĐỨA TRẺ PHẢI ĐƯỢC ƯU TIÊN HÀNG ĐẦU
Nước mắt lưng tròng, chị T.L.H. (Q.6) bật khóc khi kể lể sự tình với báo Phụ Nữ: vì bị ngăn cấm không được gặp con, chị thiếu kiềm chế, chửi bới nhà chồng trên mạng xã hội và bị nhà chồng kiện. Chị nói: “Rõ ràng quyền trực tiếp nuôi con thuộc về tôi, vậy mà khi tôi bị tước quyền đó, kêu cứu, không ai giúp đỡ. Đâu phải tự nhiên tôi mắng chửi họ, tất cả đều có lý do mà…”.
Băn khoăn của chị T.L.H. cũng là điều mà nhiều người trăn trở. Nếu pháp luật không được thực thi đúng thì kiểu hành xử như “luật rừng”, bắt cóc con, cưỡng đoạt con… sẽ còn tiếp diễn. Bởi quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng, thương yêu con cái, không ai có thể tước đoạt, trừ khi cha, mẹ bị tòa án ra quyết định hạn chế quyền đối với con (điều 85, Luật HN-GĐ năm 2014).
Chị Đoàn Thị Bích Hợp - người được quyền nuôi dưỡng trực tiếp cháu V.T.T.L. theo quyết định của bản án phúc thẩm số 31/2014/HNGĐ-PT ngày 9/9/2014 của TAND tỉnh Đồng Nai (xem bài Vụ cha bắt con đem giấu: cưỡng chế thi hành án tiếp tục thất bại, báo Phụ Nữ ngày 20/4/2015) - cho biết: “Suốt ba năm đeo đuổi vụ kiện, tòa hai lần tuyên giao quyền nuôi con cho tôi, vậy mà hai lần thi hành án (THA) đều bất lực. Như vậy tôi biết cậy nhờ ai để bảo vệ quyền của mẹ con mình? Đôi lúc tôi cũng nghĩ, hay mình thuê người bắt cóc bé L. Nhưng rồi cũng ngay lập tức, tôi biết điều đó là không thể, là vi phạm pháp luật”.
Dù trên thực tế việc THA giao con gặp nhiều khó khăn, nhưng luật sư Nguyễn Văn Đức (Giám đốc Công ty luật Kinh Luân) khẳng định, trong rất nhiều trường hợp cơ quan THA không mạnh tay, đề xuất khởi tố đối tượng phải thi hành bản án về hành vi không chấp hành án. Chính việc không mạnh tay này khiến nhiều đối tượng phải THA tìm mọi cách không thực hiện bản án, gây khó khăn cho cơ quan chức năng.
Luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn Luật sư TP.HCM) đồng quan điểm phải mạnh tay với người không chấp hành bản án, tuy nhiên cũng cần cân nhắc kỹ trước khi thực hiện.
Luật sư Thảo từng bảo vệ quyền lợi cho bà Nguyễn Thị H. quê Bạc Liêu. Bà H. là mẹ nuôi của bé T. Sau chín năm bà H. nuôi bé T., mẹ đẻ của T. tìm về giành quyền nuôi con. Tòa án tuyên người mẹ đẻ thắng kiện, buộc bà H. giao con. “Ban đầu cơ quan THA thực hiện bản án rất khó khăn, bởi người mẹ đẻ khá xa lạ với đứa con, đứa bé lúc này đã chín tuổi, nhận thức được việc mình phải xa cách với người mẹ nuôi. Khi cơ quan THA đến, bà H. vẫn đồng ý giao con, nhưng đứa trẻ thì khóc ngất, bám chặt bà H. không chịu rời”, ông Thảo kể.
Vụ việc tưởng đi vào bế tắc, nhưng do sự hòa giải tích cực của cơ quan THA, luật sư nên hai người phụ nữ đã bàn bạc với nhau, đặt mục tiêu quan tâm đứa bé lên hàng đầu, vẫn để bé sống với mẹ nuôi, đồng thời giúp cháu dần tiếp nhận tình cảm ruột thịt. Bà H. tạo điều kiện tối đa để mẹ đẻ cháu bé có thời gian gần gũi với con ruột sau nhiều năm xa cách. “Việc giao nhận con bất luận trong trường hợp nào cũng đều phải bảo đảm sự an toàn cho sức khỏe, tinh thần của bé, không được giành giật, tuyệt đối không được hành xử theo kiểu sở hữu”, luật sư Thảo cho biết.
CHÍ KIÊN - QUỲNH MAI - NGHI ANH
Cần hình sự hóa đối với hành vi không giao con theo quyết định của tòa án Thực tế, có nhiều vụ việc không chấp hành bản án giao con theo quyết định của tòa, cơ quan thực thi luật lúng túng, khó xử khi đụng chuyện mang tính “gia đình”. Nhiều chấp hành viên nói riêng, cơ quan THA các cấp nói chung e ngại khi cưỡng chế “phân chia” dẫn đến những vụ xô xát gây bất ổn trật tự xã hội, chính quyền khó giải quyết. Hiện nay để truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi không giao con, cơ quan THA phải qua quá nhiều bước, nhiều thủ tục nhiêu khê. Vì thế, nên hình sự hóa hành vi không giao con theo quyết định của tòa án để buộc người trong cuộc tôn trọng việc chấp hành pháp luật, đồng thời giảm bớt những nguy cơ tranh chấp gây mất trật tự xã hội. Luật gia Phan Thị Việt Thu (Chủ tịch Hội Luật gia Q.Tân Phú, TP.HCM) |