Bất chấp nguy hiểm, vì sao cha mẹ Nhật cho con tiếp xúc thế giới từ nhỏ?

01/04/2017 - 07:00

PNO - Trên các phương tiện giao thông công cộng ở Nhật Bản, chúng ta thường xuyên bắt gặp hình ảnh một hoặc một nhóm trẻ em bản xứ len lỏi tìm chỗ ngồi.

Các em đều mặc áo kẻ sọc, đội mũ rộng vành, đeo tất đến đầu gối, giày da bóng tối màu, và vé tàu gắn trên ba lô.

Những đứa trẻ này chỉ mới 6, 7 tuổi và đang trên đường đến trường hoặc về nhà mà không có người lớn đi cùng.

Bat chap nguy hiem, vi sao cha me Nhat cho con tiep xuc the gioi tu nho?
Bé gái đi bộ trong ga tàu điện ngầm ở Nhật Bản.

Cha mẹ Nhật để con tiếp xúc với thế giới ở độ tuổi rất nhỏ. “Công việc đầu tiên của tôi”, một chương trình truyền hình nổi tiếng, ghi lại quá trình những em bé mới 2, 3 tuổi thực hiện nhiệm vụ nhỏ giúp đỡ gia đình. Do rất thiết thực với đời sống trong nước, chương trình kéo dài tận 25 năm.

Kaito, một cậu bé 12 tuổi ở Tokyo tự đón tàu đi học từ khi lên 9, nói: “Lúc đầu cháu hơi lo lắng, nhưng việc đó thật dễ dàng.” Cha mẹ Kaito cũng rất e ngại nhưng lý trí mách bảo họ đã đến lúc gửi con vào cuộc hành trình.

Mẹ em cho biết: “Thực ra đi tàu rất an toàn, đúng giờ, dễ điều chỉnh, còn con trai tôi thì thông minh. Tôi từng tự đón tàu khi còn nhỏ hơn cháu dù ngày ấy không có điện thoại di động. Giờ đây, nếu gặp rắc rối, cháu có thể gọi cho chúng tôi.”

Tại sao trẻ em Nhật lại tự lập sớm đến vậy? Dwayne Dixon, một nhà nhân loại – văn hóa học giải thích: “Do được nuôi dạy như nhau, bất cứ thành viên nào của cộng đồng cũng có thể giúp đỡ người khác.”

Chương trình “Công việc đầu tiên của tôi” trên truyền hình Nhật Bản.

Giả định này được củng cố ở trường học nơi trẻ em thay phiên dọn dẹp và phục vụ bữa trưa thay vì dựa dẫm vào nhân viên.

Dixon nói: “Thói quen này giúp phân phối lao động, linh hoạt kỳ vọng để đứa trẻ nào cũng nhận được bài học về nỗ lực và công bằng.”

Ví dụ, chịu trách nhiệm cho không gian sinh hoạt chung khiến trẻ cảm thấy tự hào về bản thân, đồng thời hiểu rằng nếu bày bừa, chúng sẽ phải tự dọn.

Theo sự phát triển của trẻ, bài học đạo đức này nhân rộng ra. Đứa trẻ một mình ngoài xã hội biết rằng, em có thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ cộng đồng trong trường hợp khẩn cấp.

Do Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm rất thấp, cha mẹ Nhật yên tâm cho con ra ngoài một mình. Hơn nữa, không gian đô thị quy hoạch và văn hóa đi lại cũng thúc đẩy nhận thức về an toàn.

Người Nhật có thói quen đi bộ; các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu hỏa ‘đánh bật’ xe hơi. Lái xe có ý thức nhường đường cho người đi bộ và người đi xe đạp.

Bat chap nguy hiem, vi sao cha me Nhat cho con tiep xuc the gioi tu nho?
Bé gái ngồi một mình trên tàu điện ngầm.

Quay trở lại với gia đình của Kaito, mẹ cậu bé nói nếu đây là London hay New York, cô sẽ không để con ra ngoài một mình.

Tuy nhiên, Tokyo cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, đặc biệt với phụ nữ và bé gái, dẫn đến những tuyến xe chỉ dành cho nữ vào năm 2000.

Dù vậy, phần lớn trẻ em thành phố vẫn tự đón tàu đi học và làm việc vặt trong khu dân cư mà không có sự giám sát của người lớn.

Việc cha mẹ Nhật để con tự do thể hiện niềm tin của họ vào con cái và vào cả xã hội.

Qua nghiên cứu, Dixon nhận thấy: “Trên thế giới có hàng triệu trẻ em tự lập, nhưng những người ngoại quốc vẫn bị thu hút bởi khả năng tin tưởng lẫn nhau và cùng hợp tác của người Nhật.”

Ngọc Anh (theo Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI