Bất chấp tranh cãi, Nga và Trung Quốc vẫn có ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

14/10/2020 - 11:23

PNO - Mặc dù có nhiều tranh cãi và phản đối nhưng Trung Quốc và Nga vẫn có mặt trong cơ quan nhân quyền của Liên Hợp Quốc, trong khi đó Saudi Arabia đã thất bại.

Nga và Trung Quốc đã được bầu vào Hội đồng Nhân quyền của Liên Hợp Quốc trong ba năm tới, nhưng Saudi Arabia đã về chót trong nỗ lực giành một vị trí trong bộ máy này. 

Cụ thể, trong cuộc bỏ phiếu kín tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc gồm 193 thành viên, 4 quốc gia trúng cử ở châu Phi gồm Bờ Biển Ngà, Malawi, Gabon và Senegal. Nga và Ukraine đã giành được hai ghế ở Đông Âu. Ở nhóm Mỹ Latinh và Caribe thì Mexico, Cuba và Bolivia đã giành được ba ghế. Còn Anh và Pháp cũng giành được hai ghế cho nhóm Tây Âu và các nước khác. 

Nga và Trung Quốc giành ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Nga và Trung Quốc đã có mặt trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc

Khu vực tranh chấp duy nhất trong cuộc bầu cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc năm 2020 là châu Á - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc và Saudi Arabia cạnh tranh quyết liệt với Pakistan, Uzbekistan và Nepal để giành bốn ghế. Kết quả chung cuộc, Pakistan đã nhận được 169 phiếu, Uzbekistan 164, Nepal 150, Trung Quốc 139 và Saudi Arabia thua cuộc khi về chót với chỉ 90 phiếu.

Tuần trước, liên minh các nhóm nhân quyền từ châu Âu, Hoa Kỳ và Canada đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc phản đối cuộc tranh cử của Trung Quốc, Nga, Saudi Arabia, Cuba, Pakistan và Uzbekistan, họ cho rằng hồ sơ nhân quyền của các quốc gia trên “không đủ tiêu chuẩn”.

Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền của Liên Hợp Quốc, Louis Charbonneau chia sẻ: “Nếu có thêm ứng cử viên, Trung Quốc, Cuba và Nga có thể đã thua cuộc”.

Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được thành lập vào năm 2006, đặt trụ sở tại Geneva và thường tổ chức 3 phiên họp vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 hàng năm.

Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia được bầu trực tiếp bằng cách bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phân phối địa lý công bằng, theo đa số. Các quốc gia thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và chỉ đủ điều kiện để tái cử một lần.

Các quốc gia được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc phải tuân thủ các tiêu chuẩn về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, hợp tác đầy đủ với hội đồng và đệ trình thủ tục đánh giá định kỳ toàn cầu tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ của mình.

Chung Thu Hương (theo AP và The Guardian)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI